Quốc tế 18/01/2015 07:31

Trung Quốc vỡ mộng dùng “vũ khí tối mật” kiềm chế Mỹ, Nhật

Nếu phải gọi tên một mục tiêu cao nhất mà mọi nhà lãnh đạo Trung Quốc, dù thuộc nhiều thế hệ khác nhau, cùng hướng đến trong nhiều năm qua, thì đó hẳn phải là tìm cách gia tăng lên đến mức cao nhất có thể sức mạnh kinh tế và tầm ảnh hưởng của quốc gia đông dân nhất thế giới này trên thế giới. Nhưng giờ thì Trung Quốc vỡ mộng.

Trung Quoc vo mong

Để đạt được mục đích này, người Trung Quốc đã không từ một công cụ và phương pháp nào. Sau những chiến lược để hy vọng đưa đồng Nhân dân tệ trở thành một trong những phương tiện thanh toán chủ chốt của thế giới, giờ đây đến lượt một vũ khí mới của Trung Quốc ra mắt: đất hiếm.

Đất hiếm từ lâu đã không còn là gì quá xa lạ với thế giới, loại tài nguyên đặc biệt này đang ngày càng trở thành một trong những nguyên liệu quan trọng nhất trong rất nhiều lĩnh vực trong thế giới hiện đại. Từ các tuabin gió, điện thoại thông minh, vũ khí công nghệ cao hay thậm chí là một số loại cần câu cá, đều phải có sự tham gia của đất hiếm. Phiền một nỗi, loại tài nguyên đặc biệt này lại không phân bố rộng khắp trên thế giới như dầu lửa hay các mỏ than, mà chỉ tập trung ở một số khu vực nhất định trên thế giới. 
 
Trong bối cảnh các lĩnh vực công nghệ cao đang được phát triển nhanh chóng và các sản phẩm công nghệ cao ngày càng có vai trò quan trọng trên thế giới, nên nhiều chuyên gia thậm chí đã dự đoán trong tương lai đất hiếm sẽ là thứ quyết định trật tự và sức mạnh trên thế giới.
 
Dĩ nhiên, Trung Quốc, nước có trữ lượng đất hiếm thuộc loại hàng đầu trên thế giới, không bỏ lỡ cơ hội. Cùng với quá trình mở cửa nền kinh tế, Trung Quốc cũng dần trở thành nhà cung cấp đất hiếm số một thế giới vào đầu những năm 90 dù trước đó vị trí này thuộc về Mỹ. 
 
Cung cấp số lượng lớn đất hiếm đã trở thành một đòn bẩy quan trọng giúp nền kinh tế Trung Quốc, khi đó vừa mới mở cửa, đạt được tốc độ phát triển vượt bậc. Việc cung cấp đất hiếm với trữ lượng lớn đã thu hút rất nhiều tập đoàn công nghệ cao trong các lĩnh vực về điện tử hay công nghệ thông tin đến Trung Quốc xây dựng các nhà máy để tận dụng nguồn cung đất hiếm ở đây.
 
Nhưng khi mà Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế, thì cái giá để sử dụng đất hiếm mà nước này đặt ra cũng ngày càng ngặt nghèo hơn. Khi kinh tế đã phát triển, đất hiếm không còn chỉ được coi là cái cần câu mời gọi các nhà đầu tư công nghệ cao nước ngoài đến xây dựng nhà máy nữa, mà đất hiếm đã trở thành một con bài chính trị để Bắc Kinh gây sức ép lên các quốc gia khác đang phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc này. 
 
Theo ước tính, trong năm 2013 Trung Quốc cung cấp 86% lượng đất hiếm cho thế giới, và có vẻ như điều này đã thổi phồng tầm quan trọng của nguyên liệu này trong mắt các nhà lãnh đạo Trung Quốc với thế giới.
 
Tháng 9.2010, sự cố đầu tiên xảy ra khi Nhật Bản bắt giữ một ngư dân Trung Quốc đang xâm nhập trái phép lãnh hải nước này, nguồn cung cấp đất hiếm từ Trung Quốc sang Nhật lập tức bị ngưng trệ, và chỉ sau khi người ngư dân này được thả ra thì nguồn cung mới được khôi phục. 
 
Sau vụ việc này, hầu hết các đối tác đất hiếm lớn nhất của Trung Quốc như Nhật Bản và Mỹ lập tức tìm các phương án giảm phụ thuộc nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Hilary Clinton tuyên bố Trung Quốc đã sử dụng các nguồn lợi kinh tế để trở thành áp lực chính trị một cách thiếu văn minh.
 
Vụ rắc rối liên quan đến đất hiếm này đã trở thành một sự việc tiền lệ gây tác động xấu đến Trung Quốc, khi nước này đã không tách bạch được sự hợp tác giữa kinh tế và xung đột chính trị. Nó cũng cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng các quan hệ kinh tế với các nước khác để trở thành áp lực lên các đối tác của mình. 
 
Bản thân lĩnh vực khai thác và xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã bị thiệt hại nặng qua vụ việc này, các đối tác lớn nhất của Trung Quốc như Nhật và Mỹ đã lên các phương án giảm phụ thuộc vào nguồn đất hiếm Trung Quốc. Mỹ đã mở lại các mỏ khai thác đất hiếm của mình, còn Nhật Bản đã chuyển hướng sang các nhà cung cấp khác như Australia, theo đó đến năm 2018, 60% lượng đất hiếm mà Nhật Bản nhập khẩu sẽ đến từ những nguồn cung từ bên ngoài Trung Quốc.
 
Việc các đối tác lớn nhất trong lĩnh vực đất hiếm của Trung Quốc chuyển hướng sang các nhà cung cấp khác đang thực sự trở thành một nguy cơ lớn với ngành công nghiệp của nước này này. Sản lượng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc giảm đáng kể, và gần nhất Bắc Kinh đã phải tuyên bố dỡ bỏ các lệnh ngăn chặn xuất khẩu với các loại đất hiếm 15 tuổi. 
 
Bản thân Trung Quốc cũng không sử dụng nhiều nguồn đất hiếm này khi mà hầu hết các tập đoàn công nghệ của nước này chưa đạt đến trình độ công nghệ cao đủ để thay thế các tập đoàn nước này trong việc sử dụng đất hiếm. 
 
Trong 11 tháng đầu năm 2014, Trung Quốc chỉ xuất khẩu được 24.866 tấn đất hiếm, ít hơn mức hạn ngạch là 30.611 tấn khá nhiều. Sẽ còn rất lâu nữa người Trung Quốc mới có thể đạt được giấc mơ về việc sử dụng đất hiếm để tăng ảnh hưởng của mình trên thế giới. Trung Quốc vỡ mộng.
 
Theo Nhàn Đàm
Một thế giới / Bloomberg
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *