Quốc tế 15/02/2023 07:46

Lạm phát tháng 1 của Mỹ mạnh hơn dự báo

Bộ Lao động Mỹ vừa công bố số liệu lạm phát tháng 1 cho biết, lạm phát trong tháng đầu năm 2023 của nước này đã mạnh hơn dự báo, khi giá nhà ở, nhiên liệu tiếp tục leo thang.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,5% trong tháng 1 và 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, trong cuộc khảo sát do Dow Jones thực hiện, các nhà kinh tế dự đoán CPI sẽ tăng lần lượt ở mức 0,4% và 6,2%.

Nếu loại trừ sự biến động của giá lương thực và năng lượng, CPI lõi tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cách đây một năm, cao hơn so với dự đoán 0,3% và 5,5% của các nhà kinh tế.

CPI Mỹ_Getty.png

Lạm phát trong tháng đầu năm 2023 của Mỹ đã mạnh hơn dự báo, khi giá nhà ở, nhiên liệu tiếp tục leo thang (Ảnh: Getty).

Thị trường chứng khoán đã biến động mạnh sau thông tin trên, với việc chỉ số Dow Jones giảm khoảng 200 điểm ngay khi mở cửa, sau đó phục hồi trở lại và chốt phiên giảm 156,66 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm nhẹ 0,03% xuống 4.136,13 điểm. Chỉ số Nasdaq phục hồi sau khi giảm đầu phiên, chốt phiên tăng 0,57% lên 11.960,15 điểm.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chi phí nhà ở tăng đóng góp một nửa vào mức tăng hàng tháng của CPI tháng 1. Thành phần này, vốn chiếm hơn 1/3 trong rổ CPI, đã tăng 0,7% theo tháng, tăng 7,9% theo năm.

Năng lượng cũng đóng góp đáng kể khi tăng lần lượt 2% và 8,7%, trong khi chi phí lương thực tăng lần lượt 0,5% và 10,1%.

Giá cả tăng đồng nghĩa với việc lương thực tế của người lao động giảm xuống. Theo một báo cáo riêng của Cục Thống kê lao động Mỹ điều chỉnh tiền lương theo lạm phát, thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động Mỹ đã giảm 0,2% trong tháng và giảm 1,8% so với một năm trước.

Mặc dù tình trạng tăng giá đã giảm bớt trong những tháng gần đây, song dữ liệu lạm phát tháng 1 cho thấy lạm phát vẫn là một tác nhân khiến nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm nay.

Lạm phát vẫn tiếp tục mạnh hơn dự báo bất chấp những nỗ lực gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc kìm cương lạm phát. Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất chuẩn 8 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022 khi lạm phát vọt lên mức cao nhất trong 41 năm.

“Lạm phát đang hạ nhiệt, nhưng quá trình giảm lạm phát sẽ không hề dễ dàng. Fed sẽ không đưa ra quyết định chỉ dựa trên một báo cáo, nhưng rõ ràng rủi ro đang tăng lên khi lạm phát chưa về mức mong muốn của Fed”, Jeffrey Roach, kinh tế trưởng tại công ty tài chính LPL Financial nhận định.

Mặc dù gần đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận quá trình “giảm lạm phát” đang diễn ra, nhưng những số liệu trong tháng 1 cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm.

Mặc dù vậy, vẫn có một số tin tốt trong báo cáo tháng qua, đó là dịch vụ chăm sóc y tế giảm 0,7%, giá vé máy bay giảm 2,1% và giá phương tiện đã qua sử dụng giảm 1,9%, theo giá điều chỉnh theo mùa. Tuy nhiên, giá trứng lại tăng 8,5% so với tháng trước và tăng 70,1% trong năm qua.

Các thị trường đang kỳ vọng trong 2 cuộc họp tiếp theo vào tháng 3 và tháng 5, Fed sẽ tăng lãi suất vay qua đêm 0,5 điểm phần trăm từ mức hiện tại là 4,5% -4,75%. Điều đó sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có thời gian để theo dõi các tác động kinh tế rộng lớn hơn của việc thắt chặt chính sách tiền tệ trước khi quyết định tiến hành như thế nào. Nếu lạm phát không giảm trở lại, điều đó có nghĩa tăng lãi suất sẽ nhiều hơn.

Hôm qua (14/2), bà Lorie Logan - Chủ tịch Fed Dallas đã cảnh báo ngân hàng trung ương cần phải tăng lãi suất cao hơn mức dự đoán, đặc biệt nếu lạm phát siêu lõi vẫn neo trong phạm vi 4-5%.

“Chúng ta cần chuẩn bị tiếp tục tăng lãi suất trong một thời gian lâu hơn so với dự đoán, nếu con đường đó là cần thiết để đáp ứng những thay đổi trong triển vọng kinh tế hoặc giúp bù đắp bất kỳ dữ liệu giảm không mong muốn nào”, bà nhấn mạnh khi phát biểu tại Prairie View, Texas.

Nhật Linh

Theo CNBC

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *