Quốc tế 21/05/2020 15:29

Trung Quốc “tiến thoái lưỡng nan” trước làn sóng xin xoá nợ

Trung Quốc đang “đau đầu” trước làn sóng các nước xin xoá hoặc giãn nợ do ảnh hưởng của Covid-19. Nếu nói không sẽ xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trên toàn cầu, còn thực hiện, sẽ rất tốn kém.

Tháng trước, khi dịch Covid-19 đang lây lan trên toàn cầu, Ngoại trưởng Pakistan đã gọi cho người đồng cấp tại Bắc Kinh đề nghị tái cấu trúc khoản nợ hàng tỷ USD mà nước này vay từ Trung Quốc.

Tương tự, một loạt các nước như Kyrgyzstan, Sri Lanka và một số quốc gia ở châu Phi cũng yêu cầu Bắc Kinh tái cấu trúc nợ, hoãn hoặc xoá hàng chục tỷ USD đến hạn phải trả trong năm nay.

Trung Quốc “tiến thoái lưỡng nan” trước làn sóng xin xoá nợ - 1

Một dự án sử dụng vốn vay của Trung Quốc ở Sri Lanka. Ảnh: New York Times

Với mỗi yêu cầu như vậy khiến động lực trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho các nước đang phát triển của Trung Quốc trở nên phản tác dụng.

Hơn hai thập kỷ qua, với nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng và trở thành cường quốc kinh tế và chính trị của thế giới, Trung Quốc đã đẩy mạnh cho vay toàn cầu, đổ hàng trăm tỷ USD vào các nước nghèo. Đổi lại, các nước sẽ phải thế chấp bằng hải cảng, mỏ tài nguyên và các tài sản giá trị khác.

Hiện nay, khi nền kinh tế thế giới đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, nhiều nước đã yêu cầu Bắc Kinh phải xoá hoặc giãn nợ bởi họ không có khả năng trả nợ.

Điều này đặt Trung Quốc vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, khó lựa chọn. Nếu đồng ý tái cấu trúc hoặc xoá các khoản nợ này, thì sẽ gây áp lực lên hệ thống tài chính quốc gia và khiến cho người dân phản ứng vì họ cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.

Nhưng nếu nói không và yêu cầu trả nợ đúng hạn - khi nhiều nước đang nổi giận với Trung Quốc về cách thức xử lý đại dịch - sẽ càng khiến cho nỗ lực tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu trở nên khó khăn hơn.

“Trung Quốc đang ở thế bất lợi về chính trị”, ông Andrew Small, chuyên gia cao cấp của Quỹ Marshall (Đức) nói và cho rằng: Nếu Trung Quốc quyết tâm thu hồi các khoản vay này, thì họ sẽ tiếp quản các tài sản chiến lược ở các quốc gia không có khả năng trả nợ.

Trong khi đó, uy tín của Trung Quốc trên toàn cầu cũng đang rất mong manh. Nhiều quốc gia đang công khai đặt câu hỏi về vai trò của Trung Quốc đối với việc lây lan của virus corona khi nước này hạ thấp cảnh báo về mức độ nghiêm trọng và khả năng lây lan của virus hồi tháng 1/2020. Mặc dù, hiện Bắc Kinh đang ra sức tài trợ khẩu trang và các thiết bị y tế cho các nước để lấy lại hình ảnh trên trường quốc tế. Song một bước đi sai lần có thể khiến tham vọng toàn cầu của nước này sụp đổ.

Trong khi đó, số nợ là rất lớn. Theo Viện nghiên cứu Kiel (Đức), hiện Trung Quốc đã cho các nước đang phát triển vay khoảng 520 tỷ USD hoặc hơn. Đại đa số được giải ngân trong vài năm gần đây. Với con số trên, tờ New York Times đánh giá, Bắc Kinh hiện là chủ nợ lớn hơn cả Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Đứng đầu là các khoản vay từ Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá 1.000 tỷ USD do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng để tài trợ cho các dự án hạ tầng trên toàn cầu và nhằm lôi kéo thêm các đồng minh ủng hộ Trung Quốc. Kể từ khi Sáng kiến này bắt đầu thực hiện vào năm 2013, Trung Quốc đã cho các nước vay 350 tỷ USD, trong đó một nửa là những con nợ khó đòi.

Trung Quốc đã bác bỏ ý tưởng xoá nợ hàng loạt nhưng cho biết sẽ sẵn sàng đàm phán. Hiện một số nước đã nhận được phản hồi từ Trung Quốc. Hồi tháng 4, chính phủ Kyrgyzstan thông báo, Trung Quốc đã đồng ý giãn khoản nợ 1,7 tỷ USD cho nước này nhưng không tiết lộ chi tiết cụ thể.

Các nước khác đang hy vọng cũng sẽ nhận được phản hồi tương tự. Tổng thư ký của Kho bạc Sri Lanka, S.R. Attygalle cho biết, ngoài Trung Quốc ra, nước này còn đề nghị cả Nhật Bản và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc giãn nợ. Theo ông, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã đồng ý nới hạn mức tín dụng lên 700 triệu USD, hạ lãi suất và hoãn thời hạn trả nợ thêm 2 năm cho Sri Lanka.

Ngoài những bước đi trên, các quan chức Trung Quốc vẫn chưa đưa ra quyết định sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào.

Tuy nhiên, ông Song Wei, một quan chức ở Bộ Thương mại Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng, xoá nợ không phải điều đơn giản và có hiệu quả. “Những gì Trung Quốc có thể làm giúp các nước đưa các dự án vay này đi vào hoạt động, có lợi nhuận ổn định, thay vì các biện pháp đơn giản như xoá nợ”.

Nhật Linh

Theo New York Times

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *