Quốc tế 20/03/2014 17:57

Doanh nghiệp Nhật ngồi trên núi tiền

FICA - Doanh nghiệp Nhật đang trở nên mạnh hơn bao giờ hết trong một thập kỷ trở lại đây. Đây có thể là tín hiệu cho một làn sóng mua lại, sáp nhập ở nước ngoài.

Bloomberg dẫn số liệu của Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho biết, lượng tiền mặt của các doanh nghiệp Nhật trong 3 tháng kết thúc vào tháng 9/2013 tăng lên kỷ lục 224 nghìn tỷ yên (2,2 nghìn tỷ USD). Trong khi đó, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu trung bình đối với doanh nghiệp thuộc chỉ số chứng khoán Nikkei giảm còn 112%, tính đến nửa sau 2013, giảm so với tỷ lệ 195% cách đây 10 năm.



“Với lượng tiền mặt tích trữ sau khủng hoảng tài chính và lượng tiền gửi ngân hàng khổng lồ, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể dễ dàng tiếp cận nguồn đầu tư rẻ. Tất cả những lý do đó rõ ràng sẽ thôi thúc lãnh đạo các doanh nghiệp thực hiện các thương vụ làm ăn”, Shintaro Okuno, đối tác tại Bain & Co nhận định.


Theo giới thạo tin, Fast Retailing, chủ sở hữu chuỗi của hàng kinh doanh thời trang Uniqlo mới đây đã đàm phán mua lại J. Crew Group. Japan Tobacco, nhà sản xuất thuốc lá Camel và Winston cũng đang tìm kiếm các thương vụ đầu tư ở thị trường mới nổi, trong khi Mitsubishi UFJ Financial Group cũng tìm cơ hội mua lại ngân hàng của Mỹ.


Nhà sáng lập SoftBank, tỷ phú Masayoshi Son đang cân nhắc mua lại T-Mobile của Mỹ. Vị tỷ phú này mới đây tuyên bố sẽ khởi xướng “cuộc chiến giá cả” nếu giới điều tiết Mỹ đồng ý cho sáp nhập Sprint với SoftBank.


Kirin Holdings, công ty sản xuất bia lớn nhất Nhật Bản cũng đang tìm kiếm các thương vụ sáp nhập sau khi lượng bia tiêu thụ trong nước năm 2013 giảm 9 tháng liên tiếp. Công ty này muốn mua cổ phần trong công ty bia San Miguel.


Động thái này cho thấy doanh nghiệp Nhật sẵn sàng chi tiêu núi tiền khổng lồ của mình sau khi tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu xuống thấp nhất kể từ năm 2000. Lợi nhuận cao hơn trong khi chi phí đi vay sát mức thấp nhất từ trước đến nay cũng tạo điều kiện để họ thực hiện các thương vụ mua lại ở nước ngoài. Thương vụ lớn đầu tiên trong năm nay là Suntory Holdings hồi tháng 1 đồng ý mua công ty sản xuất rượu whiskey Beam của Mỹ với giá 16 tỷ USD.


“Doanh nghiệp Nhật Bản khao khát các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới ở Bắc Mỹ và châu Âu”, ông Mitsuzawa tại Frontier Management nhận định.

Doanh nghiệp Nhật cũng tăng cường các thương vụ mua lại ở nước ngoài nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường trong nước khi thị trường này đối mặt với tình trạng già hóa dân số.



Phương Linh
Theo Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *