Quốc tế 30/01/2019 07:58

Chuyên gia nói ngân hàng Anh không có quyền quyết định "số phận" 31 tấn vàng của Venezuela

Chuyên gia cho rằng Ngân hàng Anh không có quyền quyết định “số phận” của 31 tấn vàng do Venezuela gửi và đây có thể là lời cảnh báo đối với các quốc gia khác khi có ý định lưu trữ tài sản ở nước ngoài.

Chuyên gia nói ngân hàng Anh không có quyền quyết định số phận 31 tấn vàng của Venezuela - 1

Tổng thống Nicolas Maduro. (Ảnh: RT)

Lãnh đạo đối lập Juan Guaido, người tự phong là tổng thống lâm thời của Venezuela vào tuần trước, đã đề nghị Thủ tướng Anh Theresa May và Ngân hàng Trung ương Anh không trả lại cho chính quyền Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro 31 tấn vàng, tương đương 1,2 tỷ USD, mà Venezuela đã gửi. Trước đó, ông Guaido cũng ca ngợi việc Ngân hàng Anh được cho là đã từ chối rút số vàng của Venezuela theo đề nghị của Tổng thống Maduro.

Các quan chức Mỹ như Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton cũng kêu gọi Anh cắt đứt tài sản tại nước ngoài của Venezuela.

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Anh Alan Duncan ngày 28/1 khẳng định việc trả lại số vàng cho Venezuela là quyết định của Ngân hàng Trung ương Anh và thống đốc ngân hàng, chứ không phải chính quyền Anh. Tuy nhiên, ông Duncan nói thêm rằng ngân hàng Anh chắc chắn sẽ xem xét tới việc nhiều quốc gia khắp thế giới đang nghi ngờ tính hợp pháp của chính quyền Maduro.

Trong khi đó nghị sĩ Công đảng Anh Chris Williamson cho rằng việc ngân hàng Anh tự cho mình quyền quyết định “số phận” của 31 tấn vàng do Venezuela gửi là “sự can thiệp không thể chấp nhận được vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền và sẽ gây tổn hại lòng tin nghiêm trọng”.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Sputnik, chuyên gia David Gibson, giám đốc quản lý hãng kim loại quý quốc tế GoldVu, đã đánh giá tác động của việc từ chối không cho phép Venezuela lấy lại số vàng mà nước này đã gửi tại Ngân hàng Trung ương Anh.

Sputnik: Việc Ngân hàng Trung ương Anh từ chối cho phép Venezuela rút vàng đã giáng đòn nặng nề như thế nào tới quốc gia Mỹ Latinh này?

David Gibson: Một chuyện đã quá rõ ràng là Venezuela đang rất cần thanh khoản để tiếp tục hoạt động trong bối cảnh mức độ cung cấp dịch vụ giảm và người dân rất cần các nhu yếu phẩm. Vàng là một dạng dự trữ tiền tệ. Vàng được các quốc gia lưu trữ và duy trì như một phương án sau cùng nhằm mục đích đảm bảo tính thanh khoản và sự ổn định của nền kinh tế. Do vậy, Venezuela đang ở trong bối cảnh cần sử dụng vàng vì lý do nêu trên, và việc không thể sử dụng vàng thực sự là một tin xấu với họ. Trên thực tế, đó là tin xấu đối với bất kỳ quốc gia nào ở trong tình huống đó.

Chuyên gia nói ngân hàng Anh không có quyền quyết định số phận 31 tấn vàng của Venezuela - 2

Tổng thống tự phong Venezuela Juan Guaido kêu gọi Anh không trả vàng cho chính quyền Maduro. (Ảnh: Getty)

1,2 tỷ USD là số tiền không nhỏ và số tiền này có thể giúp chính phủ Venezuela cung cấp các dịch vụ thiết yếu. Tuy vậy, ngay cả khi họ nhận được số vàng (trị giá 1,2 tỷ USD) vào ngày mai, nhiều khả năng chúng cũng chỉ đủ trong khoảng thời gian ngắn, có thể là một năm hoặc lâu hơn. Trước đó, cố Tổng thống Hugo Chavez cũng từng hồi hương số vàng trị giá 11 tỷ USD (từ ngân hàng Anh và một số tổ chức khác) và cầm cự được trong khoảng 6 năm.

Đối với động thái của Ngân hàng Anh, không ai có quyền chỉ định cho một nước nào đó việc họ sử dụng vàng của họ như thế nào và khi nào chỉ vì đất nước đó đang đối mặt với những khó khăn về kinh tế. Việc Ngân hàng Anh không trả lại vàng cho Venezuela không chỉ là vấn đề của riêng Venezuela, mà còn là “cảnh báo đỏ” đối với các nước khác nói chung.

Sputnik: Liệu từng có tiền lệ nào cho vụ việc tương tự như phản ứng từ phía Ngân hàng Anh hay chưa, đặc biệt có liên quan tới yêu cầu của một nhà lãnh đạo tự phong?

David Gibson: Chuyện này gần như chưa từng có tiền lệ vì ngân hàng chỉ có vai trò là giữ hộ tài sản của khách hàng. Đây là tài sản riêng tư. Ngân hàng không có quyền chỉ định số vàng này cần sử dụng khi nào và với mục đích gì. Bất kỳ quốc gia nào đóng vai trò là bên giữ hộ tài sản, dù là Thụy Sĩ hay Mỹ, cũng nên cho phép nước khác lấy lại tài sản họ đã gửi nếu nhận được đề nghị chính thức từ một chính phủ hợp pháp dân chủ. Họ không có lý do gì để từ chối. Với phản ứng của họ như vậy, Ngân hàng Anh đã hủy hoại sự tín nhiệm và tin tưởng trong mắt cộng đồng quốc tế với tư cách là bên giữ hộ tài sản.

Bây giờ các quốc gia khác bắt đầu hoài nghi về việc liệu Anh hay Mỹ có còn là nơi an toàn để lưu giữ vàng của một quốc gia hay không. Câu hỏi này đã được nêu ra vài lần trong những năm gần đây, dẫn tới việc các quốc gia rút vàng từ Mỹ và Anh, trong đó có Đức và Venezuela (năm 2011).

Sputnik: Liệu ông Maduro, tổng thống được bầu dân chủ tại Venezuela, có thể làm gì để gây sức ép với Ngân hàng Anh hay không?

David Gibson: Với bối cảnh như hiện nay, thành thật mà nói là có rất ít khả năng. Ông ấy không thể làm điều đó với sự trợ giúp của quân đội, ông ấy thực sự không thể làm được gì. Ông Maduro có thể tìm cách đưa vụ việc ra tòa án quốc tế, tuy nhiên nhiều khả năng phương Tây sẽ kéo dài thủ tục tố tụng trong nhiều năm. Ý đồ của phương Tây là trì hoãn trong khoảng thời gian lâu nhất có thể để xem liệu chính phủ đương nhiệm (của Venezuela) có thể cầm cự được hay không.

Ngoài con đường pháp lý, Venezuela có thể tìm cách lôi kéo những quốc gia thân thiện và đồng cảm với họ, đứng về phía họ để gây sức ép với Anh. Nhưng tôi nghi ngờ về khả năng này.

Tổng thống Maduro đã nỗ lực lấy lại số vàng gửi tại ngân hàng Anh từ năm 2018. Số vàng tại London chiếm 15% trong dự trữ ngoại hối của Venezuela. Truyền thông Venezuela cho biết ngân hàng trung ương Anh đã hai lần từ chối đề nghị trả vàng của chính quyền Venezuela, viện dẫn những lý do liên quan tới thủ tục. Ngoài ra, phía Anh quan ngại rằng các quan chức Venezuela có thể bán số vàng họ rút về để “thu lợi cá nhân”.

Thành Đạt

Theo Sputnik

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *