Quốc tế 20/12/2022 09:44

Các quỹ mạo hiểm ở Đông Nam Á sẽ kén chọn hơn trong năm 2023

Với việc định giá giảm mạnh và tăng trưởng kinh tế chậm lại trong năm nay, các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á có thể sẽ kén chọn hơn trong năm 2023.

Yinglan Tan - CEO kiêm đối tác quản lý sáng lập tại Insignia Ventures Partners, một quỹ đầu tư có trụ sở tại Singapore cho biết, kỷ nguyên kiếm tiền dễ dàng đã đi vào dĩ vãng. 

“Điều quan trọng nhất cần chú ý trong năm tới là cách mà các công ty sẽ tăng trưởng, bảo vệ giá trị và sống sót trong môi trường đầy thách thức như thế nào”, Jeffrey Joe, đồng sáng lập và đối tác quản lý tại Alpha JWC Ventures có trụ sở tại Indonesia cho biết.

đầu tư_Getty.png

Trong bối cảnh thị trường đi xuống, các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á có thể sẽ kén chọn hơn trong năm 2023 (Ảnh: Getty).

Theo công ty dữ liệu Crunchbase, trong 3 quý đầu năm nay, các công ty được hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu chỉ huy động được 369 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 679,4 tỷ USD đạt được năm ngoái.

Gavin Teo, đối tác chung của Altara Ventures cho biết: “Chúng tôi nhận thấy các hợp đồng triển khai của các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á đã tăng 25-30% trong năm nay, tương đối nhiều hơn ở Indonesia và ở giai đoạn Series B+, song ít hơn ở giai đoạn hạt giống và Series A”.

Tuy nhiên, nói với CNBC, các nhà đầu tư mạo hiểm cho biết họ vẫn còn nhiều tiền dự trữ. Jussi Salovaara, đồng sáng lập và đối tác quản lý châu Á tại Antler cho biết: “Hầu hết các quỹ đều có vốn để triển khai, nhưng họ đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt”.

Theo dữ liệu từ nền tảng dữ liệu thị trường tư nhân PitchBook, trong 3 quý đầu năm nay, các quỹ mạo hiểm đã huy động được 151 tỷ USD, cao hơn so với số tiền huy động cả năm của các năm trước đó. Trong đó, quỹ Sequoia Đông Nam Á huy động được 850 triệu USD vào tháng 6, quỹ East Ventures huy động được 550 triệu USD trong tháng 7 và quỹ Insignia Ventures Partners huy động được 516 triệu USD trong tháng 8.

Cổ phiếu công nghệ đã giảm mạnh kể từ đầu năm nay trong bối cảnh lãi suất tăng và kết quả kinh doanh đáng thất vọng. Vì vậy, các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á phần lớn vẫn chưa có lợi nhuận, thậm chí Sea Group (công ty mẹ của Shopee) và Grab còn thua lỗ hàng tỷ USD.

Các công ty công nghệ ở Đông Nam Á cũng mất phần lớn giá trị so với thời điểm mới lên sàn. Vốn hóa của gã khổng lồ thương mại điện tử Sea niêm yết tại sàn NYSE hiện chỉ còn khoảng 30 tỷ USD, giảm so với mức hơn 200 tỷ USD cuối năm ngoái.

Vốn hóa của GoTo cũng còn khoảng 28 tỷ USD, giảm hơn 75% kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán Jakarta (Indonesia) hồi tháng 4. Trong khi đó, Grab mất 69% so với định giá ban đầu khoảng 40 tỷ USD khi lên sàn vào tháng 12/2021.

Peng. T Ong, đồng sáng lập và đối tác quản lý tại Monk’s Hill Ventures, cho rằng đã đến lúc phải tìm ra những công ty tạo ra lợi nhuận trước khi cạn kiệt về tiền bạc.

Vì vậy, các công ty mạo hiểm đang thúc các công ty trong danh mục phải tăng tốc hoạt động, vì mọi thứ phía trước vẫn chưa chắc chắn. “Các nhà đầu tư đang dành nhiều thời gian và vốn hơn để hỗ trợ các công ty trong danh mục nâng cao hiệu quả sử dụng vốn”, Tan của Insignia cho biết.

Joe của Alpha JWC Ventuers cho biết: “Không phải là chúng tôi không quan tâm đến khả năng sinh lời lần trước. Nhưng hầu như không có công ty khởi nghiệp nào có lãi trong 5 năm đầu tiên. Có lẽ cần phải thay đổi trong suy nghĩ là hãy thận trọng hơn trong phát triển. Họ không cần có lãi ngay bây giờ nhưng cần sử dụng vốn hiệu quả và có tính kinh tế”.

Tuy nhiên, Tan của Insignia cũng cho rằng, bối cảnh huy động vốn khó khăn này là một phép thử về tính bền vững thực sự của các mô hình kinh doanh và nhu cầu của ngành.

“Những công ty nào thực sự tồn tại trong mùa đông này sẽ chứng tỏ khả năng sống sót trong tình hình thị trường đi xuống. Vì vậy, theo một cách nào đó, thị trường đang giúp ích rất nhiều cho chúng tôi”, Jessica Koh, giám đốc đầu tư tại Vertex Ventures.

Nhật Linh

Theo CNBC

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *