Quốc tế 13/01/2021 16:52

Báo Pháp: Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới

Dân trí Tờ Le Figaro (Pháp) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới trong năm 2020. Sự tăng trưởng kì diệu của kinh tế Việt Nam cũng từng được nhiều tổ chức quốc tế bình luận.

Năm 2020, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới kiệt quệ vì Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng dương là sự ghi điểm ấn tượng. Điều này từng được nhiều tổ chức quốc tế đưa ra nhận định rất tích cực.

Từ tháng 10/2020, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dẫn chứng về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến toàn bộ nền kinh tế Đông Nam Á chịu tác động lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, kinh tế khu vực sẽ thu hẹp 4,2%.

Vào thời điểm đó, IMF đưa ra dự báo rằng do ứng phó mạnh mẽ với dịch bệnh, xuất khẩu tăng cao và tài chính công lành mạnh giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,4% và thu hút được 26,43 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Hồi trung tuần tháng 12/2020, Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) công bố báo cáo "Điểm lại tình hình kinh tế của Việt Nam" với dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam ước đạt 2,8%, trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm 4% do phải chịu tác động của dịch Covid-19.

Báo Pháp: Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới - 1

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới

Kết thúc năm 2020, số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2020 của Tổng cục Thống kê đã nêu rõ con số tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 2,91% - thuộc nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới.

Cơ quan thống kê chỉ ra rằng, kết quả tăng trưởng dương cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội.

Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù dịch bệnh kéo dài nhưng hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tăng khá với 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước. Năm 2020, Việt Nam xuất siêu đạt mức kỷ lục 19,1 tỷ USD, đây là mức cao nhất trong 5 năm xuất siêu kể từ năm 2016. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 tăng 3,23% so với năm 2019.

Mới đây nhất, tờ Le Figaro (Pháp) đánh giá: "Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới trong năm 2020. Việt Nam duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,9% trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu".

Trong năm 2020, chính sách điều hành xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam là thực hiện "mục tiêu kép" - vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh rằng: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam đặt mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh không để lây lan ra cộng đồng và để giữ được đất nước không bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, giữ ổn định xã hội, giải quyết việc làm, có sự tăng trưởng cần thiết.

Trong trong 5 năm, từ năm 2016 - 2020, Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Nền kinh tế được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145%, tương đương 9.000 USD tính theo ngang bằng sức mua. 

Theo ước tính của WB, tầng lớp trung lưu Việt Nam hiện xấp xỉ dân số của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong nhóm "4 con hổ châu Á" cộng lại và đến 2045 chiếm trên 50% dân số - tương đương dân số Hàn Quốc. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm mạnh từ 9,8% năm 2015 xuống còn dưới 3% năm 2020.

 "Việt Nam được coi là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Năm 2020, trong bối cảnh Covdi-19, Việt Nam vẫn kiên trì duy trì tăng trưởng dương ở mức khá" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói và cho biết: Việt Nam hiện là nền kinh tế đứng thứ 40 thế giới. Trong khu vực ASEAN, quy mô GDP của kinh tế Việt Nam đã vượt Singapore và Malaysia, đứng vị trí thứ 4. Năm 2035, Việt Nam phấn đấu đứng thứ 19 nền kinh tế thế giới.

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *