Quốc tế 06/12/2013 13:10

Nhà đầu tư lớn chán hàng hóa nguyên liệu

FICA - Kể từ đầu năm khoảng 36 tỷ USD rút khỏi thị trường hàng hóa, so với 27,5 tỷ USD cả năm 2012, theo ước tính của Citigroup.




Giới phân tích, các nhà chiến lược và nhà tư vấn đầy quyền lực của phố Wall bắt đầu không còn mặn mà với thị trường hàng hóa như dầu thô, kim loại, nông sản khi giá hàng hóa mất dần đà tăng kéo dài suốt thập kỷ qua. Nhà đầu tư cũng đang nghe ngóng, nhiều người không muốn đổ thêm tiền vào đây trong khi một số khác chuẩn bị rút chân khỏi thị trường này. Sự rút lui của họ có thể ảnh hưởng không chỉ đến tài sản của các quỹ đầu tư mà có thể ảnh hưởng cả đến thị trường giao dịch kỳ hạn – một thị trường mà phần lớn là nhà đầu tư đặt cược giá cả sẽ tăng.

Hàng hóa được ưa chuộng bởi vai trò giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, mang lại lợi nhuận giống như đầu tư cổ phiếu và là tài sản trú ẩn trước các cú sốc lạm phát. Tuy nhiên, quá trình khủng hoảng tài chính toàn cầu rồi phục hồi sau đó đã làm giảm ưu thế này khi đặt ngang với cổ phiếu.

Năm 2013, sự tương xứng này đổ vỡ nhưng không theo hướng nâng cao ưu thế của hàng hóa. Chỉ số hàng hóa Dow Jones-UBS giảm 10% kể từ đầu năm trong khi chỉ số chứng khoán toàn cầu FTSE tăng tới 16,4%.

Cung cầu cân bằng làm mất dần vị thế độc tôn trên thị trường hàng hóa. Sản lượng dầu Bắc Mỹ tăng mạnh cho phép các nước phương Tây trừng phạt Iran làm giá dầu tăng vọt. Năm ngoái, sản lượng ngô và đậu tương toàn cầu đạt kỷ lục khiến giá nông sản giảm. Năm nay, 15 trong số 24 loại hàng hóa thuộc chỉ số S&P GSCI đều giảm, thay vì chỉ có 5 mặt hàng giảm như năm ngoái.

Một số ngân hàng phố Wall vốn đặt cược giá hàng hóa tăng cũng bắt đầu từ bỏ quan điểm này. Barclays cho rằng lợi nhuận sẽ tiếp tục thấp trong thời gian tới. Goldman Sachs dự đoán giá vàng, đồng, quặng sắt, đậu tương và năng lượng sẽ giảm hơn 15% và rủi ro giá giảm ngày càng tăng.

Một số nhà đầu tư cũng cho rằng: “Đó không phải là tài sản tốt phòng ngừa lạm phát”. “Đó cũng không phải là tài sản trú ẩn an toàn hoàn hảo”, Frances Hudson, chuyên gia tại Standard Life Investments, quỹ quản lý 290 tỷ USD nhận định.

Trong số 912 quỹ phòng hộ, quỹ đầu cơ tiền, phòng kinh doanh theo khảo sát của Barclays, chỉ 6% cho rằng hàng hóa sẽ cho lợi nhuận tốt nhất trong vòng 3 tháng tới trong khi đa số chọn cổ phiếu. Cố vấn cho các quỹ như quỹ hưu trí cũng tỏ ra hoài nghi. “Nhìn chung, chúng tôi lo ngại về tài sản đầu tư hàng hóa trong ngắn hạn”, Jeff Markarian, cố vấn nghiên cứu hàng đầu tại NEPC.

Citigroup ước tính từ đầu năm khoảng 36 tỷ USD rút khỏi thị trường hàng hóa, so với 27,5 tỷ USD cả năm 2012.

Phương Linh
Theo FT

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *