Quốc tế 06/06/2015 07:15

“2015 và 2016, giá dầu sẽ ở ngưỡng 60 USD/thùng”

Động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu và tình trạng dư thừa nguồn cung dầu sẽ khiến giá “vàng đen” không thể vượt xa ngưỡng 60 USD/thùng trong thời gian còn lại của năm 2015 và cả năm 2016, hãng tin CNBC dẫn lời các chuyên gia phân tích.

Có vẻ đang ổn định

“Giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại thị trường Mỹ sẽ dao động quanh ngưỡng 60 USD/thùng trong thời gian còn lại của năm 2015 và sẽ chỉ bắt đầu nhích dần về ngưỡng 70 USD/thùng từ cuối năm 2016 trở đi”, chuyên gia kinh tế cấp cao Jun Inoue thuộc viện nghiên cứu Mizuho dự báo.

“Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang kém, trong khi không có tín hiệu nào cho thấy nguồn cung dầu thô sẽ giảm xuống”, ông Inoue nói.

Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm hồi đầu năm nay, giá dầu đã đi vào ổn định trong vòng hai tháng qua. Từ đầu tháng 4, giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau dao động trong khoảng 50-60 USD/thùng.

Hãng tin Reuters cho biết, trước thềm cuộc họp định kỳ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tại Vienna, Áo vào ngày 5/6, bộ trưởng bộ dầu lửa một số nước như  Iraq, Venezuela và Angola đã kêu gọi mức giá mục tiêu cho dầu thô trong khoảng 75-80 USD/thùng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng không có cơ sở cho giá dầu tăng tới những mức như vậy.

“Giá dầu có vẻ đang ổn định trong khoảng 60-70 USD/thùng”, công ty nghiên cứu Capital Economics nói trong một báo cáo ra ngày 3/6. “Chúng tôi cho rằng giá dầu có nhiều khả năng giảm hơn là tăng trong thời gian còn lại của năm nay”.

Capital Economics dự báo giá dầu thô Brent biển Bắc ở mức 60 USD/thùng vào cuối năm nay. Trong phiên giao dịch ngày 4/6 tại thị trường châu Á, giá dầu Brent ở ngưỡng khoảng 63,4 USD/thùng.

Cho dù các bộ trưởng dầu lửa OPEC có nói gì ở Vienna trong cuộc họp ngày 5/6, ít khả năng khối này sẽ đưa ra một mức giá mục tiêu cụ thể. Nhưng theo dự báo, OPEC sẽ duy trì mức hạn ngạch sản lượng hiện tại.

“OPEC cần phải duy trì quan niệm cho rằng thị trường tự quyết định giá”, nhóm nghiên cứu của ngân hàng Barclays viết trong một báo cáo ra ngày 2/6.

Các chuyên gia nói rằng, đối với các nước thành viên OPEC muốn đặt ra mục tiêu cho giá dầu, đó có thể chỉ là cách họ bày tỏ lập trường. “Những mức giá mục tiêu mà một số nước OPEC muốn không hẳn phản ánh chi phí khai thác của họ”, chuyên gia Inoue nói.

Ẩn số dầu đá phiến

Bên cạnh đó, giá cao hơn chưa hẳn là ưu tiên của OPEC. Theo các nhà phân tích, bằng cách duy trì sản lượng, OPEC sẽ khiến giá dầu ở dưới mức mà ở đó các khoản đầu tư vào khai thác dầu đá phiến ở Mỹ có thể sinh lợi. 

Điểm hòa vốn cho những khoản đầu tư sớm nhất vào khai thác dầu đá phiến ở Mỹ vào khoảng 60 USD/thùng, và cao hơn đối với những dự án về sau - theo ông Inoue.

Tuy vậy, OPEC sẽ thận trọng để tránh gây cảm giác khối này đang nhằm vào các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ. “Saudi Arabia đang ‘chấp nhận đau thương’ [với giá dầu rẻ] để chứng tỏ rằng các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ không phải là mục tiêu mà OPEC nhằm vào, mà là tất cả các nước sản xuất dầu với chi phí cao hơn”, Barclays nhận xét.

Các chuyên gia dự báo, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ khiến giá dầu không thể tăng trong vòng hai năm tới.

“Do việc cắt giảm mạnh đầu tư vào các hoạt động thượng nguồn và khoan tìm, sản lượng dầu của Mỹ cuối cùng đã ngừng tăng và chuyển sang đi ngang trong 3 tháng trở lại đây, dự báo sẽ sớm giảm xuống. Điều này đã hỗ trợ và giúp thiết lập một mặt sàn cho giá dầu”, nhà phân tích Michael Winter của ngân hàng Societe Generale viết trong một báo cáo ra ngày 3/6.

Nhưng ông Winter nhấn mạnh rằng điều này có thể sẽ không kéo dài lâu. Theo nhà phân tích này, những giếng dầu đã được khoan nhưng chưa khoan xong sẽ là một nhân tố khó lường. Một khi những giếng này bắt đầu cho dầu, thì nguồn cung dầu của Mỹ sẽ càng lớn hơn, và gây sức ép giảm cho giá dầu.

Societe Generale dự báo giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau sẽ ở ngưỡng 60 USD/thùng trong thời gian từ nay tới hết năm 2016.

Theo An Huy

VnEconomy

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *