Quốc tế 19/09/2014 08:53

Hé lộ về nguồn tiền “mafia” khổng lồ của IS

Nhóm IS kiểm soát một khu vực rộng lớn ở Syria và Iraq, cho phép chúng thu tiền từ hoạt động ăn chặn, bắt cóc, buôn lậu cả dầu lửa và đồ cổ.

Các chuyên gia cho rằng chính phủ phương Tây đang đối mặt với một cuộc chiến cô vùng khó khăn khi ngăn chặn nguồn tài chính của nhóm khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS), bởi IS hoạt động giống như “mafia” bên trong lãnh thổ chúng kiểm soát ở Syria và Iraq.
 
Hoạt động giống mafia
 

Hoạt động giống mafia

Các nhà phân tích cho biết, không giống như mạng lưới khủng bố al-Qaeda, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tài trợ cá nhân, nhóm IS kiểm soát một khu vực rộng lớn ở Syria và Iraq, cho phép chúng thu tiền từ hoạt động ăn chặn, bắt cóc, buôn lậu cả dầu lửa và đồ cổ.

Theo Evan Jendruck, nhà phân tích của cơ quan tư vấn quân sự IHS Jane’s, chính vì vậy mà nguồn tài chính của nhóm này rất khó có thể trở thành mục tiêu bị phương Tây trừng phạt như đối với nguồn tài chính của al-Qaeda.

Ông cho rằng, việc trừng phạt hơn 160 nước cuối cùng đã giới hạn thành công khả năng chuyển tiền cho al-Qaeda qua các tổ chức nhân đạo, ngân hàng. Tuy nhiên, IS có nguồn tiền riêng ở các khu vực nằm dưới bàn tay kiểm soát của chúng.

“Mặc dù một số biện pháp trừng phạt mạnh mẽ có thể giới hạn đôi chút dòng tiền chảy vào IS từ bên ngoài Iraq và Syria, nhưng dòng tiền từ chính bên trong nhóm này, trong khu vực chúng kiểm soát, như các giếng dầu, các mạng lưới tội phạm, buôn lậu, rất khó có thể phanh phui”, Jendruck cho biết với hãng tin Pháp AFP.

Thậm chí, có ước tính còn cho rằng IS là nhóm cực đoan giàu nhất thế giới, mỗi ngày thu về ít nhất 1 triệu đô la Mỹ. Giới chức Mỹ cũng thừa nhận nhóm này có rất nhiều tiền mặt và đang không ngừng tìm cách bảo vệ khoản tiền này.

Một quan chức tình báo Mỹ giấu tên cho rằng, nhóm này “được rót đầy tiền mặt từ một loạt các hoạt động phi pháp như ăn chặn, bắt cóc, cướp bóc”.

Nhóm này “bóp nghẹt các doanh nghiệp địa phương một cách không thương tiếc để lấy tiền và thường bắt các lái xe trên các tuyến đường chúng kiểm soát phải trả thuế”, quan chức này cho hay. “Hoạt động thu tiền của chúng giống với một băng nhóm mafia.”

Ngoài ra, IS được cho là đã thu về rất nhiều triệu đô la từ tiền chuộc của một số chính phủ châu Âu sau khi bắt cóc nhiều phóng viên làm con tin, bất chấp Washington luôn kêu gọi không nên trả tiền cho chúng.

Mặc dù IS có rất nhiều tiền mặt, nhưng các chuyên gia nhận định thông tin nhóm này đang nắm giữ hàng trăm triệu đô la trong các ngân hàng ở Mosul, Iraq, là không đúng và bị phóng đại.

Mạng lưới buôn lậu dầu

Nguồn thu nhập quan trọng nhất của IS đến từ ước tính 11 giếng dầu mà chúng chiếm ở miền đông Syria và miền bắc Iraq, cho phép chúng bán dầu thô với giá rẻ để lấy tiền mặt hoặc sản phẩm xăng dầu ở các nước láng giềng.

Theo Luay al-Khatteeb, Trung tâm Brookings Doha, tiền từ bán dầu có thể lên tới 2 triệu USD/ngày.

Khatteeb cho hay sau khi được khai thác, dầu được xử lý sơ, rồi đưa lên xe tải hoặc tàu hoặc dùng la để chuyển tới Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Jordan và được bán với giá rẻ, khoảng 25 đến 60 USD/thùng thay vì bán với giá 100 USD theo giá thế giới.

Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố sẽ siết chặt nguồn tiền thu từ buôn lậu dầu, ăn chặn và các hoạt động tội phạm khác của IS. Tuy nhiên, cơ quan này không cho biết rõ cách xử lý của họ như thế nào.

Kể từ năm 2003, Washington đã áp đặt trừng phạt đối với hơn 20 người có liên hệ với IS hoặc tổ chức tiền nhiệm của nhóm này, al-Qaeda ở Iraq. Và theo David Cohen, trợ lý về tình báo khủng bố và tài chính của Bộ tài chính Mỹ, trong những tháng vừa qua, Mỹ thêm 2 cái tên nữa vào danh sách đen.

Tuần trước ông Cohen cũng cho hay, Washington hi vọng sẽ cắt đường tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế của IS.

Nhưng vẫn chưa rõ liệu các quốc gia vùng Vịnh có ủng hộ hoàn toàn nỗ lực này hay không. Qatar và Kuwait đã bị cáo buộc là cho phép tiền được rót cho IS, mặc dù chính phủ của cả hai nước đều phủ nhận.

IS sẽ suy yếu khi bị mất đất

Theo Howard Shatz, một nhà kinh tế học cấp cao tại cơ quan nghiên cứu RAND Corporation, do IS không phụ thuộc vào các nguồn tài trợ, nên trừng phạt về tài chính sẽ không có tác dụng ngăn chặn được dòng tiền rót cho nhóm này.

Ông cho hay việc bán lậu dầu chỉ có thể bị giới hạn nếu Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan thắt chặt biên giới hoặc kẻ trung gian cho hoạt động buôn lậu bị vạch mặt.

Song ông khẳng định IS không thể không bị đánh bại và trước đây IS từng rơi vào khủng hoảng.

Nhóm này đã cạn tiền vào năm 2009, sau khi mất vùng đất chúng kiểm soát. Khi đó đã diễn ra cuộc nổi dậy của các bộ lạc người Sunni và cuộc tấn công của lực lượng Iraq, Mỹ, khiến các lãnh đạo cấp cao của chúng bị tiêu diệt. Vì vậy Shatz nhận định, tiêu diệt IS là giành lại các vùng đất chúng đang kiểm soát.

 

Trung Anh
Theo AFP

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *