Góc nhìn 20/01/2020 09:20

Vì sao doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chộp giật?

Làm việc trong lĩnh vực môi trường kinh doanh, tôi vẫn hay được nghe nhiều quan chức phê phán các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chộp giật, không chịu đầu tư bài bản để nâng cao hiệu quả kinh tế hoặc để kinh doanh một cách bền vững.

Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI

Tôi đem câu chuyện trao đổi với một doanh nhân nhiều năm kinh nghiệm, ông ta nói: “Tôi đồng ý rằng doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chộp giật. Nhưng ông có biết vì sao người ta lại chỉ chộp giật mà không đầu tư dài hạn không?

Vì thể chế đấy!

Ông cứ đặt mình vào vị trí của một doanh nhân sẽ thấy. Giờ có 2 sự lựa chọn, Một là đầu tư lớn xây dựng nhà máy, công xưởng máy móc hiện đại. Hai là chỉ xây dựng tạm, mua sắm máy móc cũ, thì người ta cũng phải tính.

Đầu tư lớn thì hiệu quả có thể cao, nhưng rủi ro cũng lớn. Nếu đầu tư lớn rồi mà vài năm sau đó mà pháp luật thay đổi, người ta không cấp phép mới thì tao làm thế nào? Doanh nghiệp đang lên phương án kinh doanh 10 năm thu hồi vốn, làm được 2 năm thì Nhà nước tăng thuế, coi như mọi thứ đổ bể?

Nếu đầu tư cho người lao động đi học, đến khi về người ta bỏ việc, đi làm cho công ty đối thủ hoặc đứng ra mở công ty riêng thì tôi làm thế nào? Khởi kiện thì chắc gì đã thắng, thắng thì chắc gì thi hành án đã đòi được tiền, mà thời gian tính bằng năm, lúc đó tôi phá sản luôn rồi.

Nếu đầu tư xây dựng thương hiệu thì càng dễ bị chú ý. Pháp luật Việt Nam như một cái rừng rậm. Làm gì có doanh nghiệp nào kinh doanh mà không sai. Nếu không có tên tuổi gì thì sai một tí, bị thanh tra vào thì đưa tiền là xong. Nhưng nếu có thương hiệu thì khi sai nhỏ thôi cũng sẽ bị báo chí nhảy vào làm rùm beng lên. Như vậy thì ai dám đầu tư cho thương hiệu?

Quả thật, khá nhiều doanh nghiệp nhỏ chia sẻ với tôi: “Ngu gì lớn”. Cứ lớn là phát sinh đủ thứ vấn đề với cơ quan nhà nước, với báo chí, với chính quyền địa phương… Thôi cứ bé bé, vô danh cho lành. Ông có chửi tôi chộp giật thì tôi xin nhận. Nhưng ít nhất thì tôi còn sống sót để nuôi vợ con, chứ vay tiền làm to thì có ngày bán nhà đi mà trả nợ.”

Cái đáng buồn là có vẻ như môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng kém ổn định. Theo số liệu khảo sát PCI qua các năm, khả năng dự đoán thay đổi chính sách của doanh nghiệp giảm nhanh và bền vững trong 5 năm qua. (Nguồn: VCCI, Điều tra PCI từ 2014 đến 2018)

Khi biết tôi làm chính sách, có ông doanh nhân mắng: “Chúng mày làm chính sách như cây tre trăm đốt. Khắc nhập, khắc xuất.” Doanh nghiệp đó vừa chịu thiệt hại vài tỷ đồng do một quy định về sử dụng chung một dây chuyền để sản xuất nhiều loại sản phẩm đã thay đổi từ chỗ cho phép, sang cấm, rồi lại cho phép chỉ trong vài năm.

Thực ra thì cái sự thay đổi chính sách thì nước nào cũng có. Ở các nước phát triển thì thuế thu nhập cũng nhảy lên nhảy xuống, các quy định mới thì cũng được ban hành liên tục. Việc đòi hỏi một môi trường kinh doanh hoàn toàn không có biến động là điều không thể, nhất là khi có sự thay đổi lãnh đạo hoặc đảng phái sau mỗi lần bầu cử.

Thế nhưng, nhà đầu tư ở các nước phát triển vẫn có niềm tin rằng các chính sách dù biến đổi cũng không quá nhanh, không quá sốc và không cực đoan. Trong những hoàn cảnh tệ hại, họ vẫn có quyền được khởi kiện một chính sách ra toà án khi cơ quan ban hành lạm quyền, hoặc chính sách đó vi hiến. Vì thế, người ta vẫn yên tâm đầu tư những dự án lớn, thu hồi vốn kéo dài.

Tôi từng ngồi với một doanh nghiệp chuyên đầu tư các dự án siêu lớn. Họ đầu tư tại các nước phát triển thì sẵn sàng tuân thủ pháp luật nước đó mà không cần có cam kết của chính quyền. Nhưng khi đến đầu tư tại Việt Nam thì họ nằng nặc đòi phải có một hợp đồng cam kết từ phía chính quyền thì mới bỏ tiền.

Tôi hỏi tại sao thì họ nói: “Ở nước phát triển, tôi có thể tin tưởng rằng họ sẽ không đột ngột thay đổi chính sách một cách điên rồ hoặc cực đoan. Còn ở Việt Nam, tôi không có niềm tin đó.”

Tôi mới hỏi tiếp: “Vậy Việt Nam cần làm thế nào để mày có được niềm tin đó?”. Hắn cười và nói: “Tôi không biết, ông phải trả lời câu hỏi đó chứ. Tôi chỉ là doanh nhân, còn ông là người làm chính sách cơ mà. Nhưng tôi có thể chắc chắn rằng để xây dựng niềm tin đó thì sẽ mất nhiều thập kỷ.”

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, VCCI

Nguyễn Minh Đức sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987, tốt nghiệp đại học là cử nhân Luật và hiện đang là thành viên Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *