Quốc tế 22/06/2021 14:56

Anh bắt đầu đàm phán gia nhập CPTPP

Anh hy vọng sẽ tạo ra một vị trí thích hợp cho mình trong thương mại thế giới với tư cách là một nước xuất khẩu hàng tiêu dùng cao cấp và dịch vụ chuyên nghiệp.

Hôm nay (22/6), Vương quốc Anh sẽ bắt đầu đàm phán để gia nhập thoả thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương mà nước này coi là quan trọng đối với việc xoay trục hậu Brexit khỏi châu Âu và hướng tới các nền kinh tế xa hơn về mặt địa lý nhưng phát triển nhanh hơn.

Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss (Ảnh: Reuters).

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) xóa bỏ 95% thuế quan giữa các thành viên: Nhật Bản, Canada, Australia, Việt Nam, New Zealand, Singapore, Mexico, Peru, Brunei, Chile và Malaysia.

Anh hy vọng sẽ tạo ra một vị trí thích hợp cho mình trong thương mại thế giới với tư cách là một nước xuất khẩu hàng tiêu dùng cao cấp và dịch vụ chuyên nghiệp. Việc gia nhập hiệp định này sẽ bổ sung cho các thoả thuận thương mại mà London đang tìm kiếm hoặc đã đồng ý với các thành viên lớn hơn.

“Khu vực này của thế giới là nơi có những cơ hội lớn nhất cho Anh. Chúng tôi rời EU với lời hứa sẽ làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với các đồng minh cũ và các thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh bên ngoài châu Âu”, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss nói và thêm rằng: “Đây là một giải thưởng lấp lánh hậu Brexit mà chúng tôi muốn giành lấy”.


Anh không kỳ vọng CPTPP sẽ dẫn đến gia tăng xuất khẩu nhưng nước này sẽ có quyền tiếp cận thị trường, bao gồm các lĩnh vực pháp lý, tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp.

Không giống như Liên minh châu Âu, CPTPP không áp đặt luật pháp đối với các thành viên, không nhằm mục đích tạo ra một thị trường duy nhất hoặc một liên minh thuế quan, và nó không tìm kiếm sự hội nhập chính trị rộng rãi hơn.

Quá trình đàm phám tư cách thành viên chủ yếu nhằm chứng minh với các thành viên hiện nay của CPTPP rằng Anh có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của tổ chức này về xoá bỏ thuế quan và tự do hoá thương mại, sau đó đưa ra các chi tiết về cách thức và thời gian thực hiện.

“Hiệp định CPTPP có các quy định mạnh mẽ chống lại hành vi thương mại không công bằng như ưu đãi các doanh nghiệp nhà nước, chủ nghĩa bảo hộ, phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài và buộc các công ty phải cung cấp thông tin cá nhân”, Bộ Thương mại Anh cho biết.

"Sự tham gia của Vương quốc Anh sẽ củng cố sự đồng thuận quốc tế chống lại các hành vi không công bằng như vậy," Bộ này nói thêm.

Mỹ đã rút khỏi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Tháng 11 năm ngoái, người kế nhiệm, ông Joe Biden đã nói trong chiến dịch tranh cử về khả năng đàm phán tham gia thoả thuận. Tuy nhiên, đến nay, ông Biden vẫn chưa có bất kỳ kế hoạch nào cho vấn đề này kể từ ngày nhậm chức.

Nhật Linh

Theo Reuters

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *