Quốc tế 02/01/2014 15:56

Châu Âu rộ làn sóng bán quyền công dân đổi tiền đầu tư

FICA - Quyền công dân cũng trở thành sản phẩm rao bán trên thị trường trong bối cảnh các nền kinh tế châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng nợ công.

Chính phủ quốc đảo Malta mới đây đưa ra đề xuất bắt đầu bán quyền công dân cho người nước ngoài với giá 650.000 euro (888.000 USD). Tuy nhiên, do vấp phải sự chỉ trích của người dân Malta cũng như các nước Liên minh châu Âu (EU) khác, chính quyền Malta buộc phải tạm hoãn thi hành và sẽ xem xét thêm. Nghị viện châu Âu dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề này vào ngày 15/1 tới.


Chủ tịch Nghị viện châu Âu, ông Joseph Daul cho biết, đề xuất bán quyền công dân được Quốc hội Malta thông qua những tuần gần đây rõ ràng là lạm dụng quyền công dân EU và các quy tắc Schengen. Kể cả khi chính phủ Malta từ bỏ, Nghị viện vẫn cần thảo luận về vấn đề này.


Tuy nhiên, Malta tiếp tục bảo vệ chương trình của mình và cho rằng chương trình này nhằm vào giới giàu có để thúc đẩy kinh tế Malta. Kurt Farrugia, người đứng đầu văn phòng thông tin chính phủ Malta nhấn mạnh, đây cũng khong phải hoạt động bán quyền công dân bừa bãi, những người có nhu cầu mua phải trải qua một quá trình kiểm duyệt khắt khe.


Henley & Partners, tổ chức quốc tế sẽ điều hành chương trình của Malta, cho biết, nếu đạo luật có hiệu lực, quá trình kiểm duyệt gồm 4 bước. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký, người có nhu cầu mua sẽ kiểm tra lại thông tin trên mạng; Cơ quan thẩm quyền của chính phủ Malta sẽ đánh giá rủi ro thông qua kiểm tra lý lịch của người đăng ký gồm quốc tịch, nghề nghiệp, nơi kinh doanh; Cuối cùng là công đoạn đối chiếu, xác nhận thông tin giữa dữ liệu của chính phủ Malta với dữ liệu của CIA, FBI và cảnh sát Anh. Những người có tiền án tiền sử, cung cấp thông tin sai lệch hay các vấn đề liên quan đến tài chính có thể bị từ chối.


“Chúng tôi vẫn đang thảo luận chi tiết và nguyên tắc triển khai và có thể có điều chỉnh ví dụ như điều chỉnh giá bán 650.000 euro”, ông Farrugia nói.


Không giống như các chương trình khác ở EU, những người đăng ký mua chưa được phép định cư ở Malta cho tới khi được cấp hộ chiếu. Nếu được chấp thuận và người đăng ký mua đủ giàu thì họ sẽ được nhận hộ chiếu Malta ngay lập tức và tất nhiên sẽ mang quốc tịch EU. Do đó, về lý thuyết, người mua có thể sống ở bất cứ 27 quốc gia thành viên nào của EU.


Malta gia nhập EU năm 2004. Malta cũng là thành viên của Schengen – nhóm các nước miễn thị thực. Nước này cũng ký thỏa thuận miễn thị thực với Mỹ. Người mang quốc tịch Malta có thể du lịch tới 163 quốc gia trên toàn thế giới mà không cần thị thực.


 Thủ tướng Malta Joseph Muscat ước tính chương trình bán quyền công dân này có thể mang lại cho đất nước hơn 41 triệu USD (30 triệu euro)/năm và giúp giảm thâm hụt ngân sách, đồng thời thu hút giới nhiều tiền – những nhà đầu tư tiềm năng cho Malta.


Malta không phải là quốc gia EU đầu tiên rao bán quyền công dân. Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính khiến châu Âu chìm trong nợ công, nhiều quốc gia ở đây đã đưa ra các chương trình để thu hút giới giàu có, trong đó có cả việc cấp quyền định cư và quyền công dân.

Trong một số trường hợp tại các nước EU, nhà đầu tư nước ngoài mua bất động sản giá trị từ 250.000 đến 500.000 euro sẽ được cấp quyền công dân. Bồ Đào Nha đưa ra chính sách này mới cách đây hơn 1 năm cho nhà đầu tư ít nhất 500.000 euro vào bất động sản ở đây. Theo đó, sau 5 năm, nhà đầu tư sẽ được cấp quyền công dân và trở thành công dân EU 1 năm sau đó. Bồ Đào Nha cũng bán hộ chiếu cho những người bơm vốn hay tạo việc làm ở đất nước họ, giống như chương trình nhà đầu tư nhập cư của Mỹ.


Theo số liệu thống kê chính thức, trong 12 tháng đầu triển khai chương trình, Bồ Đào Nha đã bán được hơn 330 hộ chiếu, huy động được 225 triệu USD. Trong khi đó, ở Hy Lạp mới 1 hộ chiếu duy nhất được cấp. Tuy nhiên, làn sóng nhà đầu tư giàu có mua “chìa khóa” để vào EU, ít nhất là thông qua Bồ Đào Nha vẫn có xu hướng tăng mạnh.


Người nước ngoài muốn có “chìa khóa vàng” để vào châu Âu chủ yếu là công dân Trung Quốc, các chuyên gia về nhập cư cho biết. Nhu cầu này đối với công dân Nga, Nam Phi và Các tiểu vương quốc Ả rập cũng bắt đầu tăng.


Francisco Barata Salgueiro, đối tác tại công ty luật Neville de Rougemont & Associates, cho biết, ông đã nhận được nhiều câu hỏi về vấn đề này trong năm nay và hiện đã tư vấn cho 150 nhà đầu tư, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư Trung Quốc.


Ông Salgueiro cho biết, đa số nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi việc có thể di chuyển tự do ở hầu hết châu Âu. “Họ cũng đề cập đến vấn đề đưa con sang du học tại châu Âu. Rất ít người tính đến chuyện dưỡng tuổi già tại đây”, ông nói.


Ông Florence Ang tại Premiere Realty cũng cho biết thêm, có rất nhiều người Trung Quốc muốn định cư ở Singapore nhưng không thành nên họ làm việc với các đối tác cung cấp dịch vụ nhập cư và được tư vấn tới Bồ Đào Nha.


Tây Ban Nha hồi tháng 10 cũng triển khai chương trình thu hút nhà đầu tư giàu có nhập cư. Theo đó, người nước ngoài đầu tư ít nhất 500.000 euro vào bất động sản sẽ được cấp quyền công dân. Hungary cũng sẵn sàng bán hộ chiếu cho người nước ngoài bỏ ra 250.000 euro (325.000 USD) để mua trái phiếu chính phủ.


Hồi đầu năm, Cộng hòa Síp cũng thực thi chương trình cho phép người nước ngoài bị thiệt hại ít nhất 3 triệu euro vì cuộc khủng hoảng ngân hàng xảy ra tại nước này làm đơn xin cấp quyền công dân.

Phương Linh
Theo CNN, DW

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *