Quốc tế 28/12/2014 08:31

Cuộc chiến giá dầu: Khi OPEC bị Nga chiếu bí

Trong những ngày cuối cùng của năm 2014, cuộc chiến giá dầu trên thị trường dầu mỏ thế giới có vẻ đang diễn biến phức tạp và gay cấn nhất

cuoc chien gia dau

Ngay sau khi Nga bắt đầu có những dấu hiệu chấn chỉnh, ổn định lại được nền kinh tế và đẩy lùi cuộc khủng hoảng thì đến lượt đối thủ sừng sỏ nhất của nước này là OPEC gặp hạn. 

 

Cuộc chiến vốn dĩ OPEC luôn nắm ưu thế và luôn giữ thế chủ động từ đầu đến giờ đang xoay chuyển theo một tình thế khó lường nhất, báo hiệu sẽ còn kịch tính và hấp dẫn hơn rất nhiều.

 

Quả thực, cuộc chiến giá dầu giữa OPEC, Mỹ và Nga đang diễn ra ngày càng hấp dẫn. Nếu như chỉ cách đây hai tuần Nga vẫn bị xem là yếu thế nhất khi những chỉ số của nền kinh tế đạt mức báo động về tốc độ tụt giá của đồng nội tệ và tốc độ lạm phát được đẩy cao, OPEC rung đùi đắc ý theo dõi Nga chật vật giải quyết vấn đề của mình, thì giờ đây tình thế đã đảo ngược. Chỉ ngay sau khi Nga có vẻ như đã cơ bản giải quyết được những vấn đề khó khăn của kinh tế trong nước, đồng nghĩa với việc tiếp tục duy trì sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu của mình, đến lượt OPEC rơi vào thế bí.

 

Và thế bí ấy cũng đến theo một cách mà OPEC không thể lường trước được. Ngày hôm qua, lực lượng Hồi giáo đối lập ở Lybia đã tấn công và phong tỏa cảng Guard – cảng xuất khẩu dầu lớn nhất của quốc gia thành viên OPEC, những cuộc tấn công đã đốt cháy một kho dự trữ lớn tại đây và đe dọa lượng dầu xuất khẩu của quốc gia Bắc Phi này xuống một mức thấp hơn rất nhiều. Ngay lập tức thị trường dầu đã có những phản ứng khi giá dầu ngay lập tức vọt lên trên 60 USD/thùng do những lo ngại về tình hình xuất cảng dầu ở Lybia có thể tiếp tục bị ảnh hưởng xấu bởi cuộc xung đột.

 

Cuộc giao tranh quân sự giữa chính phủ Lybia và các lực lượng quân sự đối lập ở nước này đang là một nguy cơ khổng lồ với Lybia nói riêng và OPEC nói chung. Lượng dầu xuất khẩu của Lybia đã giảm từ 1,6 triệu thùng/ngày vào giai đoạn đỉnh điểm những năm 2011 xuống còn 352.000 thùng/ngày vào thời điểm hiện tại. Giá dầu giảm mạnh khiến cho ngân sách của quốc gia này ngày càng eo hẹp và khả năng khống chế các phe nhóm đối lập càng khó khăn hơn, trong khi cuộc xung đột lại đang khiến lượng dầu xuất cảng của nước này đã ít lại càng ít hơn.

 

Vụ xung đột ở Lybia vì thế là một đòn nặng giáng vào OPEC và chính sách không cắt giảm sản lượng của tổ chức đầy quyền lực này ở thời điểm hiện tại. OPEC đã quyết định tham gia vào cuộc chiến tranh giành thị phần trên thị trường dầu mỏ sau khi nhóm họp tại Vienna vào ngày 27.11 vừa qua bằng cách cương quyết không cắt giảm sản lượng bất kể giá dầu đã xuống đến mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. 
 
Trong đó, Arab Saudi được xem là thủ lĩnh của quyết định này, đang là nhà tài trợ chính cho các nước thành viên OPEC chịu thiệt hại nặng do giá dầu giảm, có cả Lybia, để các quốc gia thành viên này tiếp tục không giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu.
 
Nhưng cuộc xung đột ở Lybia đã phá hỏng tất cả chiến lược của OPEC và Arab Saudi. Việc lượng dầu xuất khẩu của Lybia bị giảm thiểu do những xung đột quân sự ở thời điểm hiện tại không khác gì một vụ cắt giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu. Trong khi các thành viên OPEC buộc phải chấp nhận những khó khăn chồng chất để tiếp tục giữ giá dầu thấp thì vụ xung đột ở Lybia lại trực tiếp đẩy giá dầu lên cao hơn, vốn là một điều có lợi cho các đối thủ của tổ chức này là Mỹ và Nga.
 
Không khó để nhận ra rằng sẽ cần một khoảng thời gian không nhỏ để Lybia có thể ổn định lại tình hình, bản thân các thành viên khác của OPEC như Arab Saudi cũng không thể tự ý nâng cao sản lượng dầu để bù lại khoản thiếu hụt của Lybia.
 
Theo đánh giá của giới phân tích, vụ xung đột xảy ra ở Lybia đang đe dọa đến chiến lược cạnh tranh của OPEC không có gì đáng ngạc nhiên. Việc một số thành viên OPEC đang phải đối mặt với những vấn đề rắc rối trong nước có thể ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu là điểm yếu của OPEC đã được nhắc đến từ lâu. 
 
Nếu như điểm yếu của Mỹ là chính phủ không thể hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu dầu đá phiến, còn Nga là cuộc khủng hoảng tài chính trong nước, thì điểm yếu của OPEC là những rắc rối trong nội bộ, với Lybia và Iraq là xung đột quân sự trong nước, còn với những nước như UAE lại đến từ bất ổn chính trị.
 
Thậm chí bản thân Arab Saudi, vốn được coi là thủ lĩnh của OPEC, cũng đang đối mặt với trục trặc. Chính phủ nước này vừa mới chính thức thông báo sẽ cắt giảm lương công chức trong năm tới do ảnh hưởng từ giá dầu giảm đã tác động đến ngân sách. Theo dự báo, ngân sách của Saudi trong năm 2015 sẽ giảm khoảng 30% so với năm 2014, chỉ còn 715 tỷ Riyal, trong khi đó ngân sách chi tiêu công của nước này trong năm tới ước tính sẽ đạt mức 860 tỷ Riyal. 
 
Dĩ nhiên với lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình, Saudi sẽ không gặp vấn đề lớn, nhưng gánh nặng từ các thành viên OPEC khác đè lên quốc gia này ngày một lớn. Đáng kể nhất trong đó là Venezuela vừa mới phải vay Trung Quốc thêm 4 tỷ USD trong tháng trước, nâng tổng số nợ của nước này với Trung Quốc lên 47 tỷ USD tính từ năm 2007.
 
Theo Nhàn Đàm
Một Thế Giới/ Bloomberg
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *