Quốc tế 29/03/2020 15:25

Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với cú sốc kinh tế sau đại dịch Covid-19

Sau khi đóng cửa hầu hết các nhà máy tại đất nước, Trung Quốc đã tạo ra một cú sốc lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Giờ đây, nền kinh tế nước này lại đang chuẩn bị cho một cú sốc tiếp theo.

Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với cú sốc kinh tế sau đại dịch Covid-19 - 1

Một người phụ nữ Trung Quốc bước đi mệt mỏi trên đường với hai tay xách nặng trĩu túi thực phẩm dự trữ

Vào cuối tháng 2, các ông chủ của một công ty đường ống công nghiệp Trung Quốc đã lo lắng về việc các đơn đặt hàng địa phương sẽ bị hủy bỏ sau khi các hoạt động sản xuất và bán lẻ tại đất nước bị đóng cửa, làm kiệt quệ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhưng chưa đây một tháng sau đó, các đơn đặt hàng trong nước đang bắt đầu tăng tốc và các nhà máy trên khắp Trung Quốc đang hoạt động với lại gần công suất tối đa. Nhưng bây giờ, họ lại có mối quan tâm mới.

Những thách thức về nhu cầu quốc tế

Chính sách đóng cửa các cửa hàng, doanh nghiệp làm tê liệt Trung Quốc hiện đang được nhân rộng ở nhiều nơi trên thế giới, khi các nước cố gắng xử lý sự lây lan của đại dịch Covid-19 đang tấn công vào huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu.

Jason Cheng, tổng giám đốc kinh doanh ở nước ngoài của Rifeng – một công ty dầu mỏ tại Trung Quốc, nói rằng: “Chúng tôi đã hoạt động trở lại 100% công suất cho nhu cầu ở nước ngoài, nhưng thật đáng buồn là thị trường tại các nước khác đang trong tình trạng đóng cửa hoặc sắp đóng cửa”, ông cho biết thêm rằng, khách hàng ở Pháp, Ý và Mỹ đã đưa ra yêu cầu trì hoãn thanh toán hoặc hủy các đơn hàng.

“Chúng tôi đã từng có một tình huống tương tự vào năm 2008 và 2009, và vào khi đó doanh thu ở nước ngoài chỉ bằng một nửa so với năm trước,” ông Cheng nói. “Tôi chắc chắn rằng sẽ lại có một câu chuyện tương tự như vậy xảy ra ngay bây giờ”.

Nhiều người ở Trung Quốc hiện đang chuẩn bị cho một cú sốc kinh tế thứ hai sau đại dịch virus corona, làm tê liệt mọi hoạt động của quốc gia này trong hai tháng đầu năm.

Cú sốc về nguồn cung ban đầu đã khiến cho các nhà máy sản xuất của Trung Quốc không thể hoạt động, nhưng các nhà kinh tế hiện đang lo lắng hơn về cú sốc về nguồn cầu tiếp theo đây làm rung chuyển nền kinh tế trong những tháng tới.

Với những chính sách nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus corona, có khả năng ngành xuất khẩu của Trung Quốc - chiếm 20% nền kinh tế nước này - sẽ bị ảnh hưởng. Dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 17,2% trong tháng 1 và tháng 2, các nhà phân tích cảnh báo rằng điều tồi tệ hơn có thể đang nằm ở phía trước.

Chuyên gia kinh tế của Quỹ tiền tệ quốc tế đã viết trong một bài báo phát hành vào hôm thứ 6 rằng, khi nhiều nước phải đối mặt với sự bùng nổ của đại dịch và sự hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu, người tiêu dùng và các công ty có thể vẫn cảnh giác, và nó sẽ làm giảm nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc khi nền kinh tế đang hoạt động trở lại.

Chẳng hạn, tình hình ở Mỹ hiện đang xấu đi nhanh đến mức các nhà kinh tế của Morgan Stanley đã thay đổi dự báo của họ từ mức dự đoán giảm 4% của nền kinh tế trong quý 2 xuống mức giảm thấp kỷ lục 30,1%, chỉ trong vòng một tuần.

Các nhà phân tích cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trung bình sẽ ở mức 12,8% trong quý, với mức tiêu thụ giảm 31%.

Niềm tin tiêu dùng trong nước sụt giảm

Phần thứ hai là câu chuyện về nhu cầu trong nước. Dự kiến sẽ có một loạt các vụ phá sản nổi lên từ bóng ma của virus corona và sự đóng cửa kéo dài hàng tuần của nền kinh tế Trung Quốc. Đã có 100 công ty bất động sản nộp đơn xin phá sản vào tháng 1 và tháng 2, theo Bloomberg đưa tin.

Trong khi đó, vào thứ hai tuần trước, tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc được khảo sát đã tăng từ 5,2% lên 6,2%, tương đương với 5 triệu người bị mất việc làm. Con số này không bao gồm những người lao động nhập cư.

Công ty nghiên cứu Bắc Kinh Gavekal Dragonomics đã ước tính rằng, virus corona có thể khiến công nhân nhập cư của Trung Quốc bị mất 800 tỷ nhân dân tệ (115 tỷ USD) tiền lương.

Các số liệu này sẽ tạo ra lỗ hổng mới về nhu cầu trong nước tại thời điểm doanh số bán lẻ đã giảm 20,5% trong tháng 1 và tháng 2, một sự sụt giảm kỷ lục.

Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh cho biết: “Tôi nghi ngờ rằng, mặc dù các hạn chế về phía cung sẽ được loại bỏ khá nhanh, nhưng nhu cầu phục hồi nền kinh tế sẽ khó khăn hơn nhiều và điều này sẽ trở nên trầm trọng đến mức ngay cả những người không bị mất thu nhập cũng phản ứng với cú sốc bằng cách quyết định tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít hơn từ thu nhập của họ”.

Biggi Stefansson, chủ sở hữu của IS Seafood, một nhà phân phối hải sản Iceland của Trung Quốc, cho biết doanh nghiệp của ông đã bị sụt giảm 94% doanh số trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái. Ông hy vọng rằng tình hình trong tháng 3 sẽ tốt hơn một chút cho công ty có trụ sở tại Thượng Hải, có thể chỉ giảm 80% so với năm ngoái và thậm chí đến tháng 4, doanh nghiệp của ông vẫn sẽ giảm 50%.

Điều tương tự cũng xảy ra ở Bắc Kinh, nơi công ty cung cấp và phân phối thịt USource đã bị sụt giảm hơn 90% doanh số từ hoạt động kinh doanh vào tháng 2. Đến tháng 3, công ty vẫn có thể bị lỗ 50% so với năm ngoái.

William Kerins, người điều hành công ty cùng với vợ của mình là Danielle Yang cho biết rằng: “Nhu cầu trên thị trường sẽ dần được phục hồi. Nhưng sự tăng trưởng về nhu cầu trong năm nay thì là một điều quá xa vời”.

Những xu hướng này đã được đưa ra trong một cuộc khảo sát gần đây do công ty tài chính Rong360.com của Bắc Kinh thực hiện cho thấy, 64,4% số người được khảo sát sẽ giữ thói quen chi tiêu tích kiệm của họ sau đại dịch, và 31,4% người không thay đổi thói quen chi tiêu.

Từ những gì chúng ta có thể thấy, niềm tin của người tiêu dùng đang tăng lên nhưng không thể tăng bằng mức trước cuộc khủng hoảng, Josh Gardner, người sáng lập quản lý thị trường trực tuyến Kung Fu Data, nói thêm rằng thương mại điện tử đã lớn mạnh hơn so với những cửa hàng truyền thống, đặc biệt là thực phẩm, vật tư y tế và thiết bị thể dục tại nhà.

Nền kinh tế Trung Quốc từng được kỳ vọng sẽ phục hồi theo đồ thị hình chữ V, nghĩa là kinh tế Trung Quốc sẽ khôi phục với tốc độ tương tự như khi lao dốc. Nhưng giờ, niềm tin tiêu dùng sụt giảm và những thách thức về nhu cầu quốc tế khiến hy vọng này trở nên xa vời.

Hầu hết các nhà kinh tế hiện nay dự kiến nền kinh tế Trung Quốc sẽ sụt giảm lớn trong quý này, đây có lẽ là sự sụt giảm kỷ lục đầu tiên kể từ năm 1976, vào cuối cuộc Cách mạng Văn hóa. Một cuộc suy thoái toàn cầu cũng có khả năng xảy ra, và với sự nguy hiểm mà virus corona tạo ra, mối đe dọa đối với nền kinh tế Trung Quốc không hề có dấu hiệu giảm bớt.

Trung Quốc sẽ không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với sự suy thoái kinh tế kéo dài, nhưng có lẽ đất nước này có nhiều thứ để mất hơn hầu hết các quốc gia khác.

Thùy Dung

Theo SCMP

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *