Quốc tế 15/04/2015 15:05

Chuyên gia: Cẩn trọng với “quyền lực mềm” AIIB của Trung Quốc

Với 3.800 tỷ USD dự trữ ngoại hối, vì sao Trung Quốc không lập một ngân hàng và nắm quyền tự quyết mà phải kêu gọi các nước tham gia, GS Nguyễn Quang Thái, Phó Tổng Thư ký Hội Kinh tế học Việt Nam cho rằng: họ hoạt động đều có mục đích cả!

Trung Quốc vừa hoàn tất quá trình kêu gọi 50 quốc gia trong đó có Việt Nam tham gia góp vốn vào Ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB) mà nước này khởi xướng. Với vốn cho vay 100 tỷ USD; cam kết giải ngân dễ, thời gian dài và dành rất nhiều ưu đãi cho các nước đang và chậm phát triển ở châu Á, AIIB đang mở ra hy vọng lớn cho các nước này. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo nên cẩn trọng bởi có thể có “cạm bẫy”.

Cần cẩn trọng với “quyền lực mềm” AIIB của Trung Quốc?
Lợi ích chỉ có được khi cơ chế quản trị của AIIB thực sự minh bạch, không mang màu sắc chính trị
 
Có hay không “bẫy” vốn rẻ cho các nước nghèo?

Hiện các nước Châu Á đang rất cần lượng vốn lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển. Với Việt Nam nguồn vốn cho lĩnh vực này rất cần bởi hiện nay dòng vốn chủ yếu vốn từ ODA, WB, IMF hay ADB.

“AIIB với cam kế cho vay linh hoạt, dễ dàng và thuận lợi sẽ mở ra hy vọng cho Việt Nam và các nước đang phát triển đang khát vốn. Tuy nhiên, lợi ích chỉ có được khi cơ chế quản trị của AIIB thực sự minh bạch, không mang màu sắc chính trị”, Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, chia sẻ.

Sự ra đời của AIIB tiếp sau nhiều chính sách kinh tế kết hợp chính trị cùng việc lập một số tổ chức tài chính khu vực khiến giới phân tích e ngại rất có thể AIIB sẽ  trở thành “quyền lực mềm” phục vụ các mục tiêu chính trị và tham vọng của Trung Quốc.

Trước khi khởi xướng AIIB, Trung Quốc đã  hợp tác lập Ngân hàng BRICs, sau đó là Quỹ Con đường tơ lụa trị giá 40 tỷ USD, phục vụ cho vay các dự án hạ tầng ở Tây Á và Châu Phi. Tuy nhiên, cho đến nay, hoạt động các tổ chức tài chính này đang gặp khá nhiều vấn đề. Bài học của Myanmar mới đây là minh chứng. Nước này có ba công trình nhận vốn của Quỹ con đường tơ lụa là xây dựng một thủy điện nhỏ, mỏ khai thác đồng và đường ống khí đốt. Tuy nhiên, mới đây, họ phải tạm dừng vì ô nhiễm môi trường, mất tài nguyên, mất công ăn việc làm và việc di cư lao động của Trung Quốc ồ ạt vào Myanmar. Bài đổi “hạ tầng lấy tài nguyên” được Trung Quốc một lần nữa lại tái hiện ở Myanmar khiến nước này phải “ngậm trái đắng”.

Ngoài ra, lo ngại lớn nhất là chính sách “một vành đai, một con đường” (xây dựng con đường tơ lụa trên biển và vành đai kinh tế trên đất liền) của Trung Quốc. Đây là hai con đường  kết nối A – Âu và các tuyến hàng hải quốc tế đòi hỏi vốn đầu tư xây dựng lớn. Chỉ có thông qua vốn đầu tư, viện trợ từ AIIB, Trung Quốc mới có thể hợp lý hóa sự tài trợ kinh tế cho những mưu tính và tham vọng chính trị của mình.

Thêm vào đó, AIIB ra đời trong bối cảnh nền sản xuất Trung Quốc đang dư thừa, hơn 51% sản lượng thép và 53% xi măng của thế giới do Trung Quốc sản xuất sẽ giúp nước này mở rộng thị trường tiêu thụ và chuyển giao công nghệ cũ

Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Trung Quốc đang cải tổ nền sản xuất, quá trình đó sẽ khiến một lượng lớn thiết bị, công nghệ, nhà xưởng của nước này bị thải hồi và tất nhiên đường đi của các sản phẩm này sẽ sang các nước kém phát triển qua các dự án đầu tư và ODA dưới danh nghĩa “chuyển giao kỹ thuật và công nghệ”. Rất có thể, đây là một trong những lý do của Trung Quốc khi lập AIIB.

Điểm tựa “quyền lực mềm” của Trung Quốc?

Trong một nghiên cứu mới đây về kinh tế Trung Quốc, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc - Viện VEPR cho rằng: Dù rất kỳ vọng nhưng Việt Nam cần tiên lượng trước những thách thức mà AIIB đặt ra bởi các yếu tố.

Về cơ chế hoạt động, AIIB vẫn chưa xác định cơ chế nào, theo đa phương (hoạt động dưới sự kiểm soát của quốc tế theo kiểu củaWB, IMF hay ADB) hay quyền quyết định thuộc về Trung Quốc, nước đóng hơn 50% vốn cho AIIB.

Về cơ chế thành viên và quyền lợi tham gia, số vốn của AIIB quá lớn, trong đó các thành viên chủ yếu là các nước đang phát triển, tham gia vào với mục đích chính nhằm nhận được ưu đãi vốn vay thì lấy đâu ra tiền để đóng cổ phần cho AIIB? Theo cam kết, Trung Quốc sẽ đóng 50% (tức 50 tỷ USD) cho tổng vốn 100 tỷ USD của AIIB, còn 49 nước còn lại, mỗi nước sẽ đóng gần 1 tỷ USD.

Trường hợp, nếu các nước thiếu tiền, Trung Quốc có thể mở kho dự trữ ngoại hối khổng lồ 3.800 tỷ cho vay. Tuy nhiên, khi lệ thuộc vào tài chính, hoặc đóng góp “cổ phần” quá ít, các nước sẽ không có tiếng nói cũng như mất quyền lợi trong các quyết sách của AIIB.

Với dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới 3.800 tỷ USD, vì sao Trung Quốc không lập một ngân hàng và nắm quyền tự quyết mà phải kêu gọi các nước tham gia, GS Nguyễn Quang Thái, Phó Tổng Thư ký Hội Kinh tế học Việt Nam cho rằng: họ hoạt động đều có mục đích cả!

Trung Quốc kêu gọi các nước phát triển như Đức, Pháp, Ý, Thụy Sỹ…tham gia không phải vì họ cần vốn các nước này mà vì họ muốn tận dụng kinh nghiệm của các nước này để quản trị AIIB theo chuẩn quốc tế. Bởi từ  trước khi AIIB ra đời, Trung Quốc chưa hề điều hành bất kỳ một định chế tài chính nào và giờ đây họ không dám “đơn thương, độc mã”.

Bên cạnh đó, khi kêu gọi các nước trên thế giới tham gia, Trung Quốc sẽ đánh động thế giới rằng AIIB được xây dựng trên nền tảng đa phương hóa. Hoạt động của AIIB là công khai, minh bạch và không có mục đích chính trị mang “màu sắc Trung Quốc”.

Nguyễn Tuyền
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *