Quốc tế 15/10/2014 09:55

Mở rộng "bản đồ" các quốc gia mới nổi

Vị thế kinh tế và chính trị của các quốc gia mới nổi đang trỗi dậy như một đối trọng với nhóm 7 nước công nghiệp (G7) và làm đảo lộn trật tự tài chính thế giới.

Mở rộng "bản đồ" các quốc gia mới nổi

Theo số liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP Trung Quốc tính theo phương pháp sức mua ngang giá (PPP) sẽ đạt 17.600 tỷ USD năm nay, vượt Mỹ với 17.400 tỷ USD.

Tuy nhiên, nếu không tính theo PPP, GDP của Trung Quốc vẫn còn nhỏ hơn Mỹ khá nhiều. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), GDP Trung Quốc năm ngoái là 9.240 tỷ USD, trong khi của Mỹ là 16.800 tỷ USD, trước khi điều chỉnh theo lạm phát.

Tính theo PPP không phải là về tỷ lệ bình quân GDP trên đầu người theo lối tính toán kinh điển. Sức mua ngang giá là tỷ lệ của hai hay nhiều đơn vị tiền tệ quốc gia được thiết lập theo khả năng mua của họ đối với tập hợp hàng hóa và dịch vụ cụ thể.

Thông thường đó là tập hợp hàng hóa và dịch vụ được quy chuẩn tính theo tỷ giá hối đoái hiện tại của đồng bản tệ dùng mua cùng một lượng hàng hóa và dịch vụ bằng một số tiền nhất định.

Một trong những cách xác định sức mua đồng đẳng là phương án do tạp chí Anh The Economist đề xuất vào năm 1986 với khái niệm "Index BigMac". Tức là so sánh chi phí cho một chiếc bánh kẹp sandwich tiêu chuẩn, do hãng thức ăn nhanh McDonald bán ra hầu như trên toàn thế giới.

Trên thực tế, do khác biệt của tỷ giá hối đoái phương pháp tính GDP theo sức mua ngang giá không thể xem là hợp lý. Theo khả năng mua có thể phân định cả sức mạnh của bản tệ và kích thước danh mục tổng sản phẩm quốc nội, có thể lập nhóm đất nước về chỉ số này.

Nhưng vấn đề là ở chỗ sức mua không phản ánh chất lượng của nền kinh tế cũng như các trung tâm phát triển của nó và thời lượng của sự năng động hiện tại.

Mặc dù vậy cũng không thể bỏ qua thực tế là những đánh giá mới nhất về tình hình thế giới đang là minh chứng về những đổi thay cơ bản.

Với sự vươn lên của kinh tế Trung Quốc, kinh tế thế giới đã xuất hiện nhóm thủ lĩnh mới. Về hàng loạt chỉ tiêu 7 nước lớn đang phát triển bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt mặt cả nhóm G7.

Mặc dù Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Mexico, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện thời chưa tập hợp thành một nhóm mới, tổng mức GDP của nhóm này năm ngoái đã nhiều hơn 3,5 ngàn tỷ USD so với nhóm G7.

Ở chiều ngược lại, nhóm bảy nước phát triển gồm Anh, Đức, Ý, Canada, Hoa Kỳ, Pháp và Nhật Bản đang mất dần vị thế.

Mười trong số 20 nền kinh tế lớn nhất hiện nay là các nước đang phát triển. Và dù muốn hay không, các nước phương Tây trong G7 sẽ buộc phải thận trọng với nhóm nước đang phát triển nhanh chóng.

Đặc biệt, trong bối cảnh đang đối đầu với phương Tây, hai cường quốc kinh tế Nga và Trung Quốc đang có nhiều nỗ lực thiết lập một đối trọng với G7 thông qua khối BRICS.

Tháng 7 vừa rồi, các nhà lãnh đạo BRICS đã nhất trí với việc thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS và Quỹ Dự trữ ngoại tệ chung - một mục tiêu đặt ra từ lâu nhằm cạnh tranh với các định chế quốc tế tại Washington (WB và IMF).

Trong khoảng 20 năm qua, các nước thành viên BRICS luôn dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế. Đầu tư của BRICS ra nước ngoài đóng góp 9% tỷ trọng đầu tư thế giới, chiếm 42% số vốn đầu tư đổ vào các nước công nghiệp phát triển.

Năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của khối đạt 4% và là con số mơ ước của nhóm G7, vốn chỉ đạt mức 0,7%. Với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, khoảng cách về kinh tế giữa BRICS và G7 đang dần thu hẹp.

Theo ước tính của IMF, BRICS đã hình thành một thị trường gần 3 tỷ dân, với tổng GDP khoảng 19.900 tỷ USD. Dự báo, đến năm 2050, tổng khối lượng kinh tế của khối này sẽ vượt nhóm G7.

Theo ông Sébastien Barbé, Ngân hàng Crédit Agricole CIB, các quốc gia mới nổi đang làm thay đổi diện mạo địa chính trị thế giới bằng việc hình thành một thế giới đa cực.

Được thành lập vào cuối tháng 11/2001, ban đầu chỉ là BRICs không có "S" tức là không có Nam Phi. Hiện nay, nhóm BRICS còn có thể kết nạp thêm các quốc gia khác như Bangladesh, Ethiopia, Nigeria, Việt Nam và Mehico. 

Theo Lam Hồng

Doanh nhân Sài Gòn

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *