Quốc tế 17/08/2021 07:59

Báo động từ đà phục hồi yếu ớt của nền kinh tế Trung Quốc nửa cuối năm

Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục sụt giảm trong tháng 7 khi các dữ liệu kinh tế trong đầu quý III thấp hơn kỳ vọng.

Báo động từ đà phục hồi yếu ớt của nền kinh tế Trung Quốc nửa cuối năm - 1

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhiều khả năng sẽ giảm tốc sâu hơn trong những tháng tới (Ảnh: EPA-EFE).

Nhiều chỉ số tăng chậm lại 

Mặc dù không phải tất cả nhà kinh tế đều hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc năm nay nhưng một số chuyên gia cho rằng vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.

Với nhiều sóng gió hơn trong nửa cuối năm nay, đặc biệt khi biến thể Delta tiếp tục bùng phát trên khắp cả nước, dữ liệu tháng 7 dự báo, khả năng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giảm tốc sâu hơn trong những tháng tới.

Ngay sau khi Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố số liệu kinh tế tháng 7 của nước này, một số ngân hàng nước ngoài đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP trong năm của Trung Quốc.

Theo đó, doanh số bán lẻ - một thước đo về chi tiêu của người tiêu dùng - chỉ tăng 8,5% trong tháng 7, giảm so với mức tăng 12,1% trong tháng 6 và thấp hơn mức dự báo tăng 10,9% của nhóm chuyên gia do Bloomberg khảo sát.

Sản xuất công nghiệp Trung Quốc - một thước đo hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, khai thác mỏ và tiện ích - cũng chậm lại trong tháng 7, chỉ tăng 6,4% so với một năm trước đó sau khi tăng 8,3% trong tháng 6.

Đầu tư vào tài sản cố định - thước đo chi tiêu cho các hạng mục cơ sở hạ tầng, tài sản, máy móc, thiết bị - trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 chỉ tăng ở mức 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 12,6% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6.

Tỷ lệ thất nghiệp, không bao gồm số liệu của hàng chục triệu lao động nhập cư, ở mức 5,1% trong tháng 7 so với mức 5% trong tháng 6.

NBS cho biết, tác động kép của đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất tại ít nhất 17 tỉnh của nước này và lũ lụt ở tỉnh Hà Nam đã khiến nền kinh tế Trung Quốc phát triển không ổn định và đồng đều.

Dự báo tăng trưởng bị hạ 

Ngay sau dữ liệu kinh tế được công bố, ngân hàng ANZ đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm nay từ mức 8,8% xuống 8,3%.

Đầu tháng 8, Nomura Holding cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế quý III của Trung Quốc và tăng trưởng GDP cả năm của nước này từ mức 8,9% xuống còn 8,2%.

Các định chế tài chính lớn trên toàn cầu như Goldman Sachs, JPMorgan và Morgan Stanley cũng đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh xuất khẩu tăng trưởng chậm và lo ngại đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, HSBC vẫn giữ nguyên mức dự báo.

Bất chấp các dự báo về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ thấp hơn trong năm nay, nhiều nhà kinh tế vẫn cho rằng, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đại lục vẫn sẽ không nới lỏng chính sách tiền tệ như cắt giảm lãi suất.

Iris Pang - nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ING Economics - cho biết có thể có một sự thúc đẩy lớn hơn đối với chi tiêu tài khóa thông qua các dự án cơ sở hạ tầng nhưng không cần phải cắt giảm trần lãi suất vì việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong tháng 7 đã hạ lãi suất cho vay trên thị trường.

Tháng trước, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 0,5 điểm phần trăm, đưa 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (154 tỷ USD) vào lưu thông.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế như ông Liang Zhonghua - trưởng nhóm phân tích vĩ mô tại Haitong Securities - cho rằng, vẫn có khả năng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong quý IV và năm tới.

Ông Li Chao - nhà kinh tế trưởng tại Zheshang Securities - tin rằng việc cắt giảm lãi suất đã được thực hiện. "Việc cắt giảm RRR vào tháng 7 có nghĩa là chính sách tiền tệ đã chuyển sang nới lỏng. Đây không phải là một hành động tạm thời mà sẽ có tính liên tục", ông nói.

Ông Zhang Bin, Phó giám đốc Viện kinh tế và chính trị thế giới tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, cần giảm lãi suất "càng sớm càng tốt" và cắt giảm "càng lớn càng tốt".

Bởi, theo ông, điều quan trọng hiện nay là phải giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp thông qua việc cắt giảm lãi suất bởi cả tiêu dùng lẫn việc làm đều không phục hồi như trước Covid-19.

Nhà kinh tế cao cấp Jianwei Xu của Natixis lại cho rằng sẽ có một giải pháp trung gian. Đó là ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn có thể bơm thêm thanh khoản vào nền kinh tế để ngăn chặn đà suy thoái, nhưng điều đó không nhất thiết là cắt giảm lãi suất.

Nhật Linh
Theo SCMP

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *