Quốc tế 26/05/2014 07:52

Nhà đầu tư cổ phiếu đứng bên lề châu Á

Nhà đầu tư thị trường đều biết tới kinh nghiệm “bán vào tháng Năm và đi chơi”. Ở Châu Á, chuyến đi chơi này diễn ra sớm hơn.

Ở Tokyo, khối lượng giao dịch cổ phiếu đã giảm hàng tháng từ đầu năm tới nay, trong khi ở Sydney và Hong Kong, tốc độ giao dịch cũng đang trên đà giảm. Đây là ba thị trường lớn nhất của châu Á, không kể lục địa Trung Quốc, và là những thị trường có lượng giao dịch lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.

“Tiền toàn cầu rõ ràng là không hướng tới châu Á tại thời điểm này”, Andrew Maynard, Giám đốc toàn cầu phụ trách giao dịch của hãng môi giới CLSA thuộc hãng môi giới lớn nhất Trung Quốc Citic Securities Co nhận xét. "Có nhiều giá trị đang tiềm ẩn ở châu Âu và Mỹ hơn”.

Các nhà giao dịch nói rằng, sự phục hồi của thị trường cổ phiếu Mỹ bất chấp đủ loại thông tin tốt - xấu đan xen về nền kinh tế là lý do chính yếu để nhà đầu tư thờ ơ với châu Á. Tại châu Á, hai thị trường lớn nhất là Nhật Bản và Hong Kong đã chìm trong sắc đỏ suốt nhiều tháng nay. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản vẫn chưa quay trở lại được ngưỡng dương trong năm nay.

Các thị trường nhỏ hơn như Indonesia và Thái Lan đã đạt kết quả tốt nhưng các nhà đầu tư không thấy có mấy lý do để đầu tư vào đó, khi mà các rủi ro kinh tế và chính trị vẫn tăng cao và thị trường Mỹ lại vẫn đang tăng. Cổ phiếu ở Thái Lan đã giảm hôm thứ Sáu sau khi quân đội đã đánh bật chính phủ sau nhiều tháng biến động chính trị.

Trung bình 58,84 tỷ HKD được giao dịch mỗi ngày tại sàn Hong Kong, giảm 9,4% so với tháng Tư và thấp hơn các mức trung bình của năm ngoái, khi mà tần suất giao dịch là 62 tỷ HKD/ngày. Các kỳ nghỉ lễ trong tháng cũng đã ngưng một vài hoạt động lại. Một đại diện cho sàn cổ phiếu Hong Kong nói rằng, tần suất giao dịch thường nằm ngoài tầm kiểm soát của sàn, vì vậy, “chúng tôi nghĩ điều quan trọng là nên nhìn trên góc độ dài hạn”.

Các nhà đầu tư cũng chằng bỏ lỡ gì nhiều. Chỉ số cổ phiếu blue-chip Hang Seng Index đã đi ngang ba lần trong tuần vừa qua, và hôm thứ Tư đã chỉ tăng lên chút xíu 1,84%. Chỉ số này tính đến cuối phiên hôm thứ Năm đã giảm 1,5% so với đầu năm.

Các nhà giao dịch và nhà đầu tư cho rằng, tình trạng bán tháo toàn cầu bất ngờ đối với những cổ phiếu tăng trưởng cao đã làm tăng sự thận trọng đối với một số loại cổ phiếu như cổ phiếu Internet và cổ phiếu của các công ty kinh doanh casino. Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc cũng tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường, theo sau các số liệu cho thấy các nhà phát triển bất động sản của lục địa đang suy giảm doanh số và tăng trưởng giá nhà đất cũng đã chậm lại.

“Kết quả theo sau là một thị trường có phần bất ổn và các dự đoán cho tương lai bị phân hóa thành các thái cực đối lập”, Irene Goh, một nhà quản lý danh mục cấp cao cho AllianceBernstein đầu tư vào Hong Kong, nói, đặc biệt đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, đà bán tháo đang trở thành chuông báo động.

Hong Kong không phải là thị trường duy nhất đang vật lộn ở châu Á. Sau khi giúp đưa chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 57% trong năm 2013, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút mạnh mẽ khỏi thị trường này trong năm nay do những thất vọng với chính sách phục hồi kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe.

Tháng 5 đang trên đà trở thành tháng có giao dịch kém nhất kể từ khi chính sách "Abenomics" bắt đầu hồi cuối năm 2012, theo số liệu của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Trong năm nay, giá trị giao dịch hàng tháng dã rót từ 54 tỷ JPY hồi tháng 1 xuống còn 41 tỷ JPY trong tháng 4. Cuối phiên giao dịch hôm thứ Năm, giá trị giao dịch của tháng mới chỉ đạt 22 tỷ JPY.

Một phát ngôn viên của sàn nói “chúng tôi luôn duy trì những nỗ lực đề đưa ra những cổ phiếu hấp dẫn cho các nhà đầu tư, và nhận ra rằng, việc có một lượng tốt các nhà đầu tư năng động trên thị trường là điều tốt cho cả cổ phiếu niêm yết và cho cả những công ty đang muốn niêm yết trên TSE”.

Các nhà đầu tư nước ngoài là động lực chính đằng sau các dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường, với lượng rút ròng đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD trong vòng hai tuần gần nhất của tháng 5.

Tomoyuki Takahashi, một nhân viên đầu tư cao cấp phụ trách các khoản đầu tư cổ phiếu chủ động ở Nomura Asset Management, nói rằng các nhà đầu tư đang đợi những bằng chứng thuyết phục về sự cải thiện của nền kinh tế Nhật Bản trước khi đổ nhiều tiền hơn vào thị trường này.

“Các nhà đầu tư đã trở nên cực kỳ nhạy cảm với những rủi ro kể từ cú sốc Lehman. Họ không còn đưa ra những khoản đầu tư dựa trên những chữ ‘nếu’. Họ mua chỉ sau khi họ nhìn thấy được một vài thực tế”, Takahashi nói.

 

Theo Hà Linh

ĐTCK/WSJ

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *