Quốc tế 30/05/2015 10:34

Trung Quốc đang “bành trướng” ra thị trường nước ngoài

Trung Quốc đang “bành trướng” ra thị trường nước ngoài thông qua các hoạt động đầu tư vào bất động sản, chứng khoán… thậm chí là mua lại những tài sản mang tính quyền lực mềm như các CLB thể thao. Sự thật đằng sau những động thái này là gì?

Trung Quốc đang “bành trướng” ra thị trường nước ngoài

Theo số liệu thống kê, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc năm 2002 là 2,7 tỷ USD, nhưng đến năm 2013 con số này đã tăng lên tới 107,8 tỷ USD, tăng khoảng 40 lần trong 12 năm. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc trong hai năm liền đứng thứ ba thế giới. Số DN có vốn đầu tư của Trung Quốc tại nước ngoài cũng lên tới hơn 25 nghìn DN.

Đặc biệt gần đây, làn sóng các tỉ phú Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, sân bay đang ngày một gia tăng. Số liệu thống kê cho thấy, tổng vốn đầu tư bất động sản ra nước ngoài của Trung Quốc đạt gần 33,7 tỷ USD vào tháng 6/2014, tăng gấp 200 lần so với thời điểm năm 2008. Gần đây nhất, hồi tháng 3 vừa qua, tỉ phú Lý Sùng Vỹ được cho là đã đầu tư tới 600 triệu USD vào dự án xây dựng sân bay quốc tế ở Rosewood,  Ipswich (bang Queensland, Austraylia). Dự kiến sân bay này sẽ đi vào sử dụng vào năm 2018.

Còn ở thị trường Mỹ, mới đây, người giàu nhất Trung Quốc là tỉ phú Vương Kiện Lâm tiết lộ sẽ đầu tư ít nhất 5 tỉ USD vào Mỹ để thực hiện kế hoạch đầy tham vọng “xây dựng đế chế kinh doanh đẳng cấp quốc tế” ở đây.

Còn trong lĩnh vực đầu tư vào các CLB thể thao, gần đây hồi tháng 4, tờ La Gazzetta dello Sport (Italy) đưa tin chủ tịch AC Milan đồng thời là cựu Thủ tướng Italia, ông Silvio Berlusconi nhiều khả năng sẽ nhượng lại 75% cổ phần CLB AC Milan cho các nhà đầu tư Trung Quốc, tương đương với 1,1 tỷ USD. Theo hãng tin AskaNews (Italy), chính phủ Trung Quốc góp phần quan trọng trong thương vụ mua lại này.

Thậm chí, gần đây Trung Quốc bắt đầu lấn sân cả vào Nam cực, nơi được xem là có nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn dầu khí và khoáng sản phong phú, hải sản giàu protein cùng nguồn nước sạch. Còn nhớ trong chuyến thăm Úc hồi cuối năm ngoái của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc ký và Úc đã ký một thỏa thuận 5 năm, cho phép tàu và trong tương lai là máy bay của Bắc Kinh được tiếp nhiên liệu và thực phẩm ở Hobart trước khi đến Nam Cực.

Không thể phủ nhận giới đầu tư Trung Quốc đang giàu lên trông thấy trong những năm gần đây. Tuy nhiên theo giới phân tích, nếu giới tài phiệt Trung Quốc đơn thương, độc mã sẽ khó có đủ khả năng làm mưa làm gió trên thị trường đầu tư bất động sản như vậy được. Thậm chí người  ta cho rằng Chính phủ Trung Quốc đứng sau lưng tập đoàn bỏ tiền mua cổ phần của sân bay Toulouse. Ông Jean-Louis Chauzy, chủ tịch Hội đồng Kinh tế xã hội môi trường vùng (CESER) Pháp cho rằng, đây không phải là điều bình thường, rõ ràng cái bẫy giăng ra đang từ từ khép lại. Ông này cho rằng, đằng sau những thương vụ mua bán đó là một tham vọng thâu tóm rất lớn của Trung Quốc là sẽ lập hãng sản xuất máy bay cạnh tranh với Boeing và Airbus khi tiếp cận Toulouse - nơi đặt bản doanh của Airbus.

Có thể thấy, quá trình tái cơ cấu chính sách, việc mạnh lên của đồng nhân dân tệ và tham vọng chiếm lĩnh thị trường quốc tế của Trung Quốc cũng góp phần chuyển hướng dòng vốn ra nước ngoài.

Tuy nhiên, đầu tư tại nước ngoài của các DN Trung Quốc cũng không hẳn đã thuận buồm xuôi gió. Bởi thực chất DN Trung Quốc vẫn còn thiếu nhiều kinh nghiệm khi đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt là sự chuyên nghiệp, ý thức phòng ngừa rủi ro nơi đất khách quê người còn thua xa các nước phát triển khác. Chính bởi vậy, gần đây Trung Quốc đã ban hành "Biện pháp Quản lý đầu tư ra nước ngoài" nhằm thắt chặt và quản lý chặt chẽ các hoạt động đầu tư này, giúp việc đầu tư trở nên tốt hơn. Theo đánh giá của giới phân tích, việc áp dụng biện pháp nói trên sẽ khiến các DN Trung Quốc tiếp tục duy trì dòng vốn đầu tư,  góp phần thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc phát triển nhanh chóng.

Để thực hiện việc đầu tư mạnh ra nước ngoài được dễ dàng, Trung Quốc đang dốc tiền và lực hỗ trợ cho nhiều DN. Khoản hỗ trợ này được giới phân tích cho rằng lớn đến mức các DN Trung Quốc có khả năng thay đổi toàn bộ các quy tắc cạnh tranh kinh tế toàn cầu.

 
Theo Quốc Anh
Diễn đàn doanh nghiệp
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *