Quốc tế 30/06/2015 16:15

Ngày "thứ Hai đen tối" - giọt nước tràn ly với cư dân Hy Lạp

Thức dậy với thông tin ngân hàng sẽ đóng cửa một tuần, còn tiền trong tài khoản không thể rút do máy ATM hết tiền hoặc nếu có cũng chỉ rút được rất ít, nhiều người Hy Lạp đang thực sự lo lắng và tức giận.

Với nhiều người Hy Lạp, sáng 29/6 thực sự là ngày “thứ Hai đen tối”, khi rất nhiều bà nội trợ, chủ cửa hàng và cả các chủ doanh nghiệp đã xếp hàng nhiều giờ trong vô vọng tại các máy rút tiền ATM khắp thủ đô Athens, sau một đêm các biện pháp kiểm soát về tiền vốn được công bố.

Rất nhiều người Hy Lạp chôn chân hàng giờ tại các máy ATM trong ngày 29/6 (Ảnh:
Rất nhiều người Hy Lạp chôn chân hàng giờ tại các máy ATM trong ngày 29/6 (Ảnh: Getty)

“Tôi có một đứa con nhỏ phải nuôi nấng, tôi phải làm gì đây?” một thư ký 32 tuổi có tên Zoe Kallis bày tỏ với hãng tin AFP sau khi không thể rút được tiền dù đã đi 3 máy ATM khắp khu quận Kolonaki sầm uất tại trung tâm Athens.

Với một quốc gia đã quen giao dịch bằng tiền mặt nhiều hơn thẻ tín dụng, quyết định đóng cửa các ngân hàng 7 ngày và hạn chế việc rút tiền mặt của Thủ tướng Alexis Tsipras thực sự khiến người Hy Lạp hoang mang.

Biện pháp này sẽ để lại nhiều hậu quả: những ai có tiền mặt nhiều khả năng sẽ giấu kỹ trong két, thay vì chi tiêu vào hàng tiêu dùng, đi ăn nhà hàng...

Nikos Gyallitsis, chủ một quán cà phê cho biết lượng khách có lẽ sẽ giảm 50%, khi mọi người đều tiết kiệm tiền chi cho những nhu yếu phẩm như xăng dầu và thực phẩm. Quả thực, khắp Athens, các bàn uống cà phê hầu như trống không, nằm phơi nắng.

“Để mua sắm, bạn phải thấy vui vẻ, tin tưởng còn giờ mọi người đều không biết ngày mai sẽ ra sao”, Gyallitsis nói.

Vẻ lo lắng, thất vọng hiện rõ trên nét mặt những người đi rút tiền bất thành (Ảnh:
Vẻ lo lắng, thất vọng hiện rõ trên nét mặt những người đi rút tiền bất thành (Ảnh: AFP)

Kế bên quán của ông Gyallitsis, chủ cửa hàng quần áo Panayotis Vergetis cho biết ông đang giảm giá tới 30% với hy vọng sẽ lôi kéo được người mua trong tuần này.

Thứ Ba tới có thể không chỉ là ngày Athens vỡ nợ, bởi chính phủ sẽ phải hoàn trả món nợ 1,6 tỷ euro (1,77 tỷ USD) cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mà cũng có thể là ngày nhiều người không được nhận lương.

“Tôi sợ rằng mình sẽ mất việc và phá sản”, Sofia Chronopoulos, nhân viên một tiệm làm tóc lo lắng nói. “Các ngân hàng đều đóng cửa, ông chủ không còn tiền trong khi có nhiều hóa đơn cần thanh toán”.

Theo thông cáo chính thức từ chính phủ, mỗi chủ tài khoản chỉ được phép rút 60 euro/ngày từ tài khoản của mình. Nhiều người cho biết họ đã cố gắng rút tiền nhiều lần nhưng vẫn chẳng được đồng nào.

Trong dáng vẻ hoảng hốt, chàng thanh niên thất nghiệp 28 tuổi Chris Bakas toát mồ hôi nhìn chằm chằm vào màn hình máy ATM. “Không tiền, không hy vọng, làm sao chúng tôi lại lâm vào tình cảnh này? Hôm nay đúng là ngày thứ Hai đen tối”, Bakas chua chát nói.

Tại quảng trường lịch sử Syntagma của Athens, nơi từng xảy ra các cuộc bạo động dữ dội sau khi các biện pháp thắt lưng buộc bụng được công bố để đáp ứng các yêu cầu của chủ nợ, những du khách đứng chụp hình tòa nhà quốc hội của thành phố cũng cho biết họ có thể cảm nhận rõ bầu không khí căng thẳng xung quanh.

“Có một dạng bình tĩnh đáng sợ, có lẽ là sự tĩnh lặng trước cơn bão”, Jestin Marina, du khách đến từ Pháp cùng chồng và 3 con nhận xét. Gia đình họ đã mang thêm tiền mặt trước khi tới đây, và cũng được cảnh báo có khả năng trở thành mục tiêu của những kẻ trộm cướp.

Michele Ammann, du khách đến từ Thụy Sỹ cũng cho biết đã phải rút thêm nhiều tiền mặt. “Chúng tôi phải chi tiêu tiết kiệm để đảm bảo không bị nhẵn túi. Khách sạn của tôi ở ngoại ô, mọi người ở đó trông đều mệt mỏi và lo lắng”.

Trong tình cảnh không tiền mặt trong tay, một số người dân Athens bắt đầu quay lại hình thức giao dịch "hàng đổi hàng" cổ xưa.

“Tôi và những người hàng xóm giờ đang phải chuyển sang một hệ thống trao đổi hàng hóa với nhau, bởi chúng tôi không còn tiền”, Ilia Iatrou, một người dân Athens cho biết.

“Mẹ vợ tôi đã xếp hàng hơn một giờ tại điểm rút tiền nhưng chỉ nhận được số tiền rất nhỏ. Tôi chưa thử tới máy ATM bởi chúng tôi cũng không còn nhiều tiền… Chúng tôi không thể chịu đựng tình cảnh này thêm nữa, chúng tôi phải nói không với các ông chủ EU. EU không thể để chúng tôi gục ngã, do đó chúng tôi nên tiếp tục nói không để họ nghĩ lại và đưa ra một thỏa thuận tốt hơn”.

Thanh Tùng
Theo AFP, BBC

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *