Quốc tế 12/02/2020 15:24

Báo động hiện tượng người Trung Quốc tại Mỹ bị kỳ thị vì virus corona

Khi Trung Quốc nỗ lực khống chế virus corona và hạn chế thấp nhất sự lây lan ra toàn cầu, các công dân Trung Quốc ở Mỹ đang chống lại một cuộc chiến khác - sự kỳ thị và phân biệt đối xử, theo Xinhua

Báo động hiện tượng người Trung Quốc tại Mỹ bị kỳ thị vì virus corona - 1

Một người đàn ông khử trùng trên một chuyến bay của hãng hàng không Hainan Airlines tại Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Virus corona (tên gọi mới là Covid-19, theo Tổ chức Y tế Thế giới), bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), đã khiến gần 45.000 người nhiễm bệnh và 1.113 người tử vong tại Trung Quốc tính tới ngày 11/2. Tại Mỹ, chỉ 12 trường hợp được xác nhận nhiễm virus và nguy cơ lây lan của virus này ra công chúng tương đối thấp.

Tuy nhiên, các thông tin y tế sai lệch, trong đó có các cảnh báo tránh đồ ăn châu Á và các khu vực đông dân cư gốc Á, vẫn lan truyền, và hàng loạt các bình luận cũng như các câu chuyện đùa ác ý về người Trung Quốc hay người châu Á đã gia tăng trên mạng internet.

“Tôi rất lo ngại và thật không may là như vậy. Không có lý do gì để công chúng Mỹ lo ngại về người châu Á trong cộng đồng của chúng ta. Tôi thật sự buồn khi nghe những câu chuyện này”, Nancy Messonnier, giám đốc Trung tâm quốc gia về tiêm chủng và bệnh hô hấp thuộc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), nói với hãng tin Xinhua.

Tiến sĩ Marybeth Sexton, một phó giáo sư tại Khoa các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y thuộc Đại học Emory, cũng đưa ra các bình luận tương tự.

“Tất cả các bệnh nhân bị nhiễm đã bị cách ly tại nhà hoặc nhập viện, và giới chức y tế đang theo dõi sát bất kỳ ai có nguy cơ bị nhiễm. Không có lý do gì để lo ngại rằng bất kỳ ai mà các bạn gặp ở nơi công cộng, tới từ bất kỳ chủng tộc nào hoặc quốc gia nào, có thể gây ra nguy cơ với bạn”, chuyên gia trên nói.

Điều quan trọng là công chúng Mỹ cần chống lại bất kỳ sự kỳ thị nào quanh virus corona và đề cao sự hiểu biết, các quan chức, bác sĩ, doanh nhân và các chuyên gia CDC nói trong các cuộc phỏng vấn với Xinhua.

Việc hiểu sai và thiếu thông tin về virus corona là mối nguy hiểm lớn hơn bản thân virus này, các nhà quan sát cảnh báo, nói thêm rằng mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng không nên biện minh cho tâm lý kỳ thị người châu Á.

Chống lại sự kỳ thị

Trong những tuần gần đây, một bé trai 8 tuổi tại bang Washington đeo khẩu trang đã bị một nhân viên siêu thị Costco yêu cầu rời đi vì cậu bé có thể đến từ Trung Quốc. Các sinh viên tại Đại học Columbia ở New York đã gặp phải một thông điệp bằng tiếng Hoa rằng “khu vực cách ly virus Vũ Hán” trên một tấm bảng tại một thư viện của trường. Một trung tâm dịch vụ y tế thuộc Đại học California ở Berkeley (UC-Berkeley) xem sự kỳ thị với người châu Á là phản ứng bình thường trong một đăng tải trên mạng xã hội Instagram về kiểm soát mối lo ngại và lo ngại về sự bùng phát của dịch bệnh. Các video người châu Á ăn thịt dơi với các đồn đoán không chính xác về nguyên nhân virus bùng phát và các bình luận phỉ báng đã lan truyền chóng mặt. Thời báo phố Wall còn đăng tải một bài ý kiến có tiêu đề “Trung Quốc là người ốm yếu thật sự của châu Á”.

Việc báo chí đăng tải các vụ việc trên đã gây sự phẫn nộ trong công chúng, khiến nhiều người lên tiếng và các hành động cụ thể được thực hiện.

Báo động hiện tượng người Trung Quốc tại Mỹ bị kỳ thị vì virus corona - 2

Hiệu làm tóc vắng bóng khách ở New York, Mỹ (Ảnh: Xinhua)

Costco đã xin lỗi bé trai trên và gia đình. Đại học Columbia đã kêu gọi các sinh viên thông báo về các vụ việc kỳ thị. Đại học UC-Berkeley thay đổi thông điệp. Video ăn dơi được chia sẻ nhiều trên mạng được phát hiện quay tại quốc đảo Palau ở Thái Bình Dương. Trong khi đó, các cư dân mạng đã chỉ trích bài ý kiến của Thời báo phố Wall và một kêu gọi đòi tờ báo xin lỗi cộng đồng Trung Quốc đã thu hút 113.000 người ký tên chỉ trong vài ngày.

Ông Peter Koo, một thành viên đại diện cho quận 9 của Hội đồng thành phố New York York, nơi 1/3 dân cư là người gốc Trung Quốc, cho rằng không nên gọi virus mới là virus corona Vũ Hán hay virus corono Trung Quốc.

Trong khi đó, một video gần đây được tải lên mạng xã hội Twitter đã cho thấy một người đàn ông nguyền rủa một phụ nữ đeo khẩu trang châu Á tại một ga tàu điện ngầm ở Manhattan và hét lớn: “Đừng chạm vào tôi”. Người đàn ông gọi cô này là “bệnh tật”, theo Tony He, người đăng tải video này lên mạng.

Người châu Á thường có thói quen đeo khẩu trang để tự bảo vệ mình khỏi bị dị ứng, bụi bẩn và khói bụi. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều người Trung Quốc đeo khẩu trang đã trở thành nạn nhân của các vụ kỳ thị do lo ngại ngày càng gia tăng bởi virus corona trong công chúng Mỹ.

Nhấn mạnh chuyện văn phòng của ông đã nhận được những phàn nàn từ các bậc phụ huynh có con bị bắt nạt tại trường do đeo khẩu trang, ông Koo cho hay mặc dù người Mỹ thường chỉ đeo khẩu trang khi họ bị bệnh nhưng mọi người không nên kỳ thị người châu Á vì đeo chúng.

“Tôi hi vọng rằng người Mỹ sẽ hiểu rằng khi người châu Á đeo khẩu trang, điều đó không có nghĩa họ bị bệnh. Nhưng cần thời gian và giáo dục để thay đổi các nhận thức văn hóa”, ông nói.

Angela Wang, chủ một cửa hiệu làm tóc ở khu phố Flushing, cho biết 1/3 khách hàng thường xuyên của anh trước đây là người không phải Trung Quốc, nhưng 2 ngày sau khi các nhân viên của anh bắt đầu đeo khẩu trang thì họ đều không đến quán nữa. Số lượng khách Trung Quốc tới đây cũng giảm hẳn.

“Tất cả chúng tôi đã bỏ khẩu trang nhưng việc kinh doanh đã giảm 90% trong tuần qua. Nếu các khách hàng không trở lại, chúng tôi có thể phải đóng cửa trong vòng 2 tháng”, Wang, người di
cư từ tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) tới Mỹ 18 năm trước, buồn bã nói.

Cửa hiệu của Wang chỉ là một trong số nhiều các cửa hàng, cửa hiệu gặp khó khăn về kinh tế, khi các hoạt động kinh doanh tại Flushing đã giảm khoảng 30% gần đây. Một người quản lý bán hàng giấu tên tại một nhà hàng dim sum nổi tiếng, tin rằng đây là cú sốc lớn lớn đối với khu vực này trong nhiều năm qua.

Chứng kiến nỗi sợ hãi virus đang ảnh hưởng tới các ngành kinh doanh tại các khu phố của người Hoa và các cộng đồng châu Á như Flushing, giới chức thành phố New York đã khuyên người dân không nên thay đổi các hoạt động hàng ngày.

Ủy viên hội đồng sức khỏe thành phố New York Oxiris Barbot thậm chí còn tới ăn tại các nhà hàng Trung Quốc, tham gia các hoạt động tại khu phố của người Hoa và chia sẻ các trải nghiệm trên Twitter.

Bệnh cúm là mối đe dọa lớn hơn tại Mỹ

Trong khi virus corona tiếp tục thống trị các mặt báo thế giới, giới chức và các bác sĩ cũng nhắc nhở công chúng Mỹ rằng bệnh cúm thực chất là mối đe dọa lớn hơn.

Ông Peter Koo nói rằng, tại New York, nơi chưa có trường hợp bị nhiễm virus corona nào cho tới nay, người bị thường có nguy cơ bị ốm do cúm lớn hơn do virus corono.

“Tiêm vắc xin là một biện pháp hữu hiệu. Nếu ai đó bị ốm với các triệu chứng bệnh lý đường hô hấp, họ nên đeo khẩu trang trong phòng chờ y tế để tránh lây nhiễm cho các bệnh nhân”, bác sĩ Sexton nói.

Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính có ít nhất 22 triệu người bị cúm trong mùa năm nay, trong đó 210.000 người phải nhập viện mà 12.000 trường hợp tử vong liên quan tới cúm.

An Bình

Theo Xinhua

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *