Quốc tế 07/12/2014 09:11

Một cái nhìn lạnh lùng về cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông

Ngày 3-12, nhóm khởi xướng phong trào “Chiếm trung tâm” của Hồng Kông, gồm Đới Diệu Định, Trần Kiện Dân và Chu Diệu Minh đã quyết định tự thú trước thời hạn dự kiến.


Hồng Kông đã trở lại yên tĩnh, tất cả các đường phố đều đã thông thoáng. Như vậy, có thể nói, cuộc “cách mạng dù” đã thất bại. Thật ra, ngay từ ngày 26/9, khi cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra, nhiều dự báo đã cho thấy, những yêu cầu của các nhà tổ chức biểu tình là không phù hợp và cuộc biểu tình sẽ thất bại. Nhưng không ai ngờ, cuộc biểu tình đã biến thành một cuộc rối loạn lớn kéo dài, đã gây ra quá nhiều thiệt hại cho những người biểu tình và lớn hơn đã làm thiệt hại nặng nề cho chính nền kinh tế Hồng Kông, đẩy Hồng Kông vào một tương lai vô định.

Từ lâu Hồng Kông đã đóng vai trò cầu nối giữa Trung Quốc lục địa và thế giới bên ngoài, chuyển tải dòng chảy thương mại và đầu tư ở cả hai chiều. Từ năm 2012 đến nay, thông qua phát hành cổ phần ra công chúng (IPO) tại thị trường Hồng Kông, các công ty Trung Quốc lục địa đã huy động được 43 tỉ đô la Mỹ (theo dữ liệu của công ty Dealogic). Hồng Kông cũng cung cấp cho các công ty Hoa lục con đường tiếp cận các thị trường vốn toàn cầu thông qua phát hành trái phiếu và vay vốn tín dụng mà không thành phố nào khác sánh nổi. 70%  số vốn FDI vào Trung Quốc năm 2013 đi qua Hồng Kông. Mặc dù phần lớn dòng vốn này chỉ “chảy ngang” qua Hồng Kông, các công ty nước ngoài đều chọn Hồng Kông làm “trạm trung chuyển” để đầu tư vào Trung Quốc vì thành phố này có một môi trường đầu tư ổn định, được bảo vệ bởi một hệ thống tòa án minh bạch và công bằng, thực thi một Nhà nước pháp quyền đã định hình từ lâu.

Trong 5 năm qua, Chính phủ Trung Quốc cũng đã biến thành phố thành nơi thử nghiệm hàng loạt biện pháp cải cách tài chính: con đường quốc tế hóa đồng nhân dân tệ bắt đầu tại Hồng Kông năm 2009 bằng việc dùng đồng tiền này để thanh toán giao dịch thương mại; Hồng Kông cũng là “quê hương” của thị trường trái phiếu “dim sum” - loại trái phiếu vay nợ nước ngoài nhưng định giá bằng đồng nhân dân tệ. Đó là bởi Hong Kong là một tên tuổi lớn trong giới thương mại, tài chính, bảo hiểm. Quy mô ngành ngân hàng có sở hữu khối tài sản trị giá gấp 8 lần GDP của khu tự trị này. Giá trị giao dịch ra vào hòn đảo này đạt tới 977 tỷ USD năm 2013, tương đương 5,2% giá trị giao dịch thương mại toàn cầu (18,8 nghìn tỷ USD). Hong Kong liên tục được xếp hạng là trung tâm tài chính quan trọng thứ ba của thế giới, sau London và New York. 

Vai trò đó dần mờ nhạt trong những năm gần đây, khi Trung Quốc mở cửa biên giới, kết nối trực tiếp vào nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc cũng tích cực xây dựng những trung tâm tài chính - kinh tế Thượng Hải và Thẩm Quyến, với ý đồ thay thế Hồng Kông,  trong một tương lai không xa. Nếu chỉ xét về quy mô, lời cảnh báo như vậy có điểm hợp lý. Hồng Kông hiện thời kém quan trọng hơn Hồng Kông trước kia. Tỷ lệ tổng sản lượng (GDP) của Hồng Kông so với toàn Trung Quốc đã giảm từ 16% năm 1997, thời điểm Hồng Kông được chuyển giao cho Trung Quốc kiểm soát, xuống 3% hiện nay. Quan trọng hơn bên cạnh Hồng Kông đã có một Thượng Hải phát triển và từng bước cạnh tranh. 

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, GDP của Thượng Hải tăng 8,2%, đạt mức 218,3 tỷ USD trong năm 2009, trong khi kinh tế Hồng Kông suy giảm 2,7%, còn 210,7 tỷ USD. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, suốt từ năm 1981 tới nay, kinh tế Thượng Hải luôn bị Hồng Kông cho “ngửi khói”, những đến năm 2009, tình hình đã khác. Kinh tế Thượng Hải những năm qua đã được lợi nhiều từ các chính sách kích cầu của Chính phủ Trung Quốc. Hiện Thượng Hải đã thế chỗ Hồng Kông ở các vị trí cảng biển lớn nhất và thị trường chứng khoán lớn nhất của Trung Quốc.  Tuy nhiên, Thượng Hải hiện vẫn thua xa Hồng Kông về thu nhập bình quân tính theo đầu người. Số liệu của năm 2008 cho thấy, GDP/đầu người của Hồng Kông năm đó là 30.977 USD, so với mức 10.713 USD của Thượng Hải. Dân số của Thượng Hải hiện là 19 triệu người, gần gấp ba lần so với dân số của Hồng Kông.

Nhưng cuộc “cách mạng dù” đã cho một kết quả khác biệt. Các cuộc biểu tình làm 17 ngân hàng đóng cửa tạm thời 29 chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc máy ATM, trong khi nhiều cửa hàng trong khu trung tâm bị đóng cửa suốt hai tháng ròng. Sự hỗn độn tài chính sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của hòn đảo này. Sean Darby, trưởng bộ phận chứng khoán toàn cầu của công ty Jefferies phát biểu trên CNBC. “Tôi lo ngại rằng, biểu tình sẽ gây gián đoạn các hoạt động tài chính, gây ảnh hưởng dài hạn đến nền kinh tế và các nhà đầu tư rót vốn vào Hồng Kông”. Tại cuộc họp báo ngày 1-12, Cục trưởng Tài chính Hồng Kông - Tăng Tuấn Hoa lo ngại về hoạt động “Chiếm trung tâm” diễn ra hai tháng qua sẽ đánh mạnh vào niềm tin nhà đầu tư, khiến rủi ro tăng trưởng kinh tế giảm tốc tăng lên. Ở góc độ khác, ông Tăng Tuấn Hoa nhấn mạnh pháp trị là giá trị hạt nhân của Hồng Kông, nhưng hoạt động “Chiếm trung tâm” lại gây ra vết thương khó lành đối với nền pháp trị của Hồng Kông. 

Rõ ràng, về lâu dài, cuộc biểu tình sẽ khiến thị trường Hồng Kông bị nghi ngờ trong khi dòng vốn đầu tư chạy qua Thượng Hải, chảy thẳng vào đại lục. Thậm chí ngay cả khi không có biểu tình thì Hồng Kông trong tương lai cũng phải đối mặt với một thực tế rằng tầm quan trọng của nó có thể giảm sút khi đường dây kết nối giao dịch mới giữa thị trường chứng khoán Hồng Kông và Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã được đưa vào hoạt động từ ngày 17-11. Ngay trong ngày đó, nhiều tỷ USD đã được đổ vào thị trường chứng khoán Thượng Hải, trong khi đó, thị trường chứng khoán Hồng Kông vẫn trong chiều đi xuống với hàng tỷ USD vốn hóa bay hơi. Trung tâm kinh tế Thượng Hải, hút dòng vốn của Hồng Kông có thể khiến nơi đây sẽ không còn là điểm hẹn lý tưởng của các dòng vốn. 

Nhiều người ủng hộ biểu tình cho rằng, sau những biến động, kinh tế sẽ sớm hồi phục. Nhận định này được đưa ra trên cơ sở từ kinh tế Thái Lan và Indonesia đã phục hồi nhanh chóng sau bất ổn chính trị ở các quốc gia này. Tuy nhiên, ít nhất Thái Lan và Indonesia cũng không có một đối thủ cạnh tranh “đồng hương” ngay sát cạnh. Hồng Công đã mất dần bản sắc kinh tế cố hữu và quan trọng, có Thượng Hải đang chờ sẵn cho sự bất ổn, cho sự mất uy tín của một xã hội pháp trị của Hồng Kông. Chắc chắn, trong tương lai, Thượng Hải sẽ thay thế Hồng Kông như một thị trường ổn định và chắc chắn hơn. Cuộc “cách mạng dù” thật sự đã giáng một đòn chí tử vào tương lai của Hồng Kông. 

Không có câu trả lời về tác giả của đòn đánh này và ai sẽ chịu trách nhiệm về nó.

Theo Văn Cao 

ANTĐ

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *