Quốc tế 30/04/2014 15:08

Putin : Washington đứng sau khủng hoảng Ukraine nhưng giấu mặt

FICA - Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay Mỹ đã đứng sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine ngay từ đầu nhưng giấu mặt. Ông Putin cũng khẳng định không có bất kỳ binh sĩ Nga nào ở phía đông Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

 

"Tôi cho rằng những điều đang diễn ra lúc này đã cho thấy ai thực sự là người đạo diễn tiến trình ngay từ đầu. Nhưng ban đầu Mỹ thích giấu mình trong bóng tối", hãng tin Nga Ria Novosti ngày 29/4 dẫn tới ông chủ điện Kremlin.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định vì Mỹ đóng vai trò chính trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine, "điều đó đang nói lên rằng ngay từ đầu họ đứng sau tiến trình này và giờ đây họ mới lộ diện là chủ mưu".

Ông Putin cũng cảnh báo rằng chính sách của Mỹ gây ra một cuộc khủng hoảng rộng lớn, liên hệ tới các giới chức Mỹ có mặt tại Kiev và khuyến khích các cuộc biểu tình.

"Cần hiểu rằng tình hình rất nghiêm trọng và phải cố gắng tìm ra các cách tiếp cận thực tế để đi đến phương án giải quyết", ông Putin nhấn mạnh.



Tổng thống Nga cũng cho hay ông đã kêu gọi Kiev khởi động một cuộc đối thoại toàn Ukraine, nói thêm rằng các quốc gia khác không nên bị đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng.

"Họ nên đối xử công bằng về quyền lợi của những người sống tại các khu vực khác của Ukraine, như ở phía đông và đông nam, để thiết lập đối thoại và đi đến một thỏa hiệp".

Các công ty năng lượng phương Tây có thể bị ảnh hưởng vì lệnh trừng phạt

Cũng trong ngày 29/4, phát biểu trước bao giới tại một hội nghị khu vực ở Minsk, Tổng thống Nga cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt mới của Mỹ và EU có thể ảnh hưởng tới các công ty năng lượng phương Tây tại Nga.

"Nếu điều đó tiếp tục, chúng ta sẽ phải suy nghĩ về việc công ty phương Tây sẽ hoạt động như thế nào tại Liên bang Nga, trong đó có các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga như năng lượng", Tổng thống Nga nói.

Mỹ đã cảnh báo rằng nước này có thể sớm công bố các lệnh trừng phạt chống lại ngành ngân hàng và năng lượng của Nga nếu Kremlin không giúp giảm căng thẳng tại Ukraine.

Các bình luận của ông Putin đe dọa hoạt động của một số các công ty năng lượng lớn nhất thế giới tại Nga - nơi được xem là sự thay thế đáng tin cậy cho các quốc gia sản xuất dầu mỏ và khí đốt vốn bất ổn về chính trị tại Trung Đông.

Tập đoàn Dầu khí Rosneft của Nga đã ký một loạt các thỏa thuận sản xuất năng lượng với các công ty nước ngoài như ExxonMobil của Mỹ, Statoil của Na Uy hay ENI của Ý.

Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cũng đang hợp tác với tập đoàn năng lượng Royal Dutch Shell (Anh-Hà Lan) ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Nga.

Washington hôm 29/4 đã áp đặt lệnh đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với chủ tịch Rosneft Igor Sechin - một trong 7 quan chức có tên trong danh sách cấm vận mới, vốn cũng bao gồm 17 công ty liên quan tới Kremlin.

Ông Putin nói rằng không nhận thấy lô-gích sau các lệnh trừng phạt mới nhất chống lại Nga, và cáo buộc Mỹ đẩy Ukraine tới khủng hoảng bằng cách ủng hộ các lãnh đạo lâm thời vốn lật đổ tổn thống Yanukovych hồi tháng 2.

Không có binh sĩ Nga nào tại đông Ukraine

Tổng thống Nga đã bác bỏ các cáo buộc rằng ông xúi giục tình trạng bất ổn tại đông Ukraine bằng cách điều các lực lượng đặc biệt và mật vụ tới đó.

"Không có các binh sĩ, các đơn vị đặc nhiệm nào của Nga tại đó", ông Putin khẳng định.

Nhà lãnh đạo Nga cũng bày tỏ hi vọng rằng 7 quan sát viên châu Âu bị những người biểu tình thân Nga bắt giữ tại thành phố Slaviansk sẽ sớm được thả.

"Tôi hi vọng rằng cuộc khủng hoảng này sẽ được giải quyết và họ có thể rời lãnh thổ Ukraine an toàn", ông Putin nói.

Tuy nhiên, ông Putin cũng cho rằng các quan sát viên từ Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đã tự đặt họ vào nguy hiểm không cần thiết khi không thỏa thuận về chuyến thăm Slaviansk với những người biểu tình địa phương đang kiểm soát thành phố, và chỉ trích Kiev đã mời họ tới thăm Ukraine.

"Tất cả mọi người liên quan tới những gì đã xảy ra nên rút ra bài học", ông Putin nói.

"Nếu chính phủ - hoặc những người tự gọi mình là chính phủ - mời các nhà quan sát, thì các nhà quan sát này phải hiểu rằng họ sẽ đi vào một vùng xung đột, một khu vực không công nhận tính hợp pháp của chính phủ".

"Họ nên nghĩ về điều đó trước khi đến và thỏa thuận về chuyến thăm với những người đang kiểm soát khu vực", ông Putin nhấn mạnh.

An Bình
Tổng hợp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *