Quốc tế 09/07/2018 07:26

Dân Trung Quốc lo hàng hóa Mỹ tăng giá

Nhiều người dân Trung Quốc đang lo vì hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vốn đã đắt đỏ, thì nay sẽ đắt hơn sau khi Bắc Kinh trả đũa Washington trong một cuộc chiến thương mại được dự báo sẽ còn leo thang, theo The New York Times.

Trung Quốc phản đòn bằng tất cả mọi giá

Công nhân đóng thùng các chai dầu ăn được chế biến từ đậu nành nhập khẩu từ Mỹ tại một nhà máy ở thị xã Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Cáo buộc Mỹ “ức hiếp thương mại”, hôm 6-7, Trung Quốc áp thuế đáp trả nhằm vào 545 mặt hàng của Mỹ có giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc 34 tỉ đô la Mỹ mỗi năm sau khi Mỹ chính thức áp thuế nhằm vào 34 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm. Các mặt hàng của Mỹ bị Trung Quốc trả đũa bao gồm hải sản, các loại thịt heo, bò, gà và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác cùng ô tô.

Philip Levy, học giả cao cấp ở Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu (Mỹ), nhận định: “Theo quan điểm của Trung Quốc, động thái áp thuế của Mỹ là đòn tấn công không thể chấp nhận được về mặt ngoại giao, do vậy, nước này sẽ chống lại bằng tất cả mọi giá”.

Cũng giống như trước đây, Trung Quốc tận dụng thời điểm này để tự tô vẽ nước này như là người bảo vệ trật tự thương mại toàn cầu. Các quan chức Trung Quốc gọi những lời đe dọa áp thuế hàng hóa Trung Quốc có giá xuất khẩu sang Mỹ lên đến gần 500 tỉ đô la mỗi năm là mối đe dọa cho thịnh vượng toàn cầu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 6-7: “Các hành động sai trái của Mỹ vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tấn công tính bền vững kinh tế của thế giới và cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Các hành động này sẽ gieo tai họa cho các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như người tiêu dùng trên toàn thế giới”.

Một bài xã luận trên trang web của tờ Thời Báo Hoàn Cầu viết: “Khi Mỹ dần khép vòng phong tỏa đối với Trung Quốc, nước này đã làm dấy lên sự giận dữ của xã hội Trung Quốc. Washington rõ ràng đã đánh giá thấp sức mạnh khổng lồ mà dư luận phản đối của thế giới cũng như sự trả đũa của mà Trung Quốc có thể tạo ra”.

Song truyền thông nhà nước Trung Quốc không sử dụng các từ ngữ gợi ý leo thang xung đột thương mại, chẳng hạn như tẩy chay các thương hiệu Mỹ.

Trung Quốc là một thị trường quan trọng cho nhiều thương hiệu Mỹ như Apple, Nike, Starbucks và General Motors. Các vụ tẩy chay của người tiêu dùng đã cho thấy sự hiệu quả trong các tranh chấp trước đây của Bắc Kinh với Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines.

Song việc tẩy chay hàng hóa Mỹ có thể là con dao hai lưỡi. Nhiều mặt hàng của Mỹ từ điện thoại iPhone của Apple cho đến các dòng xe Chevrolet của General Motors đang bán ở Trung Quốc nhưng phần lớn chúng cũng được sản xuất tại Trung Quốc bởi những công nhân Trung Quốc.

Người tiêu dùng chuộng hàng Mỹ lo lắng

Xe điện Model X của Tesla tại một cuộc triễn lãm ở Bắc Kinh. Ảnh: AP

Nhiều người mua sắm ở Trung Quốc đang lo lắng khi nhiều hàng hóa Mỹ tăng giá. Thịt bò Mỹ tươi và các thực phẩm nhập khẩu cao cấp khác của Mỹ trên các kệ hàng trong siêu thị, sẽ đắt đỏ hơn khi bị áp thuế 25%.

“Các thực phẩm tươi chất lượng cao của Mỹ vốn đã khá đắt, nay cộng thêm thuế, giá của chúng sẽ tăng cao hơn nữa”,  Wan Yang, một người kinh doanh hải sản, chuyên nhập khẩu cá than và cua hoàng đế (king crab) từ bang Alaska, Mỹ, nói.

Các lo ngại về sức khỏe và vệ sinh đã khiến những người mua sắm giàu có ở Trung Quốc chuộng thực phẩm nhập từ Mỹ hoặc các nước khác hơn.

“Chúng tôi mua thực phẩm nhập khẩu vì chúng tôi cảm thấy chúng an toàn cho sức khỏe hơn. Nếu có thực phẩm thay thế ở trong nước thì việc đánh thuế hàng hóa Mỹ cũng chẳng sao cả. Nhưng các sản phẩm trong nước không thể sánh kịp, vậy nên, chúng tôi đành phải chấp nhận mua hàng Mỹ với giá cao hơn”, Mike Zheng, 30 tuổi, một người dân ở Thượng Hải, nói.

Và không chỉ những người tiêu dùng Trung Quốc ăn thịt bò Mỹ mới bị hao tốn túi tiền. Dầu ăn và thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc làm từ đậu nành Mỹ cũng sẽ đắt hơn ở Trung Quốc. Đậu nành là mặt hàng nông nghiệp nhập khẩu bị tác động lớn nhất do thuế trả đũa của Bắc Kinh. Các nông dân Mỹ cung cấp 30% lượng đậu nành mà Trung Quốc nhập khẩu vào năm ngoái.

“Cung và cầu trên thị trường toàn cầu giờ đây cân bằng sít sao”, Gong Yanhai, nhà phân tích cấp cao ở công ty quản lý tài sản Huatai Asset Management ở Thượng Hải nói. Yanhai cho rằng đánh thuế đậu nành Mỹ cũng có nghĩa là Trung Quốc phải trả chi phí cao hơn để mua đậu nành từ Brazil, nơi giá đậu nành đang tăng cao trong hơn một tháng khi thị trường dự báo Trung Quốc sẽ áp thuế đậu nành Mỹ.

Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới. Ngành chăn nuôi heo của nước này dựa vào bã đậu nành để chế biến thức ăn cho heo. Giá đậu nành nhập khẩu tăng sẽ làm tăng chi phí nuôi heo và làm tăng giá thịt heo, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc.

Giá cả hàng hóa leo thang cũng có thể là một vấn đề khiến giới lãnh đạo Trung Quốc lo lắng. Lạm phát là một chỉ số kinh tế luôn được quan tâm thường trực và cao độ. Trước đây, giá cả hàng hóa gia tăng ở Trung Quốc đã dẫn đến nguy cơ bất ổn chính trị. Do vậy, chính phủ Trung Quốc phải sử dụng các biện pháp khống chế giá và trợ giá để kiềm chế lạm phát nhưng khi Bắc Kinh áp thuế hàng hóa Mỹ, các nỗ lực này có thể tốn kém hơn.

Những khách hàng Trung Quốc chuộng xe điện của hãng Tesla (Mỹ) sẽ méo mặt khi phải trả cao hơn để sở hữu một chiếc Model S hay Model X. Trung Quốc vốn đã áp thuế 15-25% đối với đa số các ô tô nhập khẩu từ nước ngoài, cộng với mức thuế trả đũa 25% nữa, điều này có nghĩa tổng thuế nhập khẩu áp cho xe Mỹ lên đến 40-50%.

Charlia Lin, 25 tuổi, một người làm trong lĩnh vực bất động sản ở Thượng Hải đang xem xét mua xe điện của Tesla, nói: “Chiến tranh thương mại sẽ không kéo dài mãi mãi. Trung Quốc và Mỹ chắc chắc sẽ tìm ra phương hướng giải quyết bất đồng thương mại. Rốt cuộc, một cuộc chiến không hồi kết sẽ gây thiệt hại cho cả hai nước. Áp thuế chỉ là biện pháp tạm thời. Trung Quốc phải chấp nhận thách thức này. Chúng tôi có đủ sức bền để chống trả”.

Theo Lê Linh
TBKTSG

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *