Góc nhìn 05/09/2018 14:38

Xăng ở trong nhà

Ngồi trước mặt tôi là một người đàn ông gầy gò, giọng nói khàn khàn. Dù đã cố gắng mặc áo sơ mi dài tay và cài cúc cổ, ông cũng không thể nào che được vết sẹo bỏng ở cằm, cổ và bàn tay trái do bỏng xăng

Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI

Ở bản của ông không có cây xăng, người dân thường phải xuống thị trấn, cách đó 20km đường núi. Chính vì thế, người dân mỗi lần đi đổ xăng, ngoài việc đầy bình thì sẽ mua thêm một can mang về dùng dần. Can xăng trong nhà đó chính là lý do của vết bỏng.

Nếu tra google từ khoá "bỏng xăng" sẽ ra rất nhiều bài báo thương tâm. Có một điều trùng hợp là hầu hết nạn nhân đều là người dân vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân đa phần đều từ những can xăng trong nhà đó.

Nhiều người đã nhìn ra thực tế bất cập đó và tìm cách thay đổi, nhưng cái vướng lại nằm ở pháp luật. Để mở một cây xăng, loại nhỏ nhất đi chăng nữa, bạn cũng cần ít nhất 8 cái giấy phép (trước 2017 là 9 giấy). Có doanh nghiệp vùng cao nói với mình, họ đã mất đến 300 triệu và một năm trời đi đi lại lại để xin mở được một cây xăng.

Bán xăng cho một cái bản 200 dân thì đến bao giờ mới lại được con số đó? Thêm vào đó, giá xăng, chi phí, lợi nhuận cũng bị Nhà nước khống chế.

Kết quả là chẳng có ai thiết tha chở xăng đến các bản làng xa xôi để bán.

Quy định giấy phép này nọ những tưởng sẽ giúp cho kinh doanh xăng dầu được an toàn, phòng chống cháy nổ lại khiến nhiều người dân bị bỏng. Duy trì giá xăng thấp những tưởng giúp cho dân nghèo được hưởng, cuối cùng lại khiến họ phải tự chịu chi phí vận chuyển xăng về nhà, còn tốn kém hơn.

Có lần tôi đi nghỉ ở Mũi Né, thuê xe khách sạn và phải tự đổ xăng tại một cột xăng lẻ, bơm xăng thủ công. Họ đong đếm bằng một cái ống thủy tinh có vạch, không mái che, không bình cứu hỏa và được vận hành bởi những đứa trẻ 13 tuổi phụ giúp gia đình bán hàng tạp hóa.

Có doanh nhân tìm cách cung ứng những cột bơm xăng nhỏ, phù hợp với xe máy, được kiểm định đo lường, không bị rò rỉ, có bình chữa cháy đi kèm, vận hành như một cái máy bán hàng tự động. Loại cột bơm xăng này đã từng được sử dụng ở Thái Lan trong 5 năm qua, với khoảng 6000 cột, chưa hề có một vụ cháy nào.

Thế nhưng, thương nhân đó không thể bán được hàng vì Quy chuẩn kỹ thuật cây xăng của Việt Nam không cho phép.

Doanh nhân đó nói với tôi: “80% phương tiện giao thông ở Việt Nam là xe máy, nhưng tất cả các cây xăng đều được thiết kế cho ô tô.”

Nhưng cũng đúng thôi, cái cột bơm do đứa trẻ 13 tuổi kia vận hành có cháy nổ, có đo sai thì đó là lỗi của nó, vì nó đang kinh doanh trái phép. Còn nếu một cột bơm nào được cấp phép mà cháy nổ, đo sai thì Nhà nước sẽ bị réo tên. Đương nhiên người ta sẽ phải đặt tiêu chuẩn thật cao.

 

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, VCCI

Nguyễn Minh Đức sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987, tốt nghiệp đại học là cử nhân Luật và hiện đang là thành viên Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *