Quốc tế 19/03/2014 18:10

Khó khăn chồng chất với hãng hàng không Malaysia

Trước khi chuyến bay MH370 chở theo 229 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn mất tích một cách bí ẩn trên vùng biển giữa Malaysia và Việt Nam hôm 8/3, Malaysia Airlines là một trong những hãng hàng không an toàn nhất thế giới.

 


Tuy nhiên, hãng hàng không này lại đang phải vật lộn với vô vàn khó khăn sau ba năm thua lỗ liên tiếp. Nhiều người lo ngại vụ máy bay mất tích có thể làm suy giảm lòng tin của hành khách vào hãng hàng không này, làm giảm doanh thu và tăng chi phí hoạt động, đẩy Malaysia Airlines vào tình thế khốn khó hơn.

Quá khứ vàng son

Câu chuyện về thời vàng son của Malaysia Airlines bắt đầu cách đây sáu thập niên trước. Vào ngày 12/10/1937, Malayan Airways Limited (MAL) được thành lập trên cơ sở sáng kiến chung của ba công ty vận tải gồm Ocean Steamship Company of Liverpool, the Straits Steamship of Singapore và Imperial Airways về một dịch vụ hàng không nối bang Penang và Singapore.

Tuy nhiên, phải đến ngày 2/4/1947, MAL mới thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên với tư cách hãng hàng không quốc gia.

Sau khi Liên bang của Malaya được thành lập vào năm 1963, MAL đổi tên thành Malaysian Airlines Limited. Không lâu đó, hãng hàng không Borneo Airways được sát nhập vào MAL.

Trong 20 năm đó, MAL đã phát triển trở thành một công ty với 2.400 nhân viên và một đội bay gồm máy bay phản lực Comet IV thuộc thế hệ mới nhất ở thời điểm đó, 6 chiếc F27, 8 chiếc DC và 2 chiếc Pioneers.

Năm 1965, sau khi Singapore tách ra khỏi Liên bang của Malaya, MAL được đổi tên thành Malaysia-Singapore Airlines (MSA) và trở thành hãng hàng không quốc gia chung của cả Singapore và Malaysia.

Tuy nhiên, năm 1972, các đối tác trong MAL đã tách ra. Malaysia thành lập hãng hàng không Malaysian Airline Limited (sau đó được đổi tên thành Malaysian Airline System) và bắt đầu thực hiện các chuyến bay từ ngày 1/10/1972. Sau đó, hãng hàng không hàng đầu của Malaysia lại tiếp tục được đổi tên thành Malaysia Airlines.

Đến tháng 2/2013, Malaysia Airlines đã trở thành thành viên đầy đủ của liên minh hàng không lớn thứ ba thế giới Oneworld. Theo hãng tin Reuters, hãng hàng không này hiện có đội bay gồm 88 chiếc máy bay, trong đó có nhiều máy bay hiện đại như Airbus A380 hay Boeing 777-200.

Cho đến trước khi chiếc Boeing 777-200ER của hãng hàng không này mất tích hôm 8/3, Malaysia Airlines vẫn được coi là một trong những hãng hàng không tốt nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cả về mặt an toàn lẫn chất lượng dịch vụ.

Vụ tai nạn chết người gần đây nhất liên quan tới một máy bay của Malaysia Airlines xảy ra hồi tháng 9/1995 sau khi chiếc Fokker 50 bị rơi trên đường tới Tawau, một thị trấn thuộc bang Sabah, phía Đông Malaysia. Vụ tai nạn này đã khiến 34 người chết.

Trước đó, năm 1977, một chiếc Boeing 737-200 của Malaysia Airlines đã gặp nạn ở bang Johor, khiến 100 người bị chết. Đó là vụ tai nạn có nhiều người chết nhất liên quan tới một máy bay của Malaysia cho đến thời điểm này.

Chỉ trong 10 năm qua, Malaysia Airlines đã nhận hơn 100 giải thưởng, trong đó có nhiều giải thưởng danh giá như Đội bay Tốt nhất Thế giới (trong các năm từ 2001–2004, 2007, 2009, 2012); Hãng hàng không 5 sao (2005–2007, 2009, 2012); Hãng hàng không hàng đầu thế giới đến châu Á (2010 và 2011); Hãng hàng không hàng đầu châu Á (2010, 2011).

"Đã nghèo còn eo"

Trước chuyến bay định mệnh MH370 xảy ra, Malaysia Airlines đang đối mặt với nhiều khó khăn do sự cạnh tranh quyết liệt của hãng hàng không giá rẻ AirAsia ở thị trường trong nước và với các hãng hàng không khác trong khu vực như Emirates Airlines và Cathay Pacific trên các đường bay quốc tế.

Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến hãng hàng không này liên tục không có lãi trong ba năm qua.

Trong báo cáo công bố hồi giữa tháng 2/2014, Malaysia Airlines cho biết trong quý 4/2013, hãng bị lỗ ròng 343,4 triệu Ringgit (104,23 triệu USD). Đây là quý thứ tư liên tiếp hãng này bị lỗ.

Tính chung cả năm 2013, hãng bị lỗ tới 1,17 tỷ Ringgit, gấp gần ba lần so với số lỗ 433 triệu Ringgit của năm 2012. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí tài chính tăng gần gấp đôi và đồng bản tệ của Malaysia lại giảm giá so với đồng bạc xanh của Mỹ, đồng thời hệ số sử dụng công suất tăng làm tăng chi phí nhiên liệu.

Trong thông báo gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Kuala Lumpur, hãng này nhấn mạnh: “Bước vào năm 2014, Malaysia Airlines cho rằng môi trường kinh tế vẫn đầy thách thức do giá nhiên liệu cao, sự biến động của tỷ giá hối đoái và sự cạnh tranh quyết liệt.”

Để thoát khỏi tình trạng thua lỗ, ngoài việc cắt giảm một số đường bay không hiệu quả như các đường bay tới Cape Town và Buenos Aires, theo hãng tin Reuters, Malaysia Airlines đã đệ trình lên chính phủ Malaysia một kế hoạch đặt mua tới 100 chiếc máy bay chở khách thuộc hai thương hiệu hàng đầu thế giới hiện nay là Airbus và Boeing.

Malaysia Airlines hy vọng việc đặt mua số máy bay mới này sẽ giúp giảm chi phí hoạt động của hãng bởi bằng cách này sẽ giúp hãng loại bỏ những chiếc máy bay cũ, tốn nhiên liệu. Bên cạnh đó, những chiếc máy bay hiện đại đó có thể giúp hãng chở nhiều khách hơn trên mỗi chuyến bay và mở rộng mạng lưới bay tới những điểm đến khác, qua đó giúp tăng doanh thu.

Theo kế hoạch trên, ban đầu, Malaysia Airlines sẽ đặt mua khoảng 30 chiếc máy bay chở khách thân lớn, trong đó có cả Airbus A330 và A350-900, để thay thế dần cho những chiếc Airbus A330 và Boeing 777-200 cũ đã hoạt động hơn 10 năm.

Bên cạnh đó, hãng có thể sẽ đặt mua máy bay Boeing 787-10 hoặc Airbus A350-1000 để bổ sung cho đội bay sau năm 2020. Ngoài ra, Malaysia Airlines, vốn đang sử dụng các máy bay Boeing 737-800 cho các đường bay ngắn và trong khu vực, cũng sẽ đặt mua Boeing 737 Max.

Mặc dù vậy, kế hoạch trên có nguy cơ không trở thành hiện thực sau vụ mất tích của chiếc Boeing 777-200ER hôm 8/3. Ngay sau khi thông tin trên về vụ mất tích xuất hiện, trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần này vào ngày 10/3, cổ phiếu của Malaysia Airlines đã rớt giá mạnh.

Vào đầu phiên buổi sáng của ngày 10/3, giá cổ phiếu của hãng chỉ còn 0,21 Ringgit, thấp hơn 16% so với giá đóng cửa tuần trước đó. Điều này khiến giá trị vốn hóa thị trường của hãng giảm hơn 100 triệu USD. Rất may là sau đó, giá cổ phiếu của hãng đã phục hồi trở lại và đóng cửa phiên giao dịch với mức giảm khiêm tốn 4%.

Điều khiến nhiều người lo ngại không chỉ là những thiệt hại do vụ máy bay mất tích gây ra cho Malaysia Airlines, bao gồm giá trị của chiếc máy bay và số tiền mà hãng hàng không này phải trả cho gia đình của các nạn nhân. Vấn đề quan trọng nhất là vụ mất tích này có thể ảnh hưởng tới tâm lý của các hành khách đang sử dụng dịch vụ cũng như nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của hãng này.

“Tôi cho rằng nó (vụ máy bay mất tích) sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của hành khách,” chuyên gia Daniel Wong của Ngân hàng Đầu tư Hong Leong, nói. “Người ta sẽ rất thận trọng trước thương hiệu Malaysia Airlines và có thể sẽ chuyển sang sử dụng các hãng hàng không khác.”

Theo chuyên gia Wong, điều đó có thể sẽ buộc Malaysia Airlines phải giảm giá vé hoặc thực hiện nhiều biện pháp khuyến mại khác trong năm tới cho đến khi ký ức về vụ mất tích này phai nhạt dần trong trí nhớ của các khách hàng. Điều này có thể sẽ làm giảm doanh thu cũng như lợi nhuận của hãng.

Mặc dù vậy, vẫn có không ít người tin rằng Malaysia Airlines có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay nhờ uy tín là một trong những hãng hàng không an toàn nhất hiện nay.

Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại bằng đường không tới Malaysia có thể sẽ không giảm. Tập đoàn Citigroup ước tính số lượng khách du lịch tới Malaysia sẽ đạt con số 26 triệu trong năm 2014 nhờ sự kết hợp giữa kinh doanh và nghỉ dưỡng. Đây có thể là nhân tố hỗ trợ cho Malaysia Airlines trong thời điểm khó khăn này.

Theo ngân hàng Maybank của Malaysia, cổ phiếu của các hãng hàng không khác như Asiana, Air France hay Singapore Airlines đều đã giảm từ 7-20% trong tháng đầu tiên sau các vụ tai nạn máy bay.

Tuy nhiên, chỉ trong sáu tháng sau đó, giá cổ phiếu của cả Air France và Asiana đều gần như phục hồi lại mức giá trước vụ tai nạn. Chỉ có cổ phiếu của Singapore Airlines sau sáu tháng là vẫn đứng ở mức thấp hơn gần 20% so với mức giá trước vụ tai nạn.

Tại thời điểm hiện nay, chắc chắn ban lãnh đạo Malaysia Airlines đang hy vọng điều kỳ diệu với Air France và Asiana sẽ xảy ra với hãng hàng không của mình./.

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *