Quốc tế 30/11/2014 07:39

Trung Quốc tận thu từ dân để tăng trưởng

Ước tính có đến 1,3 tỉ người Trung Quốc trở nên kém hạnh phúc hơn với đồng tiền bị chính phủ định giá thấp để “trục lợi”.

Trong một bài viết mới đây được đăng trên trang web project-syndicate, GS Keyu Jin - chuyên gia kinh tế tại Trường Kinh tế London, lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thành viên của Hội đồng Cố vấn Tập đoàn Richemont, đã chứng minh rằng con đường mà Bắc Kinh đang chọn để phát triển kinh tế quá lệch lạc, thậm chí là méo mó đến mức báo động.

Hậu quả là người dân phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực bao gồm: mức tiêu thụ thấp, dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp, suy thoái môi trường, giảm lương, giảm phúc lợi xã hội…

Lặp lại sai lầm của lịch sử

Trung Quốc là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP đáng ngưỡng mộ nhất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái trầm trọng từ năm 2008. Khi các nước mãi loay hoay tìm cách thoát khỏi tình trạng thất nghiệp, nợ công, hàng tồn,… thì GDP Trung Quốc vẫn tăng đều, đạt mức 10% một năm, thậm chí có giai đoạn chạm mốc 12%.

Tuy nhiên, điều đáng nói là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP của Trung Quốc lại có vấn đề. Keyu Jin nhận định Bắc Kinh đang áp dụng chính sách kinh tế bị ảnh hưởng bởi thành kiến lâu đời “coi xây dựng và sản xuất là đầu tàu của phát triển kinh tế”. Hiểu nôm na, dường như Bắc Kinh đang quay lại với thời kỳ Đại nhảy vọt giai đoạn những năm 1950 của Mao Trạch Đông - ngay cả kim loại phế thải cũng được nấu chảy để sản xuất thép, tất cả nhằm tập trung phát triển công nghiệp hóa một cách nhanh chóng.

Với khuynh hướng trọng sản xuất công nghiệp, Trung Quốc tung ra các dự án sản xuất và cơ sở hạ tầng khủng, được chính phủ khuyến khích thông qua những khoản trợ cấp trực tiếp lẫn gián tiếp. Việc thúc đẩy đầu tư phát triển công nghiệp đã giúp Bắc Kinh tạo ra doanh thu thuế cho chính quyền địa phương, tạo động lực mạnh mẽ giúp GDP Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, chủ nghĩa trọng công nghiệp của Bắc Kinh dường như lợi bất cập hại khi hàng loạt hệ quả xấu xuất hiện, đè nặng lên vai người dân. Trong khi thặng năng lực sản xuất công nghiệp lẫn hàng hóa sản xuất dư thừa, các công ty công nghiệp nhà nước được vỗ béo từ chính sách cố đấm ăn xôi của chính phủ thì người dân phải chấp nhận sống trong cảnh thiếu thốn, thậm chí là tụt hậu.

 

 

Tiến trình công nghiệp thần tốc của Bắc Kinh đã làm gia tăng xung đột lao động, quyền con người tại đây bị ảnh hưởng và gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường đến mức báo động. Ảnh: NYTIMES

 

 

Chính phủ “có tiếng”, dân không “có miếng”

GS Keyu Jin viện dẫn một trong những hậu quả rõ ràng nhất của mô hình trọng công nghiệp một cách lệch lạc chính là sự chênh lệch giữa tăng trưởng GDP của Trung Quốc và tỉ lệ tăng trưởng việc làm. Trong khi GDP tăng trưởng như một bức tranh đẹp - trung bình gần 10% mỗi năm trong vài thập kỷ qua thì tăng trưởng việc làm của người dân chỉ tăng 1%-2% mỗi năm. Điều này cho thấy các chỉ số công nghiệp hóa và mở rộng xuất khẩu của Bắc Kinh tuy rất đáng ganh tỵ nhưng thực tế nó không thể đáp ứng hết lực lượng lao động khổng lồ của Trung Quốc.

Mặt khác, việc năng suất lao động trong lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng nhanh - hơn 10% mỗi năm trong hai thập kỷ qua - đã và đang làm giảm nhu cầu thuê thêm lao động, gây ra tình trạng thất nghiệp. Trong khi đó lĩnh vực dịch vụ, năng suất lao động tăng chậm hơn (chỉ tăng khoảng 5% mỗi năm trong cùng kỳ). Điều này có nghĩa là ngành dịch vụ hiệu quả hơn trong việc tạo ra tăng trưởng việc làm nhưng lại không được quan tâm đúng mức tại Trung Quốc. Nếu so sánh với Mỹ, có khoảng 80% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ trong năm 2012.

Ngoài hậu quả tỉ lệ thất nghiệp chạy đua với tỉ trọng GDP, mô hình tăng trưởng kinh tế sai lệch của Trung Quốc còn gây ra sự suy giảm tỉ lệ thu nhập hộ gia đình trên tổng GDP. Nếu như năm 1990, thu nhập của các hộ gia đình Trung Quốc đạt mức 70% thì đến năm 2009 con số này đã giảm mạnh xuống còn 60%. Trong khi đó ở Mỹ, dù kinh tế suy thoái trong những năm gần đây nhưng tỉ lệ thu nhập của người dân trên tổng số GDP vẫn đạt con số ổn định ở mức khoảng 80% GDP. Qua đó chúng ta có thể kết luận rằng khi chính phủ đang “tươi cười” vì GDP tăng trưởng đều đặn thì các hộ gia đình Trung Quốc thực tế lại không được hưởng lợi một cách tương xứng từ tăng trưởng kinh tế, nếu không muốn nói thu nhập của họ trái chiều với tăng trưởng.

Đó là chưa kể đến những tác động tiêu cực từ một chính sách quá chú trọng công nghiệp mà bỏ qua yếu tố môi trường. Những năm gần đây, người dân Trung Quốc phải sống trong cảnh ô nhiễm nguồn nước, không khí lẫn ô nhiễm môi trường đất một cách trầm trọng. Gần đây nhất, vào ngày 23-11 - chỉ sau Hội nghị Thượng đỉnh APEC hai tuần - Trung tâm Thời tiết Quốc gia Trung Quốc cảnh báo sương mù nặng sẽ lan rộng trên khắp miền Bắc nước này, bao gồm cả Bắc Kinh, Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc. Các chỉ số chất lượng không khí đang vượt quá mức nguy hiểm.

Theo ông Di Dongsheng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Đối ngoại thuộc ĐH Renmin Trung Quốc, tiến trình công nghiệp thần tốc của Bắc Kinh đã làm gia tăng xung đột lao động, quyền con người tại đây bị ảnh hưởng và gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường đến mức báo động.

Bắc Kinh vẫn cố chấp “gồng gánh”

Mô hình phát triển kinh tế một cách méo mó như thế đã để lại cho Trung Quốc lượng chi phí không nhỏ dưới áp lực ngày càng phình to của tăng trưởng GDP. Điển hình như chi phí lao động gia tăng (theo tăng trưởng), chi phí cải thiện môi trường ô nhiễm, chi phí phục vụ chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, chi phí mà Bắc Kinh chi ra để nuôi hệ thống doanh nghiệp công nghiệp nhà nước cồng kềnh hoạt động kém hiệu quả. Điều này buộc Trung Quốc tìm cách lấp liếm các khoản chi, gia tăng các khoản thu từ xã hội để bù đắp thiếu hụt.

GS Keyu Jin đưa ra minh chứng để ngăn chặn sự gia tăng chi phí lao động, tiền lương đã bị áp chế. Cụ thể theo đó, mức lương của người lao động Trung Quốc chỉ tăng trung bình 5% mỗi năm trong suốt 20 năm qua, ngay cả khi tốc độ tăng năng suất lao động của họ hằng năm lên đến mức 8,5%. Chính việc năng suất lao động tăng khiến các ông chủ không những làm giá với người lao động mà còn tạo áp lực để chèn ép họ. Ông Di Dongsheng mô tả “người lao động Trung Quốc buộc phải làm việc nhiều giờ liền chỉ để nhận đồng lương rẻ mạt”.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn thi hành chính sách áp chế tài chính, tức áp dụng những biện pháp nhằm nâng cao ngân quỹ quốc gia hoặc giảm nợ dựa trên sự “đánh thuế ngầm” người dân một cách tinh vi. Bắc Kinh tập trung giữ tỉ lệ lãi suất thấp hơn tỉ lệ lạm phát, tức người gửi tiền chỉ nhận được mức lãi suất rất tượng trưng và thường không theo kịp tỉ lệ lạm phát. Điều này có nghĩa dân gửi tiền không có lãi mà còn bị hao hụt. Trong thập kỷ qua, lợi nhuận trung bình tiền gửi thực tế (đã được điều chỉnh theo lạm phát) xuống gần bằng không. Nói cách khác, khoảng 80% hộ gia đình Trung Quốc gửi tiết kiệm vào ngân hàng hiện nay đang bị chính phủ “đánh thuế ngầm” nhưng không mấy ai nhận ra. Việc giữ lãi suất thực âm còn giúp Bắc Kinh dễ dàng phát hành trái phiếu, tạo ngân sách với chi phí rẻ hơn mà bản chất là “vay rẻ”, thậm chí là “mượn tiền còn được thêm tiền” từ dân.

Mặt khác, ông Di Dongsheng còn chỉ ra rằng để duy trì chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp, chính quyền địa phương Trung Quốc còn tăng cường huy động, thu mua đất giá rẻ từ nông dân và cư dân đô thị để chuyển nhượng lại với mức giá cao cho những nhà phát triển bất động sản, vốn có quan hệ chính trị dây mơ rễ má với chính phủ. Thực tế khoản lợi đó đã được “ăn chia”, chuyển sang cho ngân sách quốc gia nguồn thu nhập mà lẽ ra là nằm trong túi dân, có thể giúp tăng cường tiêu dùng cá nhân.

Dân bị đánh thuế quá cao mà không biết

Việc chú trọng phát triển công nghiệp một cách thiếu tính toán đã tạo nên gánh nặng tài chính và tài khóa nặng nề (thiếu hụt ngân sách, chi phí quốc gia ngày càng tăng…). Gánh nặng này được chính phủ “khéo léo” đặt lên toàn xã hội. Mức “thuế thật” mà Bắc Kinh đang áp dụng lên người dân thông qua các chính sách đã phân tích trên đây lớn hơn nhiều so với mức thuế tương ứng 25% GDP thông qua các sắc thuế hiện hữu. Nhìn tổng thể, quá trình công nghiệp hóa rộng khắp của đất nước này đã được Bắc Kinh đánh đổi bằng chính phúc lợi của đa số người dân Trung Quốc.

Theo  Thiên Bình

Pháp luật TP HCM

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *