Quốc tế 19/06/2014 11:45

Trung Quốc đưa các quần đảo tranh chấp vào hệ thống đăng ký đất đai

FICA - Đây là một bước đi nữa của Bắc Kinh nhằm đơn phương khẳng định chủ quyền đối với các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
 

Trích dẫn các nguồn tin từ Văn phòng đăng ký bất động sản mới được thành lập, trực thuộc Bộ đất đai và tài nguyên Trung Quốc, tờ Economic Observer tại Bắc Kinh đưa tin tất cả các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc tự nhận là của mình sẽ được đưa vào hệ thống quản lý quyền sở hữu đất đai mới. Các bất động sản thuộc sở hữu của các doanh nghiệp và tư nhân sống trên các vùng biển và quần đảo thuộc của Trung Quốc sẽ được pháp luật bảo vệ.

Đặc biệt, các quy định đăng ký đất đai mới nói rằng khái niệm "bất động sản" bao gồm "đất đai, biển, nhà cửa và các công trình tòa nhà, công trình khác, rừng, cây và các đối tượng cố định khác".

Quy định mới cũng cho phép bất kỳ ai muốn đăng ký quyền sở hữu bất động sản trên biển lần đầu tiên sẽ phải trình bản đồ biên giới trên biển và các giấy tờ chấp thuận dự án, cũng như các hợp đồng, giấy phép và các tài liệu liên quan.

Tờ Economic Observer cũng cho biết cái gọi là "thành phố Tam Sa", do tỉnh Hải Nam ở cực nam Trung Quốc lập ra hồi năm 2012, sẽ được đưa vào hệ thống quản lý mới. Tam Sa hiện quản lý vài nhóm đảo và các bãi san hô ngầm ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) và Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa).

Tờ báo cho hay, hệ thống quản lý đất đai sẽ được áp dụng đến năm 2018.

Việc Trung Quốc đưa các quần đảo trên vào hệ thống quản lý mới cho thấy Bắc Kinh ngày càng hung hăng trong chiến lược mở rộng lãnh thổ quốc gia.

Trung Quốc đang vướng vào các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với hàng loạt quốc gia Đông Nam Á.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, ngang nhiên bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và đảo Đài Loan.

Philippines và Việt Nam đã bày tỏ lo ngại ngày càng gia tăng trong những năm gần đây về các hành động liều lĩnh của Bắc Kinh nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền.

Hồi tháng 5, Trung Quốc đã ngang ngược hạ đặt trái phép một giàn khoan dầu sâu trong thêm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần quần đảo Trường Sa.

Trong khi đó, mới đây, Philippines đã cáo buộc Trung Quốc cải tạo đất tại các bãi đá nhỏ tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) để xây đảo nhân tạo mở các đường băng và các căn cứ quân sự khác.

Ninh Vân

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *