Quốc tế 20/09/2014 17:02

Mỹ lấy đại bác giết “muỗi”: Nhà độc tài 1 tỉ USD

Dù Mỹ và các đồng minh đã chi cả núi tiền để lấy đầu nhà độc tài Muammar Gaddafi, đất nước Libya vẫn trượt dài trong hỗn loạn và bạo lực.

Lầu Năm Góc đã chi hơn 1,1 tỉ USD cho chiến dịch quân sự lật đổ nhà độc tài Libya Muammar Gaddafi vào năm 2011. “Hãy gọi ông ta là người đàn ông tỉ đô. 1 tỉ USD cho 1 nhà độc tài” - tạp chí National Journal mỉa mai.

Miễn bình luận về chi phí

Số tiền trên chưa bao gồm chi phí cho hoạt động của Bộ Ngoại giao Mỹ, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), các cơ quan khác hoặc các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia chiến dịch không kích ở Libya. Như vậy, thực tế, cái đầu của Gaddafi còn cao giá hơn nhiều. Thậm chí, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận Washington đã chi tổng cộng 2 tỉ USD và không… tổn thất sinh mạng nào.

Phát ngôn viên NATO nhấn mạnh NATO không theo dõi chi phí của từng quốc gia thành viên nhưng ngân sách được trích trực tiếp từ một tài khoản chung cho các hoạt động ở Libya, gồm 7,4 triệu USD/tháng chi cho các khả năng tác chiến điện tử và 1,1 triệu USD/tháng cho hoạt động của các cơ quan đầu não cùng sở chỉ huy.

Kể từ lúc khởi đầu chiến dịch đến khi hạ bệ được Gaddafi, máy bay của không lực Mỹ đã xuất kích 7.725 lần và thực hiện 1.845 vụ không kích - trong đó có 397 lần thả đồ tiếp tế và 147 vụ không kích từ máy bay không người lái. Ngoài ra, hơn 70 máy bay Mỹ đã hỗ trợ cho các nước NATO khác, trong đó có các máy bay không người lái.

Sau khi chế độ Gaddafi sụp đổ, một số thành viên Quốc hội Mỹ đã khen ngợi chiến công này nhưng không hề bình luận gì về chi phí quân sự. Ngay cả khi tiếp xúc với báo giới, một số văn phòng nghị sĩ Mỹ cũng không bày tỏ phản ứng nào đối với những khoản chi tiêu của Lầu Năm Góc.

Trả giá bằng sinh mạng thường dân

Ngay từ khi chiến dịch “Người bảo vệ thống nhất” (Operation Unified Protector) bắt đầu ngày 23-3-2011, các nhà phê bình đã đặt vấn đề liệu Mỹ có cáng đáng nổi mặt trận thứ ba hay không khi 2 mặt trận Afghanistan và Iraq đã ngốn quá nhiều ngân sách.

Ngay tuần đầu tiên của chiến dịch, các máy bay tàng hình B-2 đã bay 9.000 km từ bang Missouri đến ném bom sâu vào bên trong Libya còn những chiếc tàu ngầm nằm ở Địa Trung Hải phóng 200 tên lửa vào lãnh thổ nước này. Điều đó ngầm báo động rằng bất kỳ sự mở rộng hoạt động quân sự nào đều sẽ nhanh chóng ngốn thêm hàng tỉ USD nữa. Tuy nhiên, phí tổn của Mỹ cho chiến dịch đã không quá tăng vọt khi các quốc gia NATO khác gánh vác phần lớn gánh nặng không kích. Lúc này, người Mỹ đảm nhiệm thêm vai trò hỗ trợ: tiếp nhiên liệu trên không, phá rối và do thám.

Một ngày trước khi Gaddafi bị hạ sát hôm 20-10-2011, NATO đã xuất kích 67 chuyến bay và thực hiện 16 vụ không kích. 30/40 máy bay chở dầu của Mỹ đã được điều động để tiếp nhiên liệu cho các máy bay châu Âu trong đại đa số sứ mệnh không kích ở Libya. Các nước châu Âu cũng có máy bay tiếp liệu nhưng không đủ để hỗ trợ suốt ngày đêm cho khoảng 100 phi vụ/ngày, trong đó có khoảng 50 vụ không kích. Tất nhiên, chi phí cho hoạt động trên không hề nhỏ.

Ngoài ra, Mỹ đã bán cho các đồng minh tham gia chiến dịch tiêu diệt Gaddafi số lượng đạn dược, các phụ tùng thay thế, nhiên liệu… trị giá khoảng 250 triệu USD.

Báo The Daily Beast dẫn lời quan chức NATO cao cấp cho biết một lực lượng hải quân quốc tế tập họp ngoài khơi Libya trong suốt chiến dịch quân sự kéo dài hơn 7 tháng ở Libya, trong đó phía Mỹ đóng góp hàng chục tàu chiến. Trong vòng vài giờ đầu tiên sau khi chiến dịch khởi động, tàu ngầm USS Florida đã phóng 100 tên lửa đạn đạo nhắm vào hệ thống phòng không của Libya, mở ra một hành lang cho các vụ không kích sau đó.

Mỹ lấy đại bác giết “muỗi”: Nhà độc tài 1 tỉ USD
Một tàu khu trục của Mỹ phóng tên lửa đạn đạo Tomahawk vào lãnh thổ Libya tháng 3-2011 Ảnh: USA TODAY
 

Khi các đồng minh châu Âu cạn đạn dược, Mỹ đã âm thầm cung cấp cho họ. Điều đó giải thích vì sao các lực lượng không quân châu Âu như Na Uy, Đan Mạch, Bỉ vẫn sử dụng chiến đấu cơ F-16 của Mỹ thực hiện số lượng vụ không kích không ngờ ở giai đoạn đầu chiến dịch. Lầu Năm Góc có những kho dự trữ để cung cấp cho họ.

Các chuyên gia nhận định: Thật không xứng chút nào khi Mỹ và các đồng minh đã chi hàng núi tiền vào chiến dịch quân sự ở Libya chỉ để tiêu diệt nhà độc tài Gaddafi cũng như hạ bệ chế độ của ông ta; còn đất nước Libya đã và đang trượt dài vào cảnh hỗn loạn và bạo lực.

Không ai có thể khẳng định chắc chắn cuộc chiến ở Libya đã trả giá bằng bao nhiêu sinh mạng. Các con số ước tính về số người tử vong - gồm các lực lượng trung thành với Gaddafi, quân nổi dậy và thường dân - hiện rất khác biệt, xấp xỉ từ 2.000-30.000 người.

Theo đài BBC, trong thời gian NATO tiến hành chiến dịch, chế độ Gaddafi đã tố cáo nạn nhân trong các vụ không kích của liên minh quân sự này chính là những thường dân vô tội.

Giữa tháng 7-2011, Bộ Y tế Libya xác nhận bom đạn của NATO đã giết hại 1.108 thường dân và làm bị thương 4.500 người. Chẳng ai kiểm chứng được số liệu trên nhưng cũng không quan chức NATO nào có thể quả quyết các vụ không kích không gây ra bất cứ thương vong nào cho thường dân bởi các lực lượng trung thành với Gaddafi từng áp dụng chiến thuật ẩn náu giữa khu vực dân cư.

Thực tế là, với quy mô chiến dịch ném bom của NATO, thật khó có thể tránh gây thương vong cho thường dân! Phải mất nhiều năm nữa mới có thể xác định điều gì thực sự xảy ra. Và ngay cả khi ấy, những con số đó nhiều khả năng sẽ còn gây tranh luận. 

Phí tổn khổng lồ

 

BBC ước tính máy bay Tornado GR4 tiêu tốn khoảng 48.000 USD cho mỗi giờ bay nên việc tuần tra một khu vực không phận Libya mất 2,75-4,13 triệu USD/ngày. Tên lửa không vận quy ước trị giá 1,3 triệu USD/quả và tên lửa đạn đạo Tomahawk trị giá 1,2 triệu USD/quả. Còn theo AP, các máy bay chiến đấu của NATO đã thực hiện 26.089 chuyến xuất kích, trong đó có trên 9.618 phi vụ không kích.

Theo Ngô Sinh
Người Lao Động
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *