Quốc tế 23/05/2014 10:22

Gazprom chịu thiệt khi ký hợp đồng khí đốt với Trung Quốc

Hợp đồng khí đốt giữa Nga và Trung Quốc có thể tốt cho Nga nhưng chưa chắc đã có lợi cho Tập đoàn Gazprom.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa thúc đẩy thành công hợp đồng “mang tính lịch sử” trị giá 400 tỷ USD giữa Tập đoàn Năng lượng quốc doanh Nga Gazprom và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) kéo dài trong vòng 30 năm. Thỏa thuận này là một bước tiến lớn với Tổng thống Putin, cho thấy ông có thể xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế lớn nhất châu Á này trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine khiến quan hệ giữa Nga với các nước phương Tây đang dần xấu đi.

 

Tuy nhiên, những lợi ích đối với Gazprom lại chưa có gì rõ ràng. Các nhà phân tích tại Renaissance Capital cho biết, hợp đồng cung cấp khí đốt có thể không đề cập đến chi phí xây dựng đường ống đến Trung Quốc và phát triển các mỏ khí ở phía đông Siberia. Dự án này có thể “ngốn” khá nhiều tiền trong các khoản chi ngân sách vốn đã rất lớn của Gazprom.

 

“Chỉ tính riêng cho phí xây đường ống dẫn khí đã rất tốn kém rồi. Khoản chi này sẽ khiến dòng tiền tự do của Gazprom xuống mức âm trong trung hạn, làm hạn chế khả năng tăng cổ tức của hãng”, Ildar Davletshin, nhà phân tích tại Renaissance Capital cho biết.

 

Bản thỏa thuận khí đốt đã được ký kết sau hơn 10 năm đàm phán giữa Nga và Trung Quốc. Việc bán khí đốt cho Trung Quốc sẽ làm tăng doanh thu từ thuế cho Nga, do có tới 50% thu nhập của chính phủ nước này đến từ ngành công nghiệp dầu khí.

 

Tuy các điều khoản thương mại chính xác trong hợp đồng giữa Gazprom và CNPC không được công bố, Oleg Maximov, nhà phân tích tại Sberbank CIB cho biết Gazprom từng đề nghị giá 350 - 380 USD/1.000 m3

 

Mức giá này thấp hơn một chút so với giá đang bán cho Liên minh châu Âu. Trong khi đó, chi phí hoạt động kinh doanh với EU lại rẻ hơn do đã có đường ống dẫn dầu tại Tây Siberia từ 40 năm trước.

 

“Cho dù 350 USD hay 380 USD thì đều không thực sự quan trọng. Mức giá này cho thấy Gazprom sẽ có lợi nhuận rất thấp”, ông Oleg nhận định.

 

Một số nhà phân tích lại tỏ ra lạc quan rằng hợp đồng khí đốt với Trung Quốc là cơ hội tốt cho Gazprom để tăng doanh thu và khách hàng. Năm ngoái, doanh thu của hãng này đạt 165 tỷ USD.

 

Các nhà phân tích tại Sanford C. Bernstein & Co. cho biết: “Ký kết thỏa thuận với Trung Quốc sẽ đem lại tác động tích cực cho Gazprom trong dài hạn, cho dù chi tiết giá cả không được công bố. Thực chất, họ đang mua sự đa dạng hóa”.

 

Chi phí vốn trong năm ngoái của Gazprom là 43,9 tỷ USD, chỉ xếp sau Công ty Petro Brasileiro của Brazil và CNPC của Trung Quốc trong nhóm các công ty dầu khí lớn trên thế giới, theo số liệu của Bloomberg. Việc phát triển đường ống dẫn dầu tới Trung Quốc sẽ cần khoảng 55 tỷ USD trước khi Gazprom có thể chính thức giao hàng trong vòng từ 4-6 năm nữa, ông Putin cho biết.

 

Các nhà phân tích tại Ngân hàng VTB Capital (Nga) thì nhận định gánh nặng tài chính của Gazprom lớn cỡ nào sẽ còn tùy thuộc vào việc Trung Quốc trả trước bao nhiêu tiền mua khí đốt để hỗ trợ chi phí xây dựng. Trả trước là việc rất hữu ích. Trung Quốc có lẽ sẽ đưa trước cho Gazprom 25 tỷ USD", ngân hàng này dự đoán.

 

Cũng trong ngày hôm qua, một nguồn tin của Tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom cho biết, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) sẽ trả trước 25 tỷ USD cho Gazprom nhằm xây dựng đường ống dẫn khí Sila Sibiri theo thỏa thuận cung cấp khí đốt giữa hai quốc gia.

 

Theo Thùy Anh

Bloomberg/VOV

Chủ đề: thuế GTGT 5% Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *