Quốc tế 13/06/2015 15:30

Euro giảm giá vì vấn đề Hy Lạp

Đồng euro giảm giá so với hầu hết các loại tiền tệ chủ chốt trong phiên giao dịch chiều ngày 12-6 tại thị trường châu Á, trước thông tin cuộc đàm phán nợ giữa Hy Lạp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) rơi vào bế tắc, phái đoàn IMF bất ngờ rút khỏi đàm phán do có quá nhiều bất đồng.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), 1 euro đổi được 1,1229 đô la Mỹ và 138,63 yen – giảm so với mức 1,1260 đô la Mỹ/euro và 139 yen/euro trong phiên giao dịch trước đó.

Các cuộc đàm phán không giúp thu hẹp sự khác biệt giữa Hy Lạp với các chủ nợ quốc tế khiến khả năng đạt thỏa thuận để được giải ngân 7,2 tỉ euro còn lại trong gói cứu trợ trị giá 240 tỉ euro dành cho Hy Lạp để nước này tránh tình trạng vỡ nợ và không phải rời khỏi khu vực đồng euro (eurozone), trở nên xa vời.

Phái đoàn IMF đã rời khỏi cuộc thương lượng ngày 12-6 ở Brussels (Bỉ) “vì những bất đồng quá lớn với Hy Lạp”.

Trong khi đó, EU cảnh báo Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nên chấm dứt việc đặt cược bằng tương lai của Hy Lạp và đưa ra những quyết định cần thiết để ngăn chặn kịch bản vỡ nợ khi phải trả 1,6 tỉ euro đáo hạn cho IMF vào cuối tháng 6-2015. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết: “Chúng tôi cần quyết định chứ không phải tiếp tục thương lượng vào lúc này. Theo tôi, chính phủ Hy Lạp cần thực tế hơn. Không có chỗ và thời gian cho việc đánh cược nữa”.

Trước đó vào ngày 11-6, khoảng 10.000 công nhân, học sinh và người hưởng lương hưu tại thủ đô Athens, Hy Lạp, đã xuống đường biểu tình vì lo ngại chính phủ Hy Lạp khuất phục trước các chủ nợ, gạt đi lời hứa lúc tranh cử và đưa ra những chính sách khắc khổ mới để đổi lấy khoản giải ngân 7,2 tỉ euro.

Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ dành cho chính phủ cánh tả của Thủ tướng Tsipras lần đầu tiên giảm xuống dưới 50%.

Standard & Poor's hạ triển vọng kinh tế Anh xuống "tiêu cực"

Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard and Poor's (S&P) ngày 12-6 hạ triển vọng kinh tế Anh từ "ổn định" xuống "tiêu cực" liên quan đến kế hoạch trưng cầu ý dân về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Anh trước cuối năm 2017.

S&P nói cuộc trưng cầu ý dân nói trên "gây rủi ro tới các triển vọng tăng trưởng" cho nền kinh tế Anh.

Theo Phúc Minh

Saigontimes

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *