Quốc tế 07/07/2018 08:23

Nợ xấu bất động sản đe dọa nền kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc đã tung ra hàng loạt biện pháp để giúp hạ nhiệt cơn sốt bất động sản nhưng điều này cũng có thể khiến giá nhà điều chỉnh, làm tăng nợ xấu bất động sản và đe dọa nền kinh tế Trung Quốc.

Nợ xấu bất động sản sẽ tăng nhanh

10 công ty phát triển bất động sản Trung Quốc có tỷ lệ nợ ròng/vốn cổ phần cao nhất. Ảnh: Bloomberg

Hôm 4-7, Công ty quản lý tài sản Phương Đông Trung Quốc (COAM), một trong bốn công ty quản lý tài sản lớn nhất Trung Quốc, công bố báo cáo khảo sát dự báo nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc sẽ tăng ít nhất 20% trong năm nay. Báo cáo cho biết nợ xấu bất động sản ở các ngân hàng Trung Quốc tăng tương đối nhanh kể từ năm 2013 và đang tiến gần đến mức 1,75% GDP Trung Quốc.

Báo cáo cho biết kể từ tháng 4-2017 đến nay, hơn 100 thành phố đã triển khai gần 250 biện pháp để ngăn chặn đầu cơ bất động sản. Chỉ riêng trong tháng 5-2018, hơn 40 thành phố ở Trung Quốc đã công bố tổng cộng 50 biện pháp kiểm soát tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản.

Hôm 28-6, Bộ Nhà ở và Phát  triển nông thôn - đô thị Trung Quốc ra thông báo cho biết bắt đầu từ tháng 7 này cho đến cuối năm, bộ này sẽ phối hợp với sáu cơ quan trung ương khác sẽ mở chiến dịch ở 30 thành phố gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu... nhằm xử lý các hành vi trái phép trên thị trường bất động sản bao gồm giả mạo thông tin về doanh số bán nhà, thao túng giá nhà, găm hàng để đẩy giá, quảng cáo gian dối...

Báo cáo cho biết hội nghị toàn quốc Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào tháng 10 năm ngoái,  Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói: “Nhà ở là để cho mọi người sinh sống, chứ không phải để đầu cơ”. Trong bối cảnh như vậy, COAM cho rằng giá nhà đang đứng trước áp lực điều chỉnh, dẫn đến nguy cơ nợ xấu bất động sản tăng.

Gần 50% trong số 391 lãnh đạo trong các ngân hàng thương mại và công ty quản lý tài sản mà COAM khảo sát cho biết nếu giá bất động sản giảm 20% hoặc hơn, các ngân hàng sẽ chịu sức ép lớn.

Theo COAM,  nếu giá nhà đất giảm 20-30% trước áp lực của các chính sách kiểm soát cơn sốt bất động sản hoặc nếu thị trường bất động sản phản ứng tiêu cực trước thông tin chính phủ đang nghiên cứu ban hành thuế tài sản nhà đất, các rủi ro tài chính sẽ bùng phát và lan khắp từ các công ty bất động sản lan sang các lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng rồi kế đến là ngân hàng khi nợ xấu bất động sản tăng và cuối cùng tất cả sẽ “hợp lực” đánh một đòn nặng nề cho kinh tế Trung Quốc.

Dù các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc siết chặt kỷ luật tài chính trong lĩnh vực bất động sản có mức vay nợ cao nhưng số vụ vỡ nợ bất động sản được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới và sẽ đe dọa tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Theo dữ liệu của Bloomberg Economics, có công ty bất động sản Trung Quốc có tỷ lệ nợ trên vốn cổ phần cao đến mức 477%.

Thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu bùng nổ vào đầu năm 2016 sau khi chính quyền trung ương bơm tín dụng vào bất động sản và nới lỏng các biện pháp kiểm soát thị trường nhà đất để ổn định nền kinh tế sau khi thị trường chứng khoán này trải qua cú sụp đổ nặng nề trong giai đoạn 2015/2016.

Trong tháng 5-2018, giá nhà mới xây dựng ở Trung Quốc tăng mức nhanh nhất trong gần một năm, nối dài đà tăng kéo dài 38 tháng dù trong hai năm qua, hơn 100 thành phố của Trung Quốc triển khai các biện pháp kiểm soát cơn sốt nhà đất ở nhiều mức độ khác nhau.

Từ tháng 6-2015 đến cuối năm ngoái, chỉ số giá nhà trung bình của 100 thành phố Trung Quốc do Công ty SouFun Holdings khảo sát tăng 31% lên mức 2.173 đô la Mỹ/m2, cao hơn 38% so giá nhà đất trung bình tại Mỹ, nước có thu nhập đầu người cao gấp bảy lần so với Trung Quốc. Vậy nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi đa số người dân Trung Quốc không đủ khả năng mua nhà ở các thành phố.

Sự lựa chọn khó khăn

Một khu chung cư cao tầng ở TP. Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Giáo sư xã hội học và quản lý hành chính công Walden Bello ở Đại học Philippines Diliman (Philippines), tác giả của cuốn sách “Sự sụp đổ của Trung Quốc: Ngăn chặn cú đổ vỡ tiếp theo”, nhận định chắc chắn thị trường Trung Quốc đang trong tình trạng bong bóng. Cũng giống như cuộc khủng hoảng nhà đất do vỡ nợ cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2009, thị trường bất động sản Trung Quốc thu hút quá nhiều người đầu cơ thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có, dẫn đến cơn sốt rót tiền vào bất động sản, khiến giá nhà liên tục lập đỉnh mới.

Giá nhà tăng phi mã ở các thành phố cấp 1 như Bắc Kinh và Thượng Hải trong giai đoạn 2015-2017, khiến các chính quyền ở đây phải triển khai các biện pháp hạ nhiệt thị trường nhà đất bao gồm tăng tiền đặt cọc ban đầu khi mua nhà, siết cho vay thế chấp bất động sản, cấm bán lại nhà trong vài năm sau khi mua và hạn chế số nhà mà một người có thể mua.

Giáo sư Walden Bello  cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn. Một mặt, họ muốn tìm cách đưa giá nhà về các mức phù hợp vì tầng lớp công nhân ở nước này đang than phiền giá nhà đất quá cao khiến họ không có cơ hội mua hoặc thuê các căn hộ và điều này làm gia tăng bất ổn xã hội. Một mặt, họ cũng lo sợ nếu can thiệp mạnh tay, khiến giá nhà giảm mạnh, nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.

Bất động sản là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Ước tính, bất động sản đóng góp (trực tiếp và gián tiếp) 30% GDP của Trung Quốc. Do vậy, duy trì sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản là một nhiệm vụ cấp bách đối với Trung Quốc.

Dù các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thể hiện quyết tâm cứng rắn trong các nỗ lực kiểm soát giá cả thị trường nhất đất, họ cũng sẽ thận trọng tránh “hãm phanh” quá gấp vì bất động sản vẫn là một động lực quan trọng đối với nền kinh tế.

Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ trì trệ nếu như nhà chức trách tìm cách khống chế tăng trưởng tín dụng trong nước giữa lúc Bắc Kinh đang bước vào cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với Washington.

Theo Lê Linh

TBKTSG/Bloomberg, Rappler

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *