Quốc tế 06/11/2013 10:59

Hai nền kinh tế lớn nhất châu Á định tăng - giảm bơm tiền

FICA - Trong khi Thủ tướng Trung Quốc cảnh báo phải giữ nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ thì Nhật Bản đang có kế hoạch giảm dần chương trình này.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cảnh báo nước này cần phải duy trì tăng trưởng kinh tế là 7,2 %/năm để đảm bảo một thị trường việc làm ổn định bởi với mức tăng trưởng này, sẽ tạo ra 10 triệu việc làm mỗi năm, làm giảm mức thất nghiệp ở thành thị. Đây là lời cảnh báo cho chính phủ nước này nếu chống lại chính sách nới lỏng tiền tệ.

Lời cảnh báo này của Thủ tướng Lý Khắc Cường được công bố chỉ vài ngày trước khi Hội nghị trung ương Đảng cộng sản được khai mạc nhằm thiết lập các chính sách mới.
 
Mặc dù hiện cung tiền của Trung Quốc đạt ngưỡng rất cao, việc in thêm tiền có thể dẫn đến lạm phát. Tính đến cuối tháng 3 năm nay, cung tiền M2 của Trung Quốc đã vượt quá 100 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 16,4 nghìn tỷ USD), khoảng gấp đôi GDP. Tỷ lệ lạm phát tiêu dùng hàng năm của Trung Quốc lên mức 3,1% trong tháng 9 - mức cao nhất trong 7 tháng do thời tiết xấu, giá lương thực tăng.

Tuy nhiên, theo ông Cường nhấn mạnh mức tăng trưởng trong khoảng 7 - 7,5% là ổn định về lâu dài cho kinh tế Trung Quốc. Trong tháng 9 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp thành thị của Trung Quốc giảm xuống 4% từ 4,1% so với 3 tháng trước đó. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà phân tích, con số này còn cao hơn.

Nới lỏng tiền tệ được kì vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu còn đang yếu của Trung Quốc và dẫn đến tạo ra nhiều việc làm. Xuất khẩu có thể tạo ra trực tiếp khoảng 30 triệu việc làm và 70 triệu việc làm khác từ các ngành công nghiệp liên quan, theo thủ tướng.

Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng mong đợt các cải cách về tài chính và chính phủ trong cuộc họp trung ương lần thứ 3 sắp tới của nước này.

Trong khi đó, trong một thông báo mới đây, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) có kế hoạch sẽ thảo luận về việc cắt giảm nới lỏng tiền tệ.

Mặc dù vậy, chắc chắn việc cắt giảm này sẽ không xảy ra trong ngắn hạn. Nguyên nhân vì kinh tế Nhật Bản còn khá xa mới với mục tiêu lạm phát 2% trong vòng 2 năm và chính sách nới lỏng này cũng đang giúp kinh tế nước này thoát khỏi 15 năm giảm phát.

Trong tháng 4, BOJ đã đưa ra chương trình nới lỏng tiền tệ nhằm chấm dứt giảm phát và đạt tỷ lệ lạm phát 2% trong 2 năm. Cụ thể, BOJ quyết định tăng cung tiền theo tốc độ bơm thêm 60 - 70 nghìn tỷ yên mỗi năm.

Lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản hoan nghênh chính sách này do khiến đồng yên giảm giá so với các ngoại tệ mạnh khác, làm tăng giá trị doanh thu kiếm được từ nước ngoài sau khi chuyển từ ngoại tệ trở lại thành nội tệ, cũng kéo theo thúc đẩy xuất khẩu nước này.

Chính sách bước đầu có hiệu quả khi chỉ số giá tiêu dùng đã tăng lên 0,7% trong tháng 9.


Quỳnh Hoa

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *