Quốc tế 06/02/2014 13:27

Dòng tiền "nóng” trên thế giới đang nguội dần

FICA - Theo ADB, các giao dịch “tiền nóng” đã thúc đẩy các nhà đầu cơ đầu tư nhiều hơn và thế giới có khả năng phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng tài chính khác.



Trên Phố Wall, “tiền nóng” được dùng để ám chỉ dòng tiền liên tục đổ về một đất nước nhằm hưởng lợi từ mức lãi suất thấp và do đó nhà đầu tư sẽ nhận được một tỷ suất sinh lợi cao hơn. Tuy nhiên thực tế, dòng tiền "nóng” thế giới đang “nguội” dần.


“Tiền nóng” phần lớn là những dòng tiền USD (Mỹ) lãi suất thấp. Các nhà đầu tư ồ ạt vay vốn bằng USD này để đầu tư vào các loại tiền tệ có lãi suất cao hơn trên toàn cầu. Kiểu hoạt động “carry trade” này đã giúp các nhà đầu tư trên toàn thế giới làm ăn rất phát đạt. Cùng với đó, khối lượng tài sản rủi ro cũng tăng lên, chủ yếu do việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed).


Tuy nhiên, sau khi Fed cắt giảm gói cứu trợ QE3 từ 85 tỷ USD/tháng xuống 65 tỷ USD/tháng, các nhà đầu tư đang phải chuẩn bị tinh thần với việc lãi suất đồng USD tăng, đồng nghĩa với việc dòng tiền bất tận đổ vào các thị trường mới nổi sẽ bắt đầu giảm dần và sau đó ngừng lại hẳn.

Như một kết cục tất yếu, đầu năm 2014, thị trường chứng khoán toàn cầu đã phải chịu nhiều biến động, và các chuyên gia thị trường dự đoán làn sóng biến động này sẽ tiếp diễn.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra vào năm 2007, và khi Fed bắt đầu giảm lãi suất về mức cận 0, các nhà đầu tư thèm khát lợi nhuận đã đầu tư vào hoạt động “carry trade”, mà phổ biến nhất là với cặp tiền tệ USD –Yên Nhật.

Theo IMF, “tiền nóng” ngày càng mở rộng hơn. Bằng chứng là, các nền kinh tế mới nổi nhận thấy nguồn dự trữ ngoại hối tăng từ 1.000 tỷ USD năm 2001 lên hơn 7.700 tỷ USD.

Tuy nhiên, vào năm 2014, tình thế đã thay đổi. Các quỹ đầu tư chỉ số ETF trên thị trường mới nổi bị thua lỗ với tốc độ nhanh chóng. Dòng tiền thoái lui khỏi các quỹ ETF lên tới 19,7 tỷ USD trong năm 2014.


Các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi nằm trong danh sách những quỹ đầu tư thua lỗ nặng nhất. Hai quỹ iShares MSCI Emerging Markets và Vanguard FTSE Emerging Markets đã chịu lỗ 8,7 tỷ USD.


Trong khi đó, các nước công nghiệp phát triển trên thế giới thường cắt giảm lãi suất để ổn định kinh tế trong nước trong suốt các giai đoạn khủng hoảng, dẫn đến sự trỗi dậy của các dòng vốn đầu cơ tại các thị trường mới nổi, kéo theo hàng loạt những hậu quả như áp lực lạm phát tăng cao, hoạt động đầu cơ trên các thị trường bất động sản địa phương bùng nổ và giá cả lương thực, năng lượng leo thang. Kết quả cuối cùng là xuất hiện sự bất ổn trong các vấn đề: tiền tệ, kinh tế vĩ mô và chính trị tại các thị trường mới nổi.


Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo rằng, hoạt động carry trade và  tiền "nóng” sẽ đe dọa thị trường toàn cầu, và khuyên Fed nên tăng mức lãi suất mục tiêu lên 2% để ngăn chặn các tác động của việc lãi suất tăng nhanh và lạm phát toàn cầu.


Theo phân tích của ADB,  các giao dịch “tiền nóng” đã thúc đẩy các nhà đầu cơ đầu tư nhiều hơn và thế giới có khả năng phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng tài chính khác, trong khi các ngân hàng sẽ ngừng các giao dịch bằng đồng USD có rủi ro cao.



Nguyễn Dung
Theo CNBC

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *