Quốc tế 17/11/2020 15:11

Ông Biden thề lập lại quy tắc thương mại toàn cầu, giảm tầm ảnh hưởng của Trung Quốc

Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden - người được giới truyền thông gọi là Tổng thống Mỹ đắc cử - cho biết sẽ làm việc với các đồng minh của Mỹ để lập lại các quy tắc thương mại toàn cầu.

Ông Biden khẳng định, chính sách của ông sẽ có sự thay đổi so với các chính sách của Tổng thống đương nhiệm 

Theo BBC, ông Biden khẳng định, chính sách của ông sẽ có sự thay đổi so với các chính sách của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump - người đã rút khỏi các hiệp định thương mại đa phương và làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

Bình luận của ông Biden đưa ra chỉ vài ngày sau khi 15 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương bao gồm cả Trung Quốc đã ký kết một hiệp định thương mại lịch sử.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), gồm hơn 10 quốc gia Đông Nam Á, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand, chiếm gần 1/3 nền kinh tế và dân số toàn cầu.

“Chúng ta chỉ chiếm hơn 25% nền kinh tế thế giới. Chúng ta cần phải liên kết với các nền dân chủ khác để có thêm 25% hoặc hơn nữa để có thể thiết lập các quy tắc thương mại toàn cầu thay vì để Trung Quốc và các nước khác quyết định”, ông Biden nói.

Ông Biden cũng không đưa ra bình luận về việc liệu ông có cân nhắc đến việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong một bài đối chất với ông Trump, ông Biden đã khẳng địng rằng chính sách đối ngoại và thương mại của chính quyền ông sẽ có giọng điệu hoàn toàn khác so với người tiền nhiệm.

“Tôi không có ý nhắm đến việc trừng phạt thương mại”, ông Biden nói.

Trước đó, ông Trump đã rút khỏi TPP - Hiệp định thương mại vốn được chính quyền ông Obama hậu thuẫn.

Ông Biden cũng khẳng định sẽ đưa ra các mức thuế và áp các hạn chế đối với một số công ty công nghệ Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.

Mặc dù không cho biết về những hiệp định mà Mỹ sẽ tham gia, song ông Biden cho biết, ông sẽ phác thảo một số điều kiện để Mỹ tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế.

“Thứ nhất, chúng tôi sẽ đầu tư vào công nhân Mỹ và giúp họ tăng tính cạnh tranh hơn. Hai là, chúng tôi sẽ đảm bảo đưa vấn đề lực lượng lao động và bảo vệ môi trường lên các bàn đàm phán thương mại”, ông nói.

Theo BBC, mặc dù cả hai hiệp định này (RCEP và TPP) đều bao gồm các quốc gia trên, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ là một phần của TPP cũng như Mỹ chưa từng tham gia vào của RCEP.

Sau khi Mỹ rút khỏi TPP năm 2017, các thành viên còn lại của TPP đã ký kết một hiệp định kế thừa trong đó đưa ra các điều khoản cụ thể cho phép Mỹ tham gia lại.

 

Nhật Linh

Theo BBC

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *