Quốc tế 20/06/2014 12:05

Bí ẩn vương triều Tây Ban Nha: Ai có thể cứu vương triều?

Đầu năm nay, cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu xã hội ở Madrid cho thấy chỉ 38% ủng hộ quốc vương Juan Carlos so với 75% cách đây hơn 3 thập niên.

Liệu tân vương Felipe VI và tân hoàng hậu Letizia có thể phục hồi uy tín của vương triều?

Về mặt chính trị và pháp lý, việc quốc vương Tây Ban Nha Juan Carlos truyền ngôi cho Thái tử Felipe đã diễn ra êm thấm. Ngày 11-6, hạ viện đã chấp thuận việc này với 229 phiếu thuận, 29 phiếu chống và 23 phiếu trắng. Ngày 18-6, thượng viện cũng phê chuẩn với số phiếu áp đảo: 233 thuận, 5 chống và 20 phiếu trắng (vắng mặt). Kể từ 0 giờ ngày 19-6, Tây Ban Nha chính thức có vua mới.

Nhân vật bí ẩn

Lúc 10 giờ 30 phút hôm qua, 19-6 (giờ địa phương), lưỡng viện quốc hội đã có phiên họp chung công bố Thái tử Felipe là tân vương Tây Ban Nha. Tiếp theo là lễ tuyên thệ nhậm chức trước 500 đại biểu quốc hội và bài diễn văn đầu tiên của tân vương Felipe VI.

Tân vương Felipe VI, năm nay 46 tuổi, là một nhân vật bí ẩn đối với đa số người Tây Ban Nha. Ông không bao giờ trả lời phỏng vấn báo chí, chẳng hề phát biểu trước báo giới và cũng chưa khi nào tổ chức họp báo. Ông chỉ đọc những bài diễn văn trong các sự kiện chính thức, theo phân công của hoàng gia.

Tính tình ông Felipe không giống quốc vương Juan Carlos. Ông vốn là một người không kiểu cách, giản dị, dễ gần gũi. Trái ngược với vua cha, ông không thích được gọi là “Don Juan”. Nghiêm nghị, phong thái đĩnh đạc, không ồn ào là những đức tính ông thừa hưởng từ hoàng hậu Sophia.

Tuy nhiên, trong hoàng gia, ông Felipe nổi tiếng là người “nổi loạn” trong chuyện lấy vợ, bất chấp những quy định ngặt nghèo của chế độ quân chủ. Ông đã thể hiện mạnh mẽ cá tính này cách đây 10 năm khi kiên quyết lấy Letizia Ortiz Rocasolano - một nhà báo ly dị chồng, cháu nội của một tài xế taxi - vì tình yêu.

Bỏ ngoài tai sự phản đối quyết liệt của gia đình, ông tự định đoạt ngày cưới (22-5-2003), tổ chức đám cưới rình rang tại nhà thờ lớn ở Almudena. Ông hiện có 2 cô con gái là công chúa Leonor, SN 2006 và Sofia, SN 2007.

Ngoài vụ việc nêu trên, cuộc đời của ông Felipe không có gì nổi bật lắm ngoài chuyện ăn học và được đào tạo bài bản để trở thành một quân vương. Ông là quốc vương Tây Ban Nha đầu tiên có bằng đại học (cử nhân luật và tiến sĩ Khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH Georgetown - Mỹ), nói lưu loát 2 ngoại ngữ Anh và Pháp. Felipe cũng được đào tạo bài bản tại các học viện quân sự hải, lục, không quân như vua cha từ năm 1985 đến 1989. Ông còn là vận động viên thuyền buồm từng đoạt cúp vô địch Tây Ban Nha năm 1989 và 1990.

Là con thứ ba và con trai duy nhất của quốc vương Juan Carlos cùng hoàng hậu Sophia, nhất cử nhất động của Felipe dù tốt hay xấu đều bị báo giới, từ những tờ báo chính trị - xã hội uy tín đến các tạp chí dành riêng cho nữ giới, soi mói, phân tích từng chút.

Liệu ông Felipe có thu phục được lòng dân, nâng cao uy tín của vương triều trong khi 2 tuần qua, hàng chục ngàn người bất mãn đã liên tục xuống đường đòi tổ chức trưng cầu ý dân về việc bãi bỏ nền quân chủ lập hiến? Đây có lẽ là thách thức lớn nhất đối với tân vương Tây Ban Nha.

Hoàng hậu “dân dã”

Trong khi truyền thông Tây Ban Nha tỏ ra dè dặt khi đề cập tầm ảnh hưởng của tân hoàng hậu thì nhà báo Anh William Langley nhận định trên tờ The Telegraph rằng bà Letizia, năm nay 41 tuổi, có khả năng đem lại sinh khí mới cho vương triều.

Từng là biên tập viên tin thời sự đài truyền hình, bà Letizia được nhiều khán thính giả yêu thích nhưng cũng bị một số người ghét. Theo nhà báo William Langley, một số tờ báo, do ganh tị hoặc muốn tạo ra những câu chuyện giật gân, đã mô tả bà là một người cao ngạo, nhiều mưu mô. Họ cũng nghi ngờ “câu chuyện thần tiên” từ một thường dân trở thành công nương quý phái đài các của bà.

Gia đình tân vương Felipe VI Ảnh: MUST BE
Gia đình tân vương Felipe VI Ảnh: MUST BE

Tuy nhiên, không ai có thể bác bỏ được rằng nhờ bà Letizia mà thái tử Felipe được tiếng là “trong sạch”. Bản thân bà đem lại sinh khí mới cho vương triều với phong cách lịch lãm, ăn nói khôn khéo.

Chẳng phải vô cớ mà bà Letizia được người dân Tây Ban Nha so sánh một cách tự hào với Kate Midleton, công nương Anh và Mary Donaldson, công nương Đan Mạch - những người cũng xuất thân từ dân dã. Họ đều là những phụ nữ xinh đẹp và tài năng, mang lại nguồn sinh lực mới, củng cố “bộ xương” cũ kỹ già nua của các vương triều châu Âu. Chuyện tình của họ không chỉ lãng mạn mà còn hiện đại.

Những kẻ bảo hoàng và bảo thủ có thể than phiền công nương Letizia thiếu tôn trọng truyền thống của hoàng gia nhưng đa số người dân Tây Ban Nha lại thích lối sống hòa mình với quần chúng của vợ chồng Thái tử Felipe.

Họ đánh giá cao việc vợ chồng thái tử chuyển nhà từ hoàng cung ra một khu phố khiêm tốn ở Zarzuela hay tự lái xe trong thành phố. Họ thích công nương Letizia dẫn con đi siêu thị hay mua sắm quần áo may sẵn của các nhà tạo mẫu ít tên tuổi chứ không phải hàng hiệu thời trang cao cấp.

Liệu như thế có đủ chưa? Theo nhà báo William Langley, có thể là chưa đủ nhưng trong tương lai, tân vương Felipe VI và hoàng hậu Letizia có đủ tài đức để vực dậy uy tín của vương triều Tây Ban Nha. 

Được tín nhiệm cao

Ngay cả lúc tỉ lệ tín nhiệm nhà vua Juan Carlos xuống thấp nhất hồi đầu năm nay, 66% người dân Tây Ban Nha vẫn tin tưởng vào Thái tử Felipe - theo nhật báo El Mundo. Sau khi vua Carlos tuyên bố thoái vị nhường ngôi cho con, uy tín của hoàng gia tăng lên rõ rệt.

Cuộc thăm dò dư luận ngày 3-6 của Công ty Sigma Dos cho thấy 55,7% người dân Tây Ban Nha ủng hộ nền quân chủ lập hiến so với 49,9% hồi 6 tháng trước. Cuộc thăm dò mới nhất của tờ El Mundo ngày 9-6 cũng cho thấy 57,5% người dân tin rằng tân vương Felipe VI là một vị vua tốt. Trong khi đó, đa số người được hỏi cho rằng quyết định thoái vị của vua Juan Carlos là “đúng lúc và đúng đắn”.

 

Theo Nguyễn Cao

Người lao động

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *