Góc nhìn 19/12/2020 10:35

Việt Nam cần làm gì để gỡ mác “thao túng tiền tệ”

Việt Nam sẽ kiên trì thông tin với Mỹ để dỡ bỏ mác thao túng tiền tệ.

Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Quy định "thao túng tiền tệ" của Mỹ dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có 3 tiêu chí là: Thặng dư thương mại, thặng dư cán cân vãng lai và việc các nước khác đẩy mạnh mua ngoại tệ.

Phía Mỹ chưa áp thuế ngay đối với hàng xuất của Việt Nam và vẫn còn thời gian để Việt Nam cung cấp các thông tin khách quan, chi tiết để thuyết phục họ dỡ bỏ nhãn mác này như đã từng làm với Trung Quốc.

Nguyên do phía Mỹ dán mác Việt Nam thao túng tiền tệ là ở chỗ thặng dư thương mại với Mỹ của Việt Nam khá lớn. Tuy nhiên, thặng dư thương mại cũng do là giá lao động Việt Nam quá rẻ, từ đó giá hàng hóa xuất đi rất rẻ.

Về cán cân vãng lai, các năm trước Việt Nam có xuất siêu nhưng không nhiều, chỉ vài tỷ USD mỗi năm. Vài năm trở lại đây, giá trị xuất siêu cao hơn, năm 2020 có thể xuất siêu của Việt Nam lên đến 20 tỷ USD.

Khác với các nước, cán cân vãng lai do thương mại tạo nên, cán cân vãng lai của Việt Nam chủ yếu là do lượng tiền kiều hối từ nước ngoài gửi về, nhiều khoản tiền được chuyển về để trợ cấp cho người thân trong nước.

Kiều hối chảy về là yếu tố khách quan, không phải vì tỷ giá cao hay thấp, người gửi tiền về cũng không căn cứ tỷ giá cao, không gửi, thấp là gửi ồ ạt, mà đây là do nhu cầu của mỗi người. Việt Nam không hề có động tác giữ đồng tiền thấp để kích thích kiều hối chuyển về nhiều hơn.

Về can thiệp thị trường ngoại hối, hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước về mặt bản chất là quá trình chuyển đổi ngoại hối. Việt Nam không cho phép dùng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán; các nhà đầu tư vào Việt Nam kinh doanh thì phải chuyển đổi ra tiền đồng. Nguồn tiền kiều hối chuyển về nước cũng phải đổi qua tiền đồng để sử dụng.

Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ để thực hiện chức năng chuyển hóa các đồng ngoại tệ, giúp người dân dùng tiền đồng, điều này là bắt buộc.

Mỹ từng dán nhãn Trung Quốc "thao túng tiền tệ" nhưng họ đã gỡ bỏ sau một năm, bây giờ vẫn diện theo dõi. Với Việt Nam, không phải Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ là họ áp thuế ngay vào hàng xuất khẩu mà cần một thời gian. Việt Nam còn thời gian đàm phán, giải thích với họ để gỡ mác "thao túng tiền tệ". Vì vậy, không nên quá bi quan, Việt Nam sẽ cung cấp các thông tin khách quan, chi tiết với họ.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *