Quốc tế 15/01/2018 07:46

Trung Quốc đòi bán động cơ máy bay cho Đức

Trung Quốc đang đàm phán với Đức về việc bán máy móc và công nghệ hiện đại trong việc sản xuất động cơ máy bay phản lực hiệu suất cao, một nhà khoa học cấp cao của Chính phủ Trung Quốc tiết lộ.

Trung Quốc đang phát triển động cơ phản lực turbofan WS-15 để sử dụng trong máy bay chiến đấu tàng hình J-20. (Nguồn: Tân Hoa Xã)
Trung Quốc đang phát triển động cơ phản lực turbofan WS-15 để sử dụng trong máy bay chiến đấu tàng hình J-20. (Nguồn: Tân Hoa Xã)

Tờ South China Morning Post cho biết, hiện nay, Trung Quốc và Mỹ là những quốc gia duy nhất trên thế giới sản xuất được máy bay chiến đấu tàng hình.

“Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với các đối tác cùng ngành công nghiệp này ở Đức về phần cứng và công nghệ mới nhất của chúng tôi. Các đại diện công nghiệp từ hai bên đã hoàn thành phiên thảo luận đầu tiên”, các nhà khoa học nói.

Việc xuất khẩu máy móc hiện đại sang Đức, một thị trường từ trước đến nay được biết đến với các sản phẩm chất lượng cao, sẽ cải thiện hình ảnh quốc tế về ngành sản xuất của Trung Quốc.

Một phái đoàn từ Tây An, Thiểm Tây (nơi có cơ sở sản xuất chính cho động cơ máy bay quân sự của Trung Quốc), sẽ đến thăm Berlin vào đầu năm nay để soạn thảo đề xuất xuất khẩu với các đối tác Đức.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã yêu cầu Chính phủ giữ bí mật tên của các tập đoàn kinh doanh tham gia vì các cuộc đàm phán vẫn còn trong giai đoạn đầu.

Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng đòi hỏi cả sự chấp thuận của cả Chính phủ Trung Quốc và Đức do sự nhạy cảm của máy móc và công nghệ liên quan, có thể được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân dụng.

Trong đó, Bắc Kinh đã bày tỏ sự ủng hộ cho thỏa thuận này.

Động cơ máy bay phản lực đời mới nhất của Trung Quốc được ra mắt lần đầu tiên năm 2016. (Nguồn: Dickson Lee)
Động cơ máy bay phản lực đời mới nhất của Trung Quốc được ra mắt lần đầu tiên năm 2016. (Nguồn: Dickson Lee)

“Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Đức đang tiếp tục tăng cường trong nhiều lĩnh vực, những tiến bộ tích cực đã được công nhận rộng rãi, phản ánh mức bền chặt cao của quan hệ Trung-Đức”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

“Triển vọng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực công nghệ cao và sở hữu trí tuệ là rất hứa hẹn. Chúng tôi muốn hợp tác với Đức để thúc đẩy tiến bộ mới trong các lĩnh vực liên quan theo nguyên tắc công khai, cùng có lợi và cùng phát triển”, Bộ Ngoại giao nước này nói thêm.

Đại sứ quán Đức ở Bắc Kinh đã không có bình luận gì về phát biểu trên.

Tuy nhiên, một nhà khoa học máy bay phản lực tại Bắc Kinh, người đã làm việc tại Đức trong nhiều năm, cho biết thỏa thuận này có thể không xảy ra.

“Đức là một đồng minh của Hoa Kỳ. Cho nên, nếu thỏa thuận này được ký kết, Đức sẽ phải đối mặt với nhiều hạn chế để làm việc với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm này”, ông này nhận định.

Đáng nói, nhiều nguồn tin cho biết, Chính phủ Đức và các công ty Đức cũng đã lên tiếng lo ngại về việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua kỹ thuật đảo ngược hoặc sao chép trực tiếp.

Hồng Vân

Theo South China Morning Post

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *