Quốc tế 14/03/2014 06:42

Lợi thế cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc đã đến hồi kết?

Lợi thế chi phí thấp của Trung Quốc trong việc sản xuất các sản phẩm từ quần áo tới giày dép đã giảm dần so với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam và Bangladesh. Sau ba thập kỷ tăng trưởng, xuất khẩu hàng hóa "made in China" của Trung Quốc đã chững lại ở hai thị trường lớn nhất là Mỹ và châu Âu, trong đó suy giảm nhiều ở châu Âu, do việc tăng lương và đồng nội tệ tăng giá.

Theo dữ liệu của Bloomberg News, thị phần hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Liên  minh châu Âu (EU) trong 11 tháng đầu năm 2013 đã giảm 16,5%, so với mức cao là 18,5% băn 2010. Còn tại Mỹ, thị phần của Trung Quốc vẫn dậm chân ở mức 19% trong suốt 5 năm qua.

Andrew Tilton, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á thuộc Goldman Sachs Group Inc tại Hong Kong, người đã từng làm việc cho các văn phòng quốc tế của Bộ Tài chính Mỹ cho rằng: Đó là một sự thay đổi lớn. Lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ khác thường trong xuất khẩu của Trung Quốc có thể đến hồi kết.

Đồng nhân dân tệ (NDT) đã tăng giá khoảng 35% so với đồng USD kể từ tháng 7/2005, tiền lương đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua, trong khi lực lượng lao động của Trung Quốc đã bắt đầu co lại.

Các dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy dân số trong độ tuổi lao của quốc gia này đã bắt đầu suy giảm trong năm 2012. Theo ước tính của Mỹ, lực lượng lao động trong độ tuổi từ 15 đến 39 - xương sống cho các nhà máy sản xuất quần áo và đồ chơi của Trung Quốc - đã giảm 35 triệu trong 5 năm qua.

Trong một báo cáo công bố ngày 10/3, các nhà kinh tế Bhanu Baweja và Andrew Cates thuộc UBS AG ước tính: Chi phí đơn vị lao động của Trung Quốc, thước đo chi phí dựa trên năng suất và phí bồi thường, đã tăng 150% từ năm 2000 và 70% kể từ năm 2007, quy đổi theo đồng USD.

Những thay đổi này đã bắt đầu dẫn đến việc chuyển hướng của các nhà sản xuất toàn cầu sang các nước như Bangladesh và Việt Nam, vốn đã vượt qua Trung Quốc trong năm 2010 trở thành nhà cung cấp lớn nhất của tập đoàn giày dép Nike Inc.

Chi phí cùng với tiền lương cao hơn ở Trung Quốc đang thúc đẩy một số công ty châu Á xây dựng kế hoạch sản xuất tại các nước láng giềng.

Samsung Electronics Co đang xây dựng một nhà máy trị giá 2 tỷ USD ở Việt Nam mà có thể sản xuất 120 triệu thiết bị cầm tay vào năm 2015.

Các nhà sản xuất quần áo Mỹ và châu Âu cũng đang tìm kiếm ở những nơi khác. Kết quả cuộc khảo sát vào năm 2013 của công ty tư vấn McKinsey & Co cho thấy khoảng 72% các phụ trách mua bán chính chịu trách nhiệm giám sát hoạt động mua hàng thường niên của các công ty may mặc dự kiến ​​sẽ chuyển sang quốc gia có chi phí thấp hơn, trong đó Bangladesh, Việt Nam và Ấn Độ là ba điểm đến hàng đầu trong 5 năm tới.

Hơn một thập kỷ trước, Trung Quốc là một nơi đáng đến khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với việc mở rộng thương mại giúp thúc đẩy tăng trưởng trung bình ở mức 10,6% trong thập kỷ kể từ năm 2001. Quốc gia này cũng định hình lại nền kinh tế thế giới khi Trung Quốc đưa các đồ chơi giá rẻ, đồ lưu niệm và quần bò jean trên kệ bán hàng tại các cửa hàng từ New York, London tới Paris.

Theo chỉ số SHCOMP của công ty tư vấn quản lý Kurt Salmon, các nền kinh tế nhỏ hơn cũng đã được hưởng lợi. Thị phần nhập khẩu của EU đối với hàng hóa Bangladesh đã tăng lên 0,6% trong 11 tháng đầu năm ngoái, gia tăng 76% so với năm 2007. Bangladesh là quốc gia có chi phí sản xuất giá rẻ nhất trên thế giới trong năm ngoái, tiếp theo là Việt Nam và Sri Lanka.

Các quốc gia Đông Nam Á, từng bị thiệt khi Trung Quốc gia nhập WTO, hiện đang được hưởng lợi, với một số nước bước vào hàng ngũ xuất khẩu, chẳng hạn như Campuchia. Tiềm năng của Indonesia đã giúp thu hút 19,8 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong năm 2012, gần gấp 3 lần tổng số vốn từ 5 năm trước đó, theo số liệu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD). Đầu tư nước ngoài vào Campuchia đã tăng gần 80% lên tới 1,6 tỷ USD.

"Những người chiến thắng lớn sẽ là ở các quốc gia Đông Nam Á", Tim Condon - người đứng đầu nghiên cứu châu Á tại ING Groep NV ở Singapore và là người đã từng làm việc cho WB cho biết. "Họ đang sẵn sàng trải nghiệm quá trình tái công nghiệp với tốc độ tăng trưởng chậm hơn Trung Quốc ".

Trong khi đó, tổng nhập khẩu toàn cầu của Trung Quốc tiếp tục tăng, tăng lên 12,9% trong quý đầu tiên của năm ngoái, so với 12,2% trong năm 2012 và 9,3% trong năm 2008. Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn nhất nhập khẩu từ Philippines trong năm ngoái, chiếm 13%, tăng so với 10,8% trong năm 2012 và 3,5% trong năm 2002.

Trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm cách cân bằng lại nền kinh tế chuyển từ xuất khẩu vào đầu tư trong nước, đối với các lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố mục tiêu 7,5% cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 - giống như năm ngoái - tại cuộc họp thường niên của cơ quan lập pháp Trung Quốc tuần trước tại Bắc Kinh. 

Mặc dù vậy, báo cáo thương mại của Trung Quốc trong tháng trước cũng nhấn mạnh đến lo ngại về khả năng lợi ích xuất khẩu trong nhưng năm trước đây của quốc gia này có thể đã qua. Cơ quan hải quan ngày 8/3 cho biết lượng hàng vận chuyển ra nước ngoài đã giảm 18,1% so với một năm trước đó. 

Sau khi tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm 17% kể từ năm 1995, các công ty xuất khẩu của Trung Quốc hiện phải đối mặt với khả năng chững lại và cần phải hướng tới các sản phẩm công nghệ cao hơn.

Theo Tố Uyên

Báo Tin tức

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *