Quốc tế 07/01/2015 21:41

Kinh tế Cuba đang phát triển ra sao?

FICA - Đối với một nền kinh tế với tiềm năng sẵn có của một quốc gia bắt đầu quá trình cải tổ, tăng trưởng 1,3% có thể coi là chưa tăng trưởng, tuy nhiên, Chính phủ Cuba đang có những bước đi rõ rệt nhằm thúc đẩy kinh tế khi tập trung và chọn lọc thu hút FDI, chủ trương tách biệt chức năng quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp, đồng thời trao quyền tự chủ hơn cho các doanh nghiệp nhà nước...

Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Cuba (thuộc Bộ Công Thương), Cuba đã trải qua năm 2014 với tình hình kinh tế xã hội tương đối ổn định. Năm 2014 tiếp tục đánh dấu nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Cuba trong việc triển khai các định hướng của Đảng nhằm đạt các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra. Tình hình kinh tế xã hội Cuba chuyển biến tích cực nhờ những nỗ lực của Chính phủ bám sát triển khai các định hướng của Đại hội Đảng VI.

Dành 14,5 tỷ USD ngân sách cho nhập khẩu năm 2014

Chính phủ Cuba đã tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp và công nghiệp nhẹ để phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, giảm nhập khẩu, nhưng điều kiện sản xuất thực tế đến nay và trong ngắn hạn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Cuba vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng để phục vụ nhu cầu trong nước. Theo nghiên cứu của Thương vụ, năm 2014 ngân sách Cuba phục vụ cho hoạt động nhập khẩu nói chung tương đương xấp xỉ 14,5 tỷ USD, trong đó chi cho nhập khẩu lương thực khoảng 2 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào một số loại ngũ cốc như gạo, ngô, các loại đậu, cà phê, lúa và bột mì...

Trong khi đó, tổng xuất khẩu của Cuba đạt xấp xỉ 13,5 tỷ USD với xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 4,5 tỷ USD với thế mạnh là các mặt hàng dược phẩm, chế phẩm sinh học, thuốc thông thường… xuất khẩu dịch vụ nhân lực y tế, giáo dục, thể thao…đem về cho ngân sách quốc gia khoảng 6-6,5 tỷ USD.

Cả năm 2014, tốc độ tăng trưởng đạt 1,3%

Sau 6 tháng đầu năm 2014, kinh tế Cuba tăng trưởng 0,6% so với cùng kỳ. Cả năm 2014, kinh tế Cuba tăng trưởng 1,3%, chưa đạt kế hoạch đề ra là 2,2%. Nhiều lĩnh vực cụ thể còn có những khó khăn nội tại, nên chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ví dụ như ngành mía đường, sau nhiều cải cách triệt để về thể chế, cơ chế quản lý và nhân sự, tăng trưởng cả năm đạt 7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn chỉ tiêu cả năm là 15%.

Sản xuất công nghiệp nói chung và khai khoáng nói riêng giảm do khó khăn tài chính do cấm vận và chậm chễ trong việc nhập khẩu trang thiết bị, nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất; cũng như giá một số sản phẩm khai khoáng mà Cuba có thế mạnh biến động thất thường trong năm qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động khai thác và chế biến quặng phục vụ xuất khẩu.

Trong bối cảnh nêu trên, một số lĩnh vực kinh tế Cuba vẫn đạt tăng trưởng, trong đó có lĩnh vực vận tải, kho bãi, nông nghiệp, thông tin, xây dựng, dịch vụ… riêng nông nghiệp tăng trưởng khá với những chương trình phát triển đã được hoạch định tới năm 2020 nhằm thúc đẩy sản xuất các nông sản chính. Các chương trình này gồm có những đầu tư cơ bản về công nghệ, trang thiết bị, tăng cường tập huấn kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động, khắc phục tình trạng thiếu lao động trong ngành nông nghiệp. Mục tiêu của ngành nông nghiệp Cuba trong thời gian tới là hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín nhằm cung cấp lương thực, thực phẩm ổn định, hướng tới tự túc lương thực, thực phẩm trong tương lai không xa.

Quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế của Cuba đang trong giai đoạn phức tạp

Về tài chính và các khoản nợ, nhìn chung thời gian qua Cuba đã tuân thủ chặt chẽ các cam kết trả nợ, dần khôi phục niềm tin của các đối tác nước ngoài, thiết lập được sự ổn định trong quản lý thu chi ngân sách, duy trì ổn định giá trị đồng nội tệ.

Những khó khăn trong năm qua tác động tới tăng trưởng kinh tế tại Cuba được nhận định là do nguồn thu ngoại tệ giảm sút, bất ổn về giá cả trên thị trường thế giới, cùng với tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các đối tác trọng yếu của Cuba như Venezuela... gặp khó khăn do bất ổn về chính trị và cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ đối với Cuba trong suốt 53 năm qua.

Quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế của Cuba đang trong giai đoạn phức tạp, đòi hỏi sự tập trung cao độ vì mọi quyết định tại thời điểm này đều có tác động lớn đối với nền kinh tế, trong đó bao gồm việc chuẩn bị các điều kiện cho quá trình thống nhất hai đồng tiền. Mặc dù việc thống nhất tiền tệ được nhận định sẽ không giải quyết được tất cả những khó khăn của nền kinh tế, nhưng việc này sẽ được tiến hành do được đánh giá là yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy hiệu quả kinh tế, tăng năng suất lao động và phân phối hợp lý hơn các nguồn lực và lợi ích trong xã hội.

Chính phủ Cuba nhận thấy rõ với chính sách hai giá hiện nay, đồng tiền Cuba không thực hiện được đầy đủ các chức năng vốn có của tiền tệ. Công tác kế toán, kiểm kê, cân đối và quản lý tài chính gặp khó khăn. Từ đầu năm 2013, Chính phủ Cuba vẫn duy trì công tác chuẩn bị cho thống nhất tiền tệ, trong đó bên cạnh việc tìm giải pháp để cân đối quan hệ giữa giá cả-đồng lương-tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Cuba thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ các ngân hàng và tổ chức tài chính, tín dụng trên cả nước để họ có đầy đủ các kỹ năng cần thiết, sẵn sàng cho “thời điểm 0 giờ”.

Ngoài ra, năm qua Cuba áp dụng chính sách sử dụng song song hai đồng tiền CUP (đồng peso Cuba nội tệ) và đồng CUC (đồng peso chuyển đổi, có giá trị hơn đồng Đô la Mỹ) tại hệ thống các siêu thị và cửa hàng của Nhà nước, thay vì trước đây người dân chỉ có thể mua hàng bằng đồng CUC tại các hệ thống này.

Việc thống nhất hai đồng tiền dự kiến sẽ được tiến hành từng bước, trước tiên tại các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp nhà nước và sau đó mở rộng trong toàn dân. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Cuba cho biết, thời điểm thống nhất hai đồng tiền có thể diễn ra vào bất cứ khi nào. Tỷ giá hối đoái trong quá trình thống nhất tiền tệ cho tới nay vẫn là một ẩn số.

Tách biệt chức năng quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp

Chủ trương tách biệt chức năng quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp, đồng thời trao quyền tự chủ hơn cho các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được thúc đẩy trong thời gian qua. Chính phủ Cuba vẫn tiếp tục triển khai hình thức kinh tế tự doanh, cá thể và thúc đẩy thử nghiệm mô hình hợp tác xã phi nông nghiệp, đồng thời thông qua chính sách quản lý ngoài quốc doanh trong các hoạt động kinh doanh ẩm thực và cung ứng một số dịch vụ kỹ thuật nhất định.

Năm 2014, Chính phủ Cuba tập trung vào rà soát, bổ sung, ban hành mới nhiều qui định nhằm quản lý tốt hơn trong tất cả các lĩnh vực. Một số chính sách xã hội mới cũng được ban hành nhằm nâng cao đời sống, cũng như mức độ tiện ích cho nhân dân.Trong đó, nổi bật có việc Hội đồng Bộ trưởng Cuba thông qua chính sách tăng lương cho người lao động trong ngành y tế, mức tăng tùy thuộc vào vị trí việc làm và mức độ trách nhiệm, mức tăng cao nhất là 255% đối với bác sĩ, nha sĩ và một số vị trí khác. Việc điều chỉnh lương này có hiệu lực từ ngày 1/6/2014 và khoảng 440.000 người lao động được hưởng lợi từ chính sách này.

Nhằm triển khai và thúc đẩy quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế, nhiều chính sách và biện pháp mới được ban hành với mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống của người dân như: các giải pháp và ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài; tăng cường an sinh xã hội như: khuyến khích sinh con để cải thiện tình trạng dân số già, tăng cường hỗ trợ bà mẹ trẻ em và người già; cho phép tư nhân đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính; bán hoặc cho thuê lại các cơ sở dịch vụ của nhà nước như: quán cà phê, nhà hàng, hiệu cắt tóc, làm móng tay...; giải thể các đơn vị sản xuất hợp tác xã cơ bản của nhà nước hoạt động kém hiệu quả ( các nông trường sản xuất); tăng cường giao khoán đất cho nông dân tự trồng trọt và chăn nuôi theo quy hoạch của địa phương…

Rà soát đầu tư FDI theo hướng chỉ giữ dự án đem lại hiệu quả

Nhìn chung, thương mại, kinh tế Cuba chưa đạt mức tăng trưởng theo kế hoạch đề ra: sau 6 tháng đạt 0,6% và cả năm là 1,3 %, thấp hơn mức 2,7% của năm 2013 và 3% của năm 2012. Chính phủ Cuba cho rằng, việc không đạt kế hoạch tăng trưởng đề ra chủ yếu là do ngành mía đường và một số ngành sản xuất đã không đạt được chỉ tiêu kế hoạch. Một số lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế Cuba như du lịch, khai thác ni-ken vẫn đạt kết quả tích cực. Ngành kinh tế mũi nhọn của Cuba là du lịch đạt được kết quả khả quan trong năm 2014, lần đầu tiên cán mốc đón 3 triệu khách du lịch, tăng trưởng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động xuất nhập khẩu cũng đạt kết quả tích cực. Các đối tác xuất nhập khẩu chính của Cuba trong năm qua vẫn là Venezuela, Brazil, Tây Ban Nha, Argentina, Canada, Ý, Trung Quốc, Pháp, Mexico,Việt Nam…

Tại cuộc họp ngày 28 tháng 11 vừa qua, Hội đồng Bộ trưởng Cuba đã thông qua Kế hoạch Kinh tế và Ngân sách cho năm 2015, khẳng định sự tin tưởng vào sự tăng trưởng kinh tế đất nước trong thời gian tới và trên cơ sở phân tích, đánh giá các điều kiện thực tế, đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2015 là 4%. Hội đồng Bộ trưởng xác định nêu lên chỉ tiêu này là để cùng nhau phấn đấu và Chính phủ và nhân dân phải hết sức nỗ lực để có thể đạt chỉ tiêu này nhằm vực dậy nền kinh tế khó khăn của đất nước.

Về đầu tư, với chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển sản xuất trong nước, Quốc hội Cuba đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài mới, có hiệu lực từ ngày 28 tháng 6 năm 2014, gồm nhiều điểm mới thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng.

Chính phủ Cuba tiếp tục rà soát lại chính sách và các dự án đầu tư có vốn nước ngoài. Quá trình rà soát lại các dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài được Cuba tiến hành triệt để theo hướng chỉ giữ dự án đem lại hiệu quả.

Cuba cũng tăng cường sử dụng ngân sách cho đầu tư và phân bổ tương đối đồng đều cho các lĩnh vực, tuy nhiên có ưu tiên hơn cho một số lĩnh vực như đầu tư phục vụ sản xuất (tăng 57,1% so với cùng kỳ) và cơ sở hạ tầng (tăng 17,7%).

Nhân dịp Hội chợ Quốc tế La Havana lần thứ 32 (FIHAV 2014) vào đầu tháng 11 vừa qua, Chính phủ Cuba tập trung vào xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài vào Cuba nói chung và Đặc khu Phát triển Mariel (ZEDM) nói riêng, trong đó công bố Danh mục Dự án thu hút đầu tư nước ngoài, gồm có 221 dự án trên cả nước và 25 dự án tại ZEDM. Theo thông tin từ Văn phòng khu ZEDM, cho đến nay có các doanh nghiệp đến từ 36 quốc gia đăng ký đầu tư vào khu ZEDM, trong đó các quốc gia có số lượng doanh nghiệp đăng ký nhiều nhất là Tây Ban Nha, Trung Quốc, Ý, Nga, Pháp, Brazil, Mexico và Canada. Các lĩnh vực mà Cuba quan tâm thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay gồm có: du lịch, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm…

Cuba xác định thu hút đầu tư nước ngoài là yếu tố quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Trong đó, thu hút đầu tư vào Đặc khu Phát triển Mariel đang được Chính phủ Cuba tập trung triển khai và đặt nhiều kỳ vọng. Với định hướng kinh tế xã hội hiện nay của Cuba nhằm phát triển sản xuất trong nước, thay thế nhập khẩu để tiết kiệm ngân sách thì các doanh nghiệp nước ngoài làm thương mại dịch vụ đơn thuần sẽ dần gặp khó khăn. Bởi vậy, chuyển hướng sang đầu tư sản xuất tại Cuba để đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu sang các nước trong khu vực là hướng đi lâu dài thay vì chỉ tập trung làm thương mại đơn thuần như hiện nay.

Giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng Đặc khu Phát triển Mariel sắp hoàn thành. Hiện nay, Chính phủ Cuba đang kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh tại khu vực này. Do là dự án trọng điểm lớn và được thực hiện lần đầu nên quá trình xử lý các thủ tục và các vấn đề hậu cần liên quan đang tiếp tục được hoàn thiện nhằm hướng tới cơ chế một cửa để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, Cuba vẫn tiếp tục nghiên cứu và xử lý những nội dung phát sinh liên quan đến cơ chế, thủ tục, nguồn lực, nhân công…trên cơ sở những quan tâm cụ thể của các đối tác quan tâm.

Xét về lý thuyết, đối với một nền kinh tế với tiềm năng sẵn có của một quốc gia bắt đầu quá trình cải tổ, tăng trưởng 1,3% có thể coi là chưa tăng trưởng. Tuy nhiên, với những điều kiện, chính sách và quyết tâm của Chính phủ Cuba như hiện nay, có thể hoàn toàn tin tưởng, mong muốn và hi vọng Cuba sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Bích Diệp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *