Quốc tế 18/05/2021 13:27

Mỹ tặng 80 triệu liều vắc xin Covid-19 cho các nước

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố quyết định tặng 80 triệu liều vắc xin Covid-19 cho các nước, nhưng không tiết lộ cụ thể địa chỉ nơi đến của số vắc xin này.

Mỹ tặng 80 triệu liều vắc xin Covid-19 cho các nước - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AP).

Vào ngày 17/5 giờ Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã thông báo sẽ tặng khoảng 80 triệu vắc xin cho các nước, trong một động thái được xem là cũng nhằm cạnh tranh với Nga và Trung Quốc.

Số vắc xin này bao gồm 20 triệu liều được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt đến những quốc gia đang cần. Đây là số vắc xin do các tập đoàn Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson sản xuất. Ngoài ra, còn có 60 triệu liều vắc xin của AstraZeneca mà Mỹ cam kết hỗ trợ các nước trước đó.

Phát biểu từ Nhà Trắng, ông Biden bày tỏ sự tự hào về số lượng vắc xin chia sẻ của Mỹ, đồng thời so sánh với sự đóng góp của Nga và Trung Quốc. 

"Đây sẽ là số lượng vắc xin được chia sẻ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào cho đến nay, gấp 5 lần, nhiều hơn cả Nga và Trung Quốc khi họ chỉ mới chia sẻ 15 triệu liều.

Có nhiều tranh luận về việc Nga và Trung Quốc sẽ nâng tầm ảnh hưởng trên thế giới bằng vắc xin. Chúng tôi muốn dẫn đầu thế giới bằng chính những giá trị của mình", ông Biden nói.

Mỹ hào phóng chia sẻ vắc xin trong bối cảnh họ cũng đang dư thừa vắc xin. Tốc độ triển khai chương trình tiêm chủng nhanh chóng tại Mỹ, cùng với các nước giàu có khác, đã làm bùng lên những tranh cãi, nhất là trong bối cảnh rất nhiều quốc gia nghèo đang phải vật lộn để có được vắc xin, hoặc thậm chí có quốc gia chưa mua được liều vắc xin nào. Các chuyên gia đã cảnh báo, khoảng cách quá lớn này có thể sẽ khiến đại dịch càng kéo dài, đặc biệt là khi virus liên tục đột biến khiến chúng dễ lây nhiễm và kháng thuốc hơn.

Trong một tuyên bố, ông Biden cho biết, gần 60% người trưởng thành ở Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi, và lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng nổ, các ca nhiễm Covid-19 ở nước này đã giảm ở tất cả 50 tiểu bang.

Chính quyền Biden đã ưu tiên tiêm vắc xin cho tất cả công dân Mỹ trước khi chia sẻ cho các quốc gia khác. Nhưng ông chủ Nhà Trắng đối mặt áp lực ngày càng tăng là phải đóng vai trò lớn hơn trong chiến dịch tiêm chủng toàn cầu, đặc biệt là khi chứng kiến thảm cảnh vật lộn với đại dịch của Ấn Độ và các quốc gia Nam Mỹ.

Mỹ đã bày tỏ lo ngại Trung Quốc và Nga mở rộng chiến lược bán hoặc tài trợ vắc xin của cho các quốc gia khác như một cách nhằm mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu của họ.

"Không có đại dương nào đủ rộng và không có bức tường nào đủ cao để giúp chúng ta được an toàn. Dịch bệnh và chết chóc tràn lan ở các nước khác có thể khiến họ mất ổn định và cũng đặt ra nguy cơ với chúng tôi", ông Biden nói. "Chúng tôi sẽ không lợi dụng việc chia sẻ vắc xin này để đảm bảo sự ủng hộ từ các quốc gia khác".

Tuy nhiên, ông Biden cũng thừa nhận, 80 triệu liều vắc xin này chỉ là một phần nhỏ so với dân số toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh, một mình Mỹ không thể cung cấp đủ nguồn cung cấp cho thế giới.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết sẽ nhanh chóng phối hợp với các quốc gia đồng minh để phát triển một chiến lược mang tính toàn cầu hơn và dự kiến sẽ công bố kế hoạch này tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 vào tháng 6 tới.

Thanh Thành

Theo SCMP, NBC

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *