Quốc tế 26/02/2014 14:31

Khủng hoảng tại Thái Lan: Nội chiến cận kề?

FICA - Sau những làn sóng bạo lực chính trị khiến 21 người thiệt mạng bao gồm cả trẻ em, tình hình tại Thái Lan đang khiến cả các quan chức an ninh và quân đội lo lắng. Nguy cơ xảy ra nội chiến đã được nhiều người cảnh báo.

Với việc các vụ tấn công bằng súng và lựu đạn nhằm vào người biểu tình diễn ra hầu như hàng ngày, cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan dường như đang bước vào một giai đoạn nguy hiểm mới, khi không bên nào chịu nhượng bộ.

 

Các vụ bạo lực tại Thái Lan đang có chiều hướng gia tăng

Đến nay, hơn 700 người đã bị thương kể từ khi người biểu tình đổ ra các đường phố với mục tiêu lật đổ chính phủ của thủ tướng Yingluck Shinawatra, và đặt dấu chấm hết cho sự lấn át về chính trị của gia tộc Shinawatra.

Trong ngày hôm qua, người đứng đầu Cơ quan điều tra đặc biệt của Thái Lan, một đơn vị tương đương FBI của Mỹ, đã cảnh báo về khả năng căng thẳng “leo thang thành nội chiến”.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Tarit Pengdith, giám đốc Cơ quan điều tra đặc biệt đã hối thúc cả hai phía “kiềm chế và kiên nhẫn”. Các bình luận của ông cũng tương tự như những cảnh báo từng được đưa ra bởi các tướng lĩnh quân đội.

“Rõ ràng rằng, sẽ có nội chiến nếu tất cả các bên không tôn trọng luật pháp”, tướng Prayut Chan-O-Cha, người đứng đầu quân đội Thái Lan khẳng định trong một tin nhắn gửi tới hãng tin AFP. “Quân đội sẽ làm tất cả những gì có thể vì đất nước và nhân dân…không nghiêng về một bên nào”.

Các lãnh đạo người biểu tình và chính phủ “phải chịu trách nhiệm về những tổn thất”, ông Prayut cũng khẳng định, chỉ một ngày sau khi đưa ra cảnh báo hiếm hoi trên truyền hình rằng Thái Lan có nguy cơ “sụp đổ”, trừ khi tình hình được hạ nhiệt.

Đến nay chính phủ Thái Lan vẫn cáo buộc phe biểu tình đối lập tìm cách kích động để quân đội tiến hành đảo chính. Từ năm 1932, nước này đã chứng kiến 18 cuộc đảo chính thành công hoặc âm mưu đảo chính, nhưng đến nay, quân đội vẫn hầu như đứng ngoài cuộc.

 

Phe biểu tình tại Thái Lan đang muốn lật đổ chính phủ
Phe biểu tình tại Thái Lan đang muốn lật đổ chính phủ

Kể từ sau cuộc đảo chính đẫm máu của quân đội năm 2006, khiến anh trai của bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra phải ra đi, Thái Lan đã luôn trong tình trạng chia rẽ sâu sắc với những bất ổn chính trị.

Vụ bạo lực đẫm máu gần đây nhất là khi hơn 90 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình của phe “Áo đỏ”, ủng hộ gia đình Thaksin năm 2010.

Hiện lo ngại về bạo lực tái diễn đang gia tăng, với khả năng phe “Áo đỏ” trở lại đường phố Bangkok để bảo vệ chính phủ. Điều đó cũng có nghĩa là nguy cơ đụng độ giữa hai phe biểu tình ngày càng dễ xảy ra.

Trong ngày hôm qua, súng lại nổ gần một khu tập trung của người biểu tình tại một công viên ở Bangkok. Các quan chức địa phương cho biết hai người đã bị thương nhẹ.

Phe “Áo đỏ” tập trung lực lượng

Những người “Áo đỏ”, bao gồm chủ yếu người dân từ các vùng nông thôn phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan, kể từ tháng 11 năm ngoái vẫn chưa tham gia các cuộc tuần thành tại Bangkok, sau khi một số người thiệt mạng do đụng độ bùng phát gần một sân vận động. Nhưng những ngày qua, họ đã đưa ra những cảnh báo, trong bối cảnh bà Yingluck ngày càng chịu áp lực.

 

Các vụ bạo lực năm 2010 từng khiến hơn 90 người thiệt mạng
Các vụ bạo lực năm 2010 từng khiến hơn 90 người thiệt mạng

“Chúng ta phải sẵn sàng tới Bangkok trong vòng 24 giờ vì một mục đích…bảo vệ nền dân chủ”, lãnh đạo cấp cao phe Áo đỏ Nattawut Saikuar phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba. Cuối tuần này, những người Áo đỏ sẽ có cuộc tuần hành tại khu vực Đông Bắc để biểu dương lực lượng, ông Nattawut cho biết thêm.

Bà Yingluck đã được một ủy ban chống tham nhũng triệu tập tới để nghe các cáo buộc chống lại mình trong ngày thứ Năm, một động thái có thể khiến bà bị bãi nhiệm. Nhưng đến nay vẫn chưa rõ bà có trực tiếp tham dự phiên điều trần hay không.

Phe đối lập cho rằng, gia đình Shinawatra và các đồng minh, những người luôn đắc cử suốt hơn một thập niên qua, đã dung túng cho nạn tham nhũng lan tràn, và sử dụng tiền thuế của dân để “mua” lòng trung thành của cử tri tại nông thôn.

Người biểu tình thì cáo buộc ông Thaksin vẫn thao túng đất nước từ nước ngoài trong khi sống lưu vong, để tránh bị xét xử vì tội tham nhũng.

Đến nay vẫn không ai nhận trách nhiệm về hàng loạt vụ việc bạo lực, mà đôi khi có sự xuất hiện của những tay súng bịt mặt, mang theo vũ khí bán tự động. Các cơ quan chức năng và người biểu tình vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về các vụ tấn công.

Chủ nhận vừa qua, một bé trai 4 tuổi và chị gái 6 tuổi của em đã thiệt mạng khi một quả lựu đạn được ném vào một khu biểu tình, tại trung tâm Bangkok. Trước đó, một bé gái 5 tuổi cũng bị bắn chết trong một cuộc tuần hành tại miền Đông Thái Lan.

Thanh Tùng
Theo AFP

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *