Thời sự 07/01/2014 11:04

Xử lý nghiêm các dịch vụ đổi tiền lẻ

Đó là khẳng định của TS. Hoàng Việt Trung, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội khi trao đổi với ĐTCK.

TS Trung khẳng định, NHNN không đưa tiền mới, có mệnh giá nhỏ từ 2.000 đồng trở xuống điều chuyển cho các chi nhánh, tỉnh, thành phố dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Nếu các TCTD có nhu cầu cung ứng loại tiền mệnh giá nhỏ cho khách hàng, NHNN vẫn đáp ứng đủ nhưng đó là tiền đã qua lưu thông.

Đặc biệt, ngành ngân hàng sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan như quản lý thị trường, công an, sở văn hóa hóa thông tin… để có biện pháp phù hợp, hạn chế và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh đổi tiền lẻ tại các khu vực lễ hội, đền chùa.

 

 TS. Hoàng Việt Trung.

Việc sử dụng tiền mới, mệnh giá nhỏ cho nhu cầu tín ngưỡng đầu năm thường rất lớn. Các phương tiện truyền thông đã nói nhiều về sự lãng phí của vấn đề này. Ông có thể chia sẻ thực trạng trên địa bàn Hà Nội?

Hà Nội là địa phương có nhiều khu di tích, đền, chùa, lễ hội, do vậy tiền mệnh giá nhỏ được người hành hương đi lễ đền, chùa sử dụng với số lượng rất lớn. Số tiền này sau đó quay về ngân hàng và rất khó đưa trở lại lưu thông. Ví dụ, riêng Agribank chi nhánh huyện Mỹ Đức là nơi có khu di tích chùa Hương, sau mùa lễ hội thường thu về hàng nghìn bao tiền mệnh giá nhỏ (năm 2011 thu về 1.000 bao, năm 2012 thu về 1.100 bao và năm 2013 thu về 1.250 bao).

Tình trạng này đã gây lãng phí rất lớn cho xã hội vì chi phí in ra 1 đồng tiền mệnh giá nhỏ thường gấp đến 3 lần so với mệnh giá của chính đồng tiền đó. Nhiều TCTD sau Tết Nguyên đán bị ứ đọng lượng tiền mệnh giá nhỏ trong kho, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Công tác kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản các loại tiền này cũng rất tốn kém và phải huy động nhiều nhân lực, trang thiết bị…

Vậy NHNN đã những biện pháp gì để giải quyết tình trạng này?

Chúng tôi đang triển khai, thực hiện chỉ đạo của NHNN tại văn bản số 9874/NHNN-PHKQ ban hành ngày 31/12/2013 về việc đảm bảo cung ứng đầy đủ tiền mặt trong lưu thông. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan như quản lý thị trường, công an, sở văn hóa thông tin… để có biện pháp phù hợp, hạn chế và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh đổi tiền tại các khu vực lễ hội, đền chùa.

Ngoài ra, một vấn đề chúng ta cần lưu ý, phê phán để hạn chế và chấm dứt tình trạng một số TCTD cạnh tranh nhau trong việc cung ứng tiền mới mệnh giá nhỏ cho khách hàng để phục vụ cho việc đi lễ. Khách hàng lớn, truyền thống có nhu cầu và yêu cầu ngân hàng thực hiện giao dịch cung ứng tiền mệnh giá nhỏ và mới, nếu không đáp ứng được yêu cầu của khách, ngân hàng lại lo ngại khách chuyển giao dịch sang ngân hàng khác nên đề xuất NHNN cung ứng đủ loại tiền mới, mệnh giá nhỏ.

Nhưng nếu hạn chế cung ứng tiền lẻ, thì người dân sẽ lấy tiền lẻ ở đâu để đi lễ?

Tôi xin khẳng định lại một lần nữa, NHNN không đưa tiền mới, mệnh giá nhỏ từ 2.000 đồng trở xuống điều chuyển cho các chi nhánh tỉnh, thành phố trong cả nước dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Nếu các TCTD có nhu cầu cung ứng loại tiền mệnh giá nhỏ cho khách hàng, NHNN sẽ vẫn đáp ứng đủ nhưng đó là tiền đã qua lưu thông.

Bên cạnh nỗ lực của hệ thống ngân hàng, các ngành, các cấp đã phối hợp rất tốt như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có những chỉ đạo sát sao tới các địa phương và các di tích, đền, chùa không bố trí những điểm đặt bàn đổi tiền và coi đó là chỉ tiêu thi đua của các khu di tích. Tôi hy vọng, những giải pháp này sẽ hạn chế được tiêu cực trong việc đổi tiền.

Với những hành động mạnh mẽ trên, theo ông, sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền của cho xã hội?

Trong năm 2013, NHNN chi nhánh TP. Hà Nội đã thu về riêng loại mệnh giá loại 500 đồng khoảng 900 bao, xấp xỉ 9 tỷ đồng. Để in ra 9 tỷ đồng loại mệnh giá 500 đồng này tốn chi phí tới gần 30 tỷ đồng, mà số tiền này không đưa trở lại lưu thông được. NHNN cũng đã cho biết, chi phí in ấn, vận chuyển, kiểm đếm, bảo quản những loại tiền mệnh giá nhỏ mỗi năm vào khoảng 300 tỷ đồng. Những chi phí này nếu tiết kiệm được sẽ rất có ích cho xã hội.

Theo Nhuệ Mẫn
ĐTCK

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *