Quốc tế 24/12/2014 07:50

Bất ngờ “nhận quà Giáng sinh”, Dow Jones lần đầu vượt 18.000 điểm

Tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý III tăng mạnh hơn mọi dự báo và cao hơn rất nhiều con số công bố ban đầu. Điều này giúp Dow Jones lần đầu tiên trong lịch sử đóng cửa trên ngưỡng 18.000 điểm, trong khi S&P 500 thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.

Bất ngờ “nhận quà Giáng sinh”, Dow Jones lần đầu vượt 18.000 điểm

Dow Jones lần đầu tiên đóng cửa trên mức 18.000 điểm sau thông tin tích cực về GDP quý III - Ảnh: Reuters

 

Trong phiên giao dịch thứ Ba, Bộ Thương mại Mỹ công bố dữ liệu GDP chuẩn trong quý III của nước này. Trong lần công bố trước đó, GDP quý III của nền kinh tế lớn nhất thế giới ước tính tăng 3,9% và nhiều dự báo cho rằng, con số sẽ là 4,3% trong lần công bố chính thức này. Tuy nhiên, con số mà Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố làm tất cả phải bất ngờ khi GDP quý III của Mỹ tăng tới 5%, mức tăng mạnh nhất trong 11 năm.

Dữ liệu nữa cũng cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tăng lên mức cao nhất gần 8 năm do giá xăng giảm và kỳ vọng mức lương sẽ gia tăng.

Sau khi nhận được “món quà Giáng bất ngờ”, phố Wall đã giữ được đà tăng vững vàng. Trong đó, chỉ số Dow Jones lần đầu tiên trong lịch sử đóng cửa vượt ngưỡng 18.000 điểm, trong khi S&P cũng có lần thứ 51 trong năm thiết lập đỉnh cao lịch sử.

Trong khi đó, Nasdaq lại chỉ dao động dưới tham chiếu và đóng cửa trong sắc đỏ do chịu ảnh hưởng từ đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ sinh học. Đợt bán tháo này khiến chỉ số công nghệ sinh học giảm tới 4,6%, mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ ngày 10/4.

Kết thúc phiên 23/12, chỉ số Dow Jones tăng 64,73 điểm (+0,36%), lên 18.024,17 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,63 điểm (+0,17%), lên 2.082,17 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 16 điểm (-0,33%), xuống 4.765,42 điểm.

Thông tin khả quan từ Mỹ, cũng thông tin tích cực từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng giúp chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng. Tuy nhiên, đà tăng của chứng khoán châu Âu bị hãm bớt phần nào do những lo ngại từ Hy Lạp.

Giới đầu tư lo ngại cuộc bầu cử Tổng thống sớm của Hy Lạp chiến thắng sẽ thuộc về phe ủng hộ độc lập với khu vực đồng tiền chung. Nếu phe này chiến thắng, nhiều khả năng Hy Lạp sẽ phải tiến hành cuộc đàm phán lại nợ và đe dọa quá trình trình tái cơ cấu kinh tế với chính sách thắt lưng buộc bụng bị dở dang.

Kết thúc phiên 23/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 21,44 điểm (+0,33%), lên 6.598,18 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 56,35 điểm (+0,57%), lên 9.822,11 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 60,54 điểm (+1,42%), lên 4.314,97 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản nghỉ lễ, thì những biến động lớn đã xuất hiện trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục. Sau thông tin UBCK Trung Quốc đang điều tra 18 mã cổ phiếu có dấu hiệu giao dịch bất hợp pháp, chỉ số Shanghai Composite đã bị rung lắc trong phiên đầu tuần và chính thức lao dốc hơn 3% trong phiên thứ Ba, cùng với đà lao dốc của nhóm cổ phiếu tài chính. Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm trở lại sau phiên tăng mạnh đầu tuần, tuy nhiên, mức giảm khiêm tốn hơn rất nhiều so với chứng khoán đại lục.

Kết thúc phiên 23/12, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 74,88 điểm (-0,32%), xuống 23.333,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 94,83 điểm (-3,03%), xuống 3.032,61 điểm.

Trong khi GDP khả quan giúp chứng khoán và giá dầu tăng mạnh, thì lại khiến cho vị thế của vàng bị giảm đi. Điều này khiến cho kim loại quý không thể tăng mạnh trong phiên thứ Ba, dù giá dầu hồi phục mạnh trở lại.

Việc GDP của Mỹ tăng mạnh lại không đi kèm với mức lạm phạt cao, trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới lại đang đối mặt với áp lực giảm phát. Trong khi đó, áp lực lạm phát mới chính là yếu tố giúp nâng cao vai trò trú ẩn của vàng.

Trong phiên giao dịch thứ Tư, thị trường Mỹ chỉ giao dịch buổi sáng và sau đó là nghỉ cả ngày thứ Năm.

Kết thúc phiên 23/12, giá vàng giao ngay tăng 0,2 USD (+0,02%), lên 1.176,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2015 giảm 1,8 USD (-0,15%), xuống 1.178,0 USD/ounce.

Cũng giống như thị trường chứng khoán, bất ngờ nhận được món quà Giáng sinh sớm, khi GDP quý III của Mỹ tăng mạnh hơn mọi dự đoán và là mức cao nhất 11 năm, giá dầu đã hồi phục trở lại và lấy lại hết những gì đã mất trong phiên đầu tuần.

Việc nền kinh tế thế giới đang có đà tăng vững chắc, dù nhiều dự đoán cho rằng, GDP trong quý IV sẽ không bằng trong quý III, nhưng chừng đó cũng đủ cho giới đầu tư kỳ vọng sẽ giúp kinh tế thế giới và làm tăng nhu cầu nhiên liệu.

Kết thúc phiên 23/12, giá dầu thô Mỹ tăng 1,86 USD/thùng (+3,37%), lên 57,12 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,58 USD (+2,63%), lên 61,69 USD/thùng.

Theo T.Lê
ĐTCK
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *