Quốc tế 10/05/2014 06:44

Những công ty lớn nhất thế giới: Thế kỷ của Trung Quốc?

FICA - Lần đầu tiên kể từ khi Forbes công bố bảng xếp hạng 2.000 công ty lớn nhất thế giới, 3 vị trí đầu tiên và 5 vị trí trong top 10 là công ty Trung Quốc.

Tạp chí Forbes vừa công bố bảng xếp hạng 2.000 công ty đại chúng lớn nhất và quyền lực nhất thế giới (Forbes Global 2000 năm 2014. Danh sách được Forbes đánh giá dựa trên 4 yếu tố là doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị thị trường, với trọng số bằng nhau.

Bảng xếp hạng Forbes Global 2000 năm 2014 được bình chọn từ 3.400 công ty trên toàn thế giới. Để đủ điều kiện được Forbes bình chọn, các công ty phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau: Doanh thu từ 4,04 tỷ USD trở lên, lợi nhuận từ 250,9 triệu USD, tài sản từ 8,2 tỷ USD và giá trị thị trường từ 4,86 tỷ USD.

Danh sách năm nay bao gồm các công ty đến từ 62 quốc gia, so với chỉ 46 quốc gia khi Forbes lần đầu công bố bảng xếp hạng vào năm 2003. Những công ty này mang lại việc làm cho 90 triệu người trên toàn thế giới.

2.000 công ty lớn nhất thế giới có doanh thu 38.000 tỷ USD, lợi nhuận 3.000 tỷ USD, giá trị tài sản 161.000 tỷ USD và giá trị thị trường 44.000 tỷ USD. Cả 4 chỉ số trên đều cao hơn so với năm ngoái, và mức tăng mạnh nhất là giá trị thị trường, tăng 13%.


Lần đầu tiên kể từ khi Forbes công bố danh sách, 3 công ty lớn nhất thế giới và 5 vị trí trong top 10 đều là công ty Trung Quốc.

Theo đó, ngân hàng quốc doanh ICBC năm thứ 2 liên tiếp đứng ở vị trí thứ 1, trong khi ngân hàng Xây dựng Trung Quốc tiếp tục ở vị trí thứ 2 và ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc tiến 5 bậc lên vị trí thứ 3. Ngân hàng còn lại trong "Big Four" (4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc), Bank of China cũng lọt vào top 10 với vị trí thứ 9.

Nửa còn lại của Top 10 thuộc về Mỹ. Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại Warrent Buffet và Wells Fargo cùng tiến 4 bậc lên vị trí thứ 5 và thứ 9 trong khi JP Morgan lùi xuống vị trí thứ 4.

Hai công ty có trụ sở tại châu Âu rời top 10 năm nay là Royal Dutch Shell (vị trí thứ 11) và HSBC (xếp thứ 14).

Bảng xếp hạng cho thấy sự thay đổi chưa từng có "quê hương" của các công ty. Mỹ là nước sở hữu nhiều công ty nhất trong danh sách này với 564 công ty. Nhật Bản xếp ở vị trí thứ 2 với 225 công ty, giảm 26 công ty - mức giảm nhiều nhất so với năm ngoái.

Ngược lại, Trung Quốc (bao gồm Trung Quốc đại lục và Hong Kong) có thêm 25 công ty lọt vào danh sách - nhiều hơn bất cứ quốc gia nào, đưa tổng số công ty lên 207.

Ba nước mới xuất hiện trong bảng xếp hạng năm nay là Mauritius, Slovakia và Togo.

Kể từ khi Forbes thực hiện xếp hạng lần đầu tiên vào năm 2003, mối tương quan sức mạnh Đông - Tây (các nước phát triển và đang phát triển) có sự hoán đổi đáng kể.

Trong 7 khu vực, châu Á với 674 công ty vươn lên dẫn đầu, theo sau là Bắc Mỹ (629 công ty) và châu Âu (506 công ty). Trong khi đó, 11 năm trước, Bắc Mỹ độc chiếm bảng xếp hạng và vượt 50% số công ty đến từ châu Á.

Các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Đông và Trung, Nam Mỹ chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong 1 thập kỷ với mức tăng lần lượt là 265% và 76%. Ngược lại, châu Phi vẫn chiếm số lượng ít nhất và tốc độ tăng trưởng của lục địa này vẫn chậm với chỉ 7 công ty mới gia nhập.

Bảng danh sách cũng cho thấy sự chắc chắn của các ngành thống lĩnh bảng xếp hạng. Không có gì ngạc nhiên khi ngành tài chính, ngân hàng vẫn đứng đầu bảng xếp hạng với 467 công ty, với doanh thu và tài sản khổng lồ. Ba ngành tiếp theo có số lượng thành viên nhiều nhất tiếp sau là dầu và khí (125 công ty), bảo hiểm (114) và thiết yếu (110).

Lam Thanh

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *