Quốc tế 27/02/2014 11:00

Tại sao nhân dân tệ mất giá mạnh?

FICA - Nhân dân tệ giảm mạnh nhất 3 năm và hiện là đồng tiền đầu tư cho lợi nhuận thấp nhất trong số các đồng tiền của thị trường mới nổi.

Kể từ ngày 18/2, nhân dân tệ liên tiếp mất giá so với USD và hiện giao dịch ở 6,12 nhân dân tệ/USD, thấp nhất kể từ năm 2010 do đồn đoán Trung Quốc sẽ can thiệp mạnh vào thị trường tiền tệ để ngăn tình trạng đầu cơ và là bước chuẩn bị cho cải cách tài chính


1. Tín hiệu cải cách tài chính


Trung Quốc nhìn chung vẫn là một nền kinh tế đóng, chính phủ vẫn kiểm soát tỷ giá ngoại hối. Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin thân cận với Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết, đợt mất giá gần đây của nhân dân tệ là một phần nỗ lực chuẩn bị cho cải cách tài chính.


“PBOC đang thử nghiệm thị trường để chuẩn bị nới rộng biên độ giao dịch nhân dân tệ”, nguồn tin cho biết. Nhiều chuyên gia phân tích dự đoán PBOC sẽ mở rộng biên độ vào năm nay.


Bằng việc giảm giá nhân dân tệ, Trung Quốc muốn ngăn chặn giới đầu cơ ngắn hạn, hướng tới thả nổi tỷ giá với hy vọng một ngày nhân dân tệ có thể trở thành đồng tiền quốc tế thay USD. Một đồng nhân dân tệ được tự do hóa cho phép người tiêu dùng Trung Quốc linh hoạt hơn trong chi tiêu và đầu tư khi nhân dân tệ có thể dễ dàng chuyển đổi sang các loại tiền tệ khác.


Hơn nữa, một đồng nhân dân tệ yếu có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc bởi hàng hóa rẻ hơn giúp tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc tại thị trường Mỹ và các thị trường nước ngoài khác.


Tuy nhiên, Barclays cho rằng, nhân dân tệ mất giá chỉ là tạm thời và sẽ mạnh lên so với USD trong năm nay. Giới chuyên gia cũng cảnh báo, nếu nhân dân tệ mất giá hơn nữa sẽ tạo hiệu ứng lan truyền tới các đồng tiền của thị trường mới nối khác.

2. Ngân hàng trung ương Trung Quốc can thiệp để ngăn dòng tiền nóng


Dòng tiền nóng chảy mạnh vào Trung Quốc tiếp tục gây trở ngại cho nỗ lực quản lý nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới của mình, khiến giá bất động sản tăng vọt và gây hiện tượng thanh khoản quá mức cho hệ thống tài chính. Riêng tháng 12/2013, PBOC và các ngân hàng thương mại Trung Quốc phải mua ròng gần 45 tỷ USD ngoại hối, đánh dấu tháng mua ròng thứ 5 liên tiếp.


Lãi suất ở Trung Quốc cao hơn các nước khác ở châu Á khuyến khích doanh nghiệp trong nước vay nợ từ bên ngoài để đầu tư trong nước. Các doanh nghiệp ở đây tìm cách đưa tiền vào Trung Quốc và thường dưới vỏ bọc thanh toán hàng hóa xuất khẩu. “Thương mại vẫn là kênh chính để đưa tiền nóng vào”, Liu Li-Gang, kinh tế trưởng tại ANZ Bank chi nhánh Trung Quốc cho biết. Động thái ghìm giá nhân dân tệ của PBOC do đó nhằm hạn chế dòng tiền nóng tiếp tục chảy vào nền kinh tế.


Nhân dân tệ cũng đối mặt với sức ép giảm mạnh khi tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, dòng vốn đầu tư giảm mạnh. Ngoài ra, theo ông Bill Belchere, kinh tế trưởng về các thị trường mới nổi tại Công ty chứng khoán Mirae Asset ở Hong Kong, nhận định, nhiều nhân tố lớn khác cũng đang gây sức ép lên nhân dân tệ, trong đó có việc đồng USD bắt đầu mạnh dần lên trong năm nay so với các đồng tiền châu Á khác. Sức ép giảm giá với nhân dân tệ thậm chí còn lớn hơn nếu đồng tiền này được thả nổi.

Phương Linh

Theo WSJ, Forbes

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *