Quốc tế 24/02/2019 06:21

5 bí mật về các chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Mỹ

Bất cứ chuyến công du nào của một tổng thống Mỹ cũng được đảm bảo an ninh cực kỳ nghiêm ngặt và chi phí cho mỗi chuyến đi như vậy mất hàng tháng để lên kế hoạch và đều rất tốn kém.

trump tham Trung quoc.jpg

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại sự kiện của Hội nghị APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam năm 2017. (Ảnh: AFP)


Chuyến thăm của một tổng thống Mỹ luôn có sức hút đặc biệt với nước chủ nhà

Hầu hết các nước, kể cả những nước đối thủ của Mỹ, đều mong muốn được tổng thống Mỹ viếng thăm. Điều này là bởi nguyên thủ của một quốc gia quyền lực nhất thế giới đến thăm cũng đồng nghĩa với việc quốc gia đó lôi kéo được sự chú ý của truyền thông thế giới, thậm chí có thể làm tăng uy tín cho một chính phủ mới nổi.
An ninh vô cùng nghiêm ngặt

Bất cứ khi tổng thống Mỹ sắp tới thăm nơi nào, truyền thông địa phương thường có xu hướng bàn luận về việc phong tỏa an ninh ở nơi đó. Nói cách khác, bất cứ chuyến công cán nào của tổng thống Mỹ cũng đi kèm với cơ chế an ninh cực kỳ nghiêm ngặt, song thậm chí một số nước chủ nhà thắt chặt an ninh cho chuyến thăm của tổng thống Mỹ quá mức cần thiết.

Steve Atkiss, cựu trợ lý đặc biệt cho các hoạt động của Tổng thống George W. Bush, kể lại năm 2006 khi ông tháp tùng cựu tổng thống Bush tới New Delhi: “Các đại lộ chính hầu như không một bóng người, không có dấu hiệu nào của văn hóa đường phố, cũng không có những đám đông hiếu kỳ”.

Tổng thống Mỹ đối mặt nhiều rủi ro khi công du nước ngoài hơn bất cứ nguyên thủ nào

trump01.jpg

Các Mật vụ Mỹ luôn đảm bảo an ninh tối đa cho Tổng thống. (Ảnh: Getty)

Tất nhiên, trong bất cứ chuyến công cán cấp cao nào, tổng thống Mỹ đều có thể trở thành mục tiêu bị đe dọa. Đó là lý do tại sao tổng thống Mỹ cũng được hưởng cơ chế bảo vệ an ninh có thể nói nghiêm ngặt nhất thế giới khi công du.

Cơ quan Mật vụ Mỹ là đơn vị chính chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho tổng thống. Họ cũng phải dựa vào lực lượng an ninh nước ngoài để tăng thêm sức mạnh khi tháp tùng tổng thống công du. Các nhân viên Cơ quan Mật vụ Mỹ luôn phải lên kế hoạch bảo đảm an ninh cực tỉ mỉ và giới chức an ninh luôn trong tình trạng báo động cao trong các chuyến công du của tổng thống.

Ngoài ra, các biện pháp phòng ngừa cũng được áp dụng. Ví dụ, trong chuyến thăm của cựu Tổng thống Bush đến Pakistan, giới chức an ninh Mỹ đã sử dụng 4 loại phương tiện di chuyển trong đó có đoàn ô tô tùy tùng, các trực thăng, đến mức thậm chí cả giới chức an ninh Pakistan cũng không biết chính xác tổng thống đang di chuyển bằng phương tiện nào.

Chuyên cơ Không lực Một được tiếp liệu trên không trong các hành trình dài

air force one.jpg

Chuyên cơ Không lực Một của Tổng thống Mỹ (Ảnh: Alamy)

Chuyên cơ của tổng thống Mỹ hay còn gọi là Không lực Một thường là Boeing 747 - loại máy bay có thể tiếp liệu trên không. Tuy nhiên, theo giới chức quân sự Mỹ, từ trước đến nay, Không lực Một chưa từng phải tiếp liệu trên không bởi nó có đủ nhiên liệu để bay thẳng từ Washington đến Iraq mà không cần thêm nhiên liệu. Trong các chặng dài hơn như đến châu Á, máy bay này thường sẽ dừng lại tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Alaska hoặc ở Đức.

Chiếc E-4B chở Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thường xuyên tiếp liệu trên không, thậm chí phóng viên được mời để chứng kiến hoạt động tiếp liệu này. Trong khi đó, chuyên cơ chở phó tổng thống và các bộ trưởng khác trong nội các Mỹ không có khả năng tiếp liệu trên không.

Chi phí công du cao

xe.jpg

Đoàn xe hộ tống Tổng thống Mỹ (Ảnh: Drive)

Khi tổng thống Mỹ công du nước ngoài, chính phủ nước này sẽ chi trả tất cả các khoản tiền phát sinh từ phương tiện đi lại, nơi ở, đồ ăn cho cả tổng thống và phái đoàn tháp tùng có thể lên tới hàng trăm người.

Chỉ riêng chuyên cơ phục vụ tổng thống mỗi khi công du đã có thể ngốn vài triệu USD cho mỗi chuyến đi. Theo ước tính, chi phí vận hành chuyên cơ Không lực Một lên tới 206.000 USD/giờ. Chi phí bao gồm tiền nhiên liệu, hao mòn và bảo trì. Đó là chưa kể để các khoản chi phí khác cho các trực thăng, đoàn xe hộ tống tổng thống và các chi phí liên quan. Đoàn xe của tổng thống thường được vận chuyển bằng các máy bay vận tải như Galaxy C-5 với chi phí bay là 78.000 USD/giờ hay C-17 Globemaster III có chi phí hơn 28.000 USD/giờ.

Theo báo cáo của Văn phòng minh bạch hoạt động của chính phủ Mỹ, chuyến công du 11 ngày tới 6 nước châu Phi năm 1998 của Tổng thống Bill Clinton cùng với đoàn tháp tùng khoảng 1.300 người tốn ít nhất 42,7 triệu USD.

Kể từ khi nhậm chức đầu năm 2017, Tổng thống Trump đã thực hiện 10 chuyến công du nước ngoài qua 20 nước. Vì nhiều nguyên nhân, chi phí cho mỗi chuyến đi của một tổng thống Mỹ hiếm khi được tiết lộ, song người ta có thể chắc chắn một điều rằng đó không phải là một con số nhỏ.

Minh Phương
Tổng hợp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *