Quốc tế 24/05/2021 08:29

Giá quặng sắt tăng phi mã, tiền Trung Quốc ồ ạt chảy sang "túi" Australia

Việc Trung Quốc ồ ạt mua quặng sắt của Australia được giới phân tích gọi là một trong những cuộc chuyển nhượng tài sản đáng kinh ngạc nhất giữa "túi tiền" của Bắc Kinh và Canberra.

Theo giới phân tích và kinh tế học, Trung Quốc đang giúp Australia trở nên giàu có hơn trong bối cảnh giá quặng sắt phá kỷ lục, đẩy thu nhập của các nhà khai thác mỏ và chính phủ lên cao. Canberra có khả năng đã thu về thêm 37 tỷ đôla Australia (28,75 tỷ USD) trong năm qua do giá quặng sắt tăng vọt, vượt mức 230 USD/tấn trong tuần trước và phá kỷ lục của 10 năm trước.

Giá quặng sắt từng được bán với giá khoảng 80 USD/tấn trước khi chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch kích thích kinh tế sau đại dịch trị giá 500 tỷ USD vào tháng 5/2020. Chính điều này khiến cho nhu cầu và giá quặng đồng loạt tăng mạnh.

Giá quặng sắt tăng phi mã, tiền Trung Quốc ồ ạt chảy sang túi Australia - 1

Australia hưởng lợi từ đà tăng kỷ lục của giá quặng sắt (Ảnh minh họa: Getty).

Hiện tại, giá quặng sắt cứ tăng thêm 10 USD/tấn thì thu nhập của chính phủ Australia, gồm thuế doanh nghiệp và tiền phí bản quyền dùng tài nguyên thiên nhiên, tăng khoảng 2,5 tỷ đôla Australia đồng thời, doanh thu từ xuất khẩu hàng năm cũng tăng 11 tỷ USD, giới chuyên gia cho biết.

"Đặt những căng thẳng chính trị sang một bên thì đây là một trong những cuộc chuyển giao tài sản đáng kinh ngạc nhất giữa túi tiền của chính phủ Trung Quốc và Australia. Bộ Tài chính Australia có thể bổ sung 34 - 37 tỷ USD vào kho bạc của mình nếu giá quặng sắt duy trì trên 200 USD/tấn", Atilla Widnell - chuyên gia phân tích về quặng sắt tại Navigate Commodities - nói.

Mức tăng trong doanh thu từ quặng sắt của chính phủ Australia và các nhà khai thác mỏ đã vượt qua con số ghi nhận được trong thời kỳ bùng nổ khai thác quặng trước đó (kết thúc vào năm 2013). Bên cạnh nguyên nhân giá quặng sắt cao kỷ lục, chi phí sản xuất đối với các nhà khai thác cũng thấp hơn, trong khi Trung Quốc lại tiêu thụ với khối lượng lớn hơn, theo Widnell.

Các nhà khai thác mỏ chỉ cần giá quặng sắt vượt 50 USD/tấn là có thể hòa vốn nếu xuất khẩu 2/3 sản lượng qua đường biển, ông Erik Hedborg, chuyên gia phân tích về thép và quặng sắt tại CRU Group, chia sẻ. Một số doanh nghiệp thậm chí có thể xuất khẩu quặng sắt với giá rẻ hơn, ở 30 USD/tấn, mà vẫn thu về được mức lợi nhuận cao là 180 USD/tấn, theo tính toán của Widnell.

Bất chấp những mâu thuẫn gay gắt trong năm qua khiến Trung Quốc chặn nhiều mặt hàng xuất khẩu của Australia như than và rượu vang, hoạt động thương mại giữa hai nước vẫn không bị ảnh hưởng. Xuất khẩu quặng sắt từ Australia sang Trung Quốc tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu vật liệu thô để sản xuất thép tăng khi chính phủ thúc đẩy các dự án bất động sản và hạ tầng. Australia vẫn đang là nhà xuất khẩu quặng sắt lớn nhất sang Trung Quốc với thị phần khoảng 60%.

Hiện tại, giá quặng sắt tại châu Á đã hạ nhiệt, giảm phiên thứ 3 liên tiếp tính đến ngày 21/5 sau khi chính phủ Trung Quốc đưa ra loạt biện pháp kiềm chế đà tăng trong nhu cầu và giá quặng.

Giá quặng giao tháng 9 trên Sở giao dịch Hàng hóa Đại Liên giảm 3,4% xuống 1.096,5 Nhân dân tệ/tấn (170,28 USD/tấn) và giảm 5,4% trong cả tuần này. Đây là tuần giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 3. Giá quặng giao tháng 6 trên Sở giao dịch Hàng hóa Singapore cũng giảm 4,8% xuống 191,3 USD/tấn vào lúc 14h30 chiều cùng ngày.

Kim Dung
Theo SCMP, Reuters

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *