Quốc tế 29/08/2020 15:01

Các "ông lớn" tranh nhau đòi mua Tik Tok

Sau Microsoft, Walmart, Oracle thì Triller và Centricus (một công ty đầu tư toàn cầu có trụ sở tại London) là hai nhà thầu mới nhất đang tìm cách mua lại ứng dụng Tik Tok tại Mỹ.

Các "ông lớn" đang chạy đua đòi mua lại hoạt động Tik Tok tại Mỹ

Theo nguồn tin của Bloomberg, các nhà đầu tư của Centricus ở Anh đang hợp tác với các nhà đầu tư của Triller tại Mỹ để mua lại hoạt động của TikTok tại Mỹ và một số nước khác với giá đề nghị 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, trả lời với Reuters, người phát ngôn của Tik Tok cho biết chưa nhận được đề nghị này và hỏi lại “Triller là gì?” và cho rằng mức giá trên là “phi lý”.

Song trong một tuyên bố, Triller nói rằng, họ đặt giá thầu trực tiếp với chủ sở hữu Tik Tok là công ty mẹ ByteDance chứ không phải cho chính Tik Tok.

Theo nguồn tin từ Bloomberg, Triller và Centricus đã nộp hồ sơ cho ByteDance tại Bắc Kinh. Ngoài hoạt động Tik Tok tại Mỹ, họ còn đề nghị mua các hoạt động của Tik Tok tại Úc, New Zealand và Ấn Độ với giá 20 tỷ USD, trong đó, 10 tỷ USD sẽ được Centricus trả trước bằng tiền mặt cho ByteDance và 10 tỷ USD chia sẻ lợi nhuận sau này.

Triller là một công ty cũng đang vận hành một dịch vụ tương tự Tik Tok. Điều này sẽ giúp Centricus vận hành ứng dụng chia sẻ video này sau khi mua được Tik Tok.

Trước đó, Hãng bán lẻ khổng lồ của Mỹ Walmart cũng cho biết sẽ hợp tác với Microsoft để đấu thầu mua lại các hoạt động của TikTok tại Mỹ.

Chia sẻ với BBC, Walmart cho biết thoả thuận mua lại TikTok - ứng dụng chia sẻ video của Trung Quốc – sẽ giúp hãng mở rộng hoạt động.

Đầu tháng 8 vừa qua, Microsoft cũng đã xác nhận đang đàm phán với TikTok, tuy nhiên, nói với BBC, tập đoàn này cho biết “chưa có gì để chia sẻ lúc này”.

Để chiến thắng thương vụ này, Walmart còn phải cạnh tranh với các nhà thầu tiềm năng khác, bao gồm cả gã khổng lồ công nghệ Mỹ Oracle.

Theo các báo cáo, hoạt động tại Mỹ của TikTok có thể thu về hơn 30 tỷ USD nếu thoả thuận đạt được.

Kể từ khi ra mắt toàn cầu vào cuối năm 2018, ứng dụng TikTok đã thu hút được một lượng lớn người dùng, đặc biệt là giới trẻ dưới 25 tuổi. Ứng dụng này cho phép người dùng tạo ra những video ngắn với sự hỗ trợ của nhiều công cụ khác.

Tuy nhiên, chính quyền Trump đã cáo buộc chủ sở hữu của ứng dụng này – công ty ByteDance của Trung Quốc – là mối đe doạ đối với an ninh nước Mỹ.

Chính phủ Ấn Độ cũng đã cấm TikTok cùng với hàng chục ứng dụng khác do Trung Quốc sản xuất vì cho rằng chúng "lén lút" truyền dữ liệu của người dùng.

Do đó, Tổng thống Mỹ Trump đã tuyên bố, TikTok có 90 ngày để bán chi nhánh tại Mỹ cho một công ty Mỹ nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm tại nước này.

Tik Tok không phải là ứng dụng của Trung Quốc duy nhất bị chính quyền Mỹ nghi ngờ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. Ứng dụng tin nhắn WeChat của Trung Quốc cũng đang đối mặt với lệnh cấm tương tự.

Nhật Linh

Theo Bloomberg, Reuter, BBC

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *